Nhà băng dè dặt công bố kế hoạch lợi nhuận 2015

(Dân trí) - Xét về tổng thể, 2014 là năm khả quan hơn cả của các nhà băng kể từ sau năm 2011. Tuy nhiên, dù đã cuối tháng 1/2015, vẫn không có nhiều nhà băng công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2015.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  

 
Tính đến thời điểm này, mới chỉ đếm trên đầu ngón tay số nhà băng công bố lợi nhuận năm 2014, với những cái tên như: VietinBank thu về 7.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; Vietcombank đạt 5.680 tỷ đồng; Agribank có lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 3.238 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 6.065 tỷ đồng.

Hiện tại, thị trường cũng đón nhận thêm một số ngân hàng nhỏ công bố kết quả kinh doanh. Kết thúc năm tài chính 2014, lợi nhuận luỹ kế (sau khi trích đủ dự phòng tín dụng) của TPBank đạt trên 536 tỷ đồng. Theo ước tính, lợi nhuận trước thuế năm 2014 của ngân hàng Nam Á đạt 243 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với kế hoạch.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) cho biết, năm 2014, ước tính ACB chỉ đạt lợi nhuận 1.215 tỷ đồng, chớm trên kế hoạch 1.189 tỷ đồng dự kiến đầu năm.

Khảo sát thị trường cho thấy, dẫn đầu thị trường về lợi nhuận cũng như thời điểm công bố vẫn là 4 “ông lớn” VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank với nhiều lợi thế trong cạnh tranh, từ lịch sử cho đến nguồn vốn, cơ chế khách hàng (đặc biệt trong cạnh tranh cho vay)…

Nhà băng dè dặt công bố lợi nhuận.
Nhà băng dè dặt công bố lợi nhuận.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2014 vẫn nhiều gam màu tối. Lợi nhuận ngân hàng chỉ được như năm ngoái hoặc có thể thấp hơn do nợ xấu tăng nhanh, tín dụng chưa thông và áp lực giảm lãi suất do cạnh tranh lớn…

Đây có thể là một trong những nguyên do khiến các nhà băng dè dặt công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2015. Mạnh bạo nhất, theo thông tin công bố đến thời điểm này, có thể kể đến BIDV. Năm 2015, ngân hàng này dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng không thấp hơn 20%.

Một “ông lớn” khác là Vietcombank cũng khiêm tốn ở mục tiêu lợi nhuận 2015, khi xác định khoảng 6.000 tỷ đồng trước thuế so với mức 5.680 tỷ đồng đạt được năm qua.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2015, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, kế hoạch lợi nhuận năm nay sẽ điều chỉnh dựa vào tình hình thực tế của nền kinh tế. Còn theo MB, kế hoạch lợi nhuận năm 2015 của nhà băng này là 3.150 tỷ đồng, chỉ cao hơn một chút so với năm 2014 (3.003 tỷ đồng)…

Nhìn tổng thể, 2014 là năm khả quan hơn cả của các nhà băng kể từ sau năm 2011. Vậy tại sao các nhà băng lại không mạnh dạn đưa ra một kế hoạch lợi nhuận cho năm 2015 ở mức cao rõ nét hơn?

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, năm 2015 sẽ là năm khó khăn với ngân hàng do tổng cầu còn yếu. Điều này thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 âm 2,4% cho thấy dự báo lạm phát năm 2015 sẽ thấp.

“Với một nền kinh tế mà tổng cầu thấp, thì doanh nghiệp phải giảm giá để kích cầu nhằm xả hàng tồn kho hơn là mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của ngân hàng do tín dụng tăng trưởng không tốt và như vậy lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hiếu phân tích.

Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng nặng, đó là nợ xấu. Theo ông Hiếu, chi phí trích lập dự phòng đối với nợ xấu sẽ tăng lên vì dự kiến việc áp dụng Thông tư 36 và toàn bộ Thông tư 02 trong năm nay sẽ làm cho bức tranh nợ xấu rõ ràng hơn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.

Cùng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đạo tạo nhân lực BIDV, năm nay cố gắng lắm lợi nhuận ngân hàng cũng chỉ như năm 2014 do áp dụng hoàn toàn Thông tư 02, Thông tư 36 có hiệu lực nên nợ xấu sẽ tăng lại. “Mặc dù định hướng của Ngân hàng Nhà nước là giảm nợ xấu xuống 3% nhưng chỉ là trên sổ sách của các ngân hàng, chứ thực tế, nợ xấu vẫn cần phải xử lý”, ông Lực nhấn mạnh.

Một nguyên nhân khác tác động lớn tới lợi nhuận ngân hàng là xu hướng giảm của lãi suất do áp lực cạnh tranh cao. Thời gian qua, một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động nhằm tiết giảm chi phí và tạo cơ sở để chuẩn bị cho việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Việc giảm lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng, do tỷ lệ NIM (chênh lệch giữa lãi suất cho vay/ lãi suất huy động) giảm đi.

Theo yêu cầu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại Chỉ thị 01, năm 2015, các nhà băng cần duy trì ổn định mặt bằng lãi suất; phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Cũng theo yêu cầu của Thống đốc Bình, ngành ngân hàng tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại TCTD, phấn đấu đến cuối năm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%. Tuy nhiên, các TCTD phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

“Nghiêm cấm sử dụng biện pháp che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh; Nghiêm cấm lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho TCTD; Triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”