Nguyễn Kim “vô tình” hay “cố ý” kê khai thuế sai?

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư, doanh nhân... cho rằng cần làm rõ việc Nguyễn Kim “vô tình” hay “cố ý” kê khai thuế sai.

Cảnh sát điều tra mới rõ được vô tình hay cố ý

Như Dân trí đã đưa tin, Cục Thuế TPHCM vừa ra quyết định xử phạt và truy thu thuế đối với Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (Nguyễn Kim). Tổng số tiền xử phạt và truy thu thế lên tới hơn 148 tỷ đồng. Trong đó, truy thu thuế thu nhập cá nhân với số tiền 104,7 tỷ đồng. Phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 19,4 tỷ đồng. Số tiền chậm nộp thuế thu nhập cá nhân hơn 24,1 tỷ đồng.

Vụ việc Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (điện máy Nguyễn Kim) bị xử phạt và truy thu hơn 148 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận. Ảnh: Đại Việt
Vụ việc Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (điện máy Nguyễn Kim) bị xử phạt và truy thu hơn 148 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận. Ảnh: Đại Việt

Việc kê khai lương nhân viên của Nguyễn Kim đã có biểu hiện “lách” thuế. Nhiều năm qua, nhân viên của Nguyễn Kim đã ủy quyền cho công ty quyết toán thuế. Thế nhưng, Nguyễn Kim đã “lách” thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ.

Chẳng hạn, chức danh Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc thực lãnh 300 triệu đồng/tháng nhưng Nguyễn Kim chỉ khai thuế với lương cơ bản là 30 triệu đồng/tháng. Số tiền chênh lệch 270 triệu đồng được chuyển thành lương tăng ca.

Tương tự, các khoản tiền thưởng hằng quý, hằng năm cũng được chuyển thành lương ngoài giờ để "lách" thuế phần chênh lệch.

Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế tài chính tại TPHCM nhận định, về mặt chủ quan thì cá nhân hay pháp nhân trốn thuế phải có sự cố ý hoặc phải có hành vi gian dối. Cần phải xem xét Nguyễn Kim có tính cố ý tới đâu, cố ý hay vô ý, có gian dối hay không. Việc chứng minh này chỉ có cơ quan cảnh sát điều tra chứng minh được qua các hồ sơ sổ sách.

Theo ông Tín, hiện nay, pháp luật Việt Nam đã cởi mở hơn khi xử lý vi phạm về thuế so với Bộ luật Hình sự trước đây. Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội trốn thuế, cá nhân người vi phạm có thể lựa chọn giữa hình thức bị phạt tiền hoặc bị phạt tù.

“Nếu số tiền cá nhân trốn thuế hơn 1 tỷ đồng thì có thể bị phạt tiền tối đa 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 – 7 năm. Riêng với pháp nhân vi phạm thì số tiền phạt tối đa là 10 tỷ đồng hoặc bị tạm ngưng hoạt động”, ông Tín nói.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế tại TPHCM thì mức phạt tiền về việc trốn, tránh thuế tại Việt Nam vẫn còn quá thấp và chưa có tính răn đe cao. Chính vì vậy mà xảy ra những sự việc “lách” thuế như ở Nguyễn Kim.

Ở các nước khác, mức phạt có thể gấp 2 đến 3 lần giá trị trốn thuế. Chính vì tính răn đe cao nên các doanh nghiệp, cá nhân ít trốn thuế hơn. Cụ thể, Hoa Kỳ phạt từ 100 – 150% giá trị trốn thuế, Trung Quốc phạt 300% giá trị trốn thuế…

Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế tài chính tại TPHCM.
Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế tài chính tại TPHCM.

Lương “cứng” 30 triệu, lương tăng ca 270 triệu, có trung thực không?

Liên quan đến việc truy thu thuế thu nhập “khủng” hơn 104,7 tỷ đồng tại Nguyễn Kim. Chuyên gia kinh tế Đặng Thị Hoàng Anh cho rằng, thuế thu nhập cá nhân được tính với các cá nhân nộp thuế chứ không phải đánh thuế doanh nghiệp.

Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thì các quốc gia đều yêu cầu đơn vị trả thu nhập cho lao động đứng ra đóng thuế thay cho các cá nhân tại đơn vị mình. Nếu cá nhân có nhiều nguồn thu nhập từ nhiều doanh nghiệp khác nhau thì cá nhân đó phải thực hiện quyết toán với cơ quan thuế. Như vậy, cá nhân vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng về số thuế phải đóng.

“Chính vì lý do trên mà nhiều sếp tại các tổng công ty, ngân hàng lớn đều muốn giấu đi những khoản lương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng”, bà Đặng Thị Hoàng Anh nói.

Cũng theo bà Đặng Thị Hoàng Anh, doanh nghiệp có rất nhiều “chiêu” để né thuế. Doanh nghiệp thường tìm cách phân chia khoản thu nhập cao của các sếp, lãnh đạo cho những khoản lương, thưởng khác không phải chịu thuế hoặc chia bình quân cho các cán bộ, nhân viên trong công ty để “né” thuế. Đây có thể gọi là hành vi cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế và rất đáng lên án.

“Người lao động có mức thu nhập tốt được trả từ doanh nghiệp thì cần phải đóng thuế để đảm bảo sự công bằng của tất cả công dân trước pháp luật. Các doanh nghiệp cố tình tránh thuế đều cần phải xử phạt thật nặng”, vị chuyên gia kinh tế nói.

Nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, cần làm rõ việc “kê khai sai” của Nguyễn Kim là vô tình hay cố ý, bởi trách nhiệm của doanh nghiệp do việc cố ý hay vô tình gây ra khác hẳn nhau
Nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, cần làm rõ việc “kê khai sai” của Nguyễn Kim là vô tình hay cố ý, bởi trách nhiệm của doanh nghiệp do việc cố ý hay vô tình gây ra khác hẳn nhau

Qua sự việc của Nguyễn Kim, ông Võ Văn Hùng, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc tại TPHCM nhận định, Nguyễn Kim là một doanh nghiệp lớn chứ không phải là doanh nghiệp “non trẻ” mà xảy ra việc “kê khai sai”.

“Họ có cả một đội ngũ kế toán chuyên nghiệp, những người am hiểu về luật, sành sỏi về tài chính thì làm sao có thể kê khai sai được. Doanh nghiệp ngàn tỷ này không hiểu thật hay cố tình không hiểu”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, doanh nghiệp kê khai sai nhưng được đánh giá trung thực thì bị xử phạt hành chính. Thế nhưng, doanh nghiệp kê khai sai và không trung thực thì sẽ bị đưa vào tội trốn thuế.

“Như vậy, việc Nguyễn Kim phân bổ 300 triệu đồng thu nhập thành 30 triệu đồng lương cơ sở và 270 triệu đồng lương tăng ca (bằng 900% lương cơ sở) là có trung thực không?”, ông Hùng hỏi.

Đại Việt – Công Quang

Nguyễn Kim “vô tình” hay “cố ý” kê khai thuế sai? - 4