Nguy cơ bội thực sàn bán lẻ tại các dự án bất động sản

Đại diện Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, việc đầu tư hàng loạt dự án căn hộ có khối đế thương mại như hiện nay là không phù hợp, điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các chủ đầu tư dự án.

Từ năm 2009 đến năm 2015, TPHCM chỉ dự kiến phát triển thêm khoảng 95 siêu thị và 140 trung tâm thương mại. Nhưng trong số 627 dự án nhà ở đã hoàn thành hoặc đang được xây dựng, các chủ đầu tư chung cư cao tầng đều đua nhau xây dựng khối đế và dành diện tích tầng trệt cùng các tầng thấp làm sàn bán lẻ phục vụ việc mở siêu thị, trung tâm thương mại.

Theo khảo sát của Công ty Bất động sản Savills Việt Nam, chỉ trong vòng quý 4 năm 2014, tại thành phố đã có thêm 5 siêu thị và 1 trung tâm mua sắm mới ra đời, nâng tổng diện tích sàn bán lẻ trên địa bàn đạt hơn 871.000m².

Do giá cho thuê sàn bán lẻ tại các tòa nhà cao tầng hiện đạt thấp nhất là hơn 800 ngàn, cao nhất đạt hơn 1,4 triệu đồng/m²/tháng; cao hơn rất nhiều so với giá thuê sàn văn phòng hạng A và B hiện chỉ ở mức trên 500 ngàn đồng/m²/tháng nên trong vòng 2 năm tới tại thành phố sẽ có 362.000m² sàn bán lẻ dành cho việc mở siêu thị, trung tâm thương mại được đưa vào khai thác, trong đó có khoảng 250 ngàn m² tập trung tại địa bàn quận 7. Từ năm 2015 trở đi trên địa bàn tiếp tục có thêm 1,3 triệu m² sàn bán lẻ từ 62 dự án bất động sản đưa vào khai thác.

Thị trường bất động sản vẫn chưa hết khó khăn. Ảnh
minh họa: CTV.
Thị trường bất động sản vẫn chưa hết khó khăn. Ảnh minh họa: CTV.

Do đó, trung tâm bán lẻ đã và đang xuất hiện khắp mọi nơi trên địa bàn thành phố, từ trung tâm đến các quận ven và cả các huyện ngoại thành.

Mặc dù nhận định của Savills Việt Nam về lĩnh vực cho thuê sàn bán lẻ là khả quan khi ngay trong năm nay thị trường bán lẻ trong nước sẽ được mở toang theo cam kết WTO; nhà đầu tư nước ngoài được lập doanh nghiệp với 100% vốn ngoại. Song trên thực tế, mặt bằng sàn bán lẻ cho thuê dồi dào nên dù hiệu quả khai thác đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, thì hiện công suất cho thuê mặt bằng bán lẻ tại TPHCM cũng chỉ đạt bình quân 92%.

Khối đế cao 5 tầng được dùng làm khu vui chơi, mua sắm
của một dự án bất động sản.
Khối đế cao 5 tầng được dùng làm khu vui chơi, mua sắm của một dự án bất động sản.

Cụ thể, mặt bằng sàn thuộc khối đế bán lẻ đạt công suất cho thuê khoảng 84%, công suất cho thuê của trung tâm bách hóa đạt 97% và trung tâm mua sắm chỉ đạt 91%. Đồng thời, giá cho thuê mặt bằng khối đế bán lẻ thời điểm cuối năm ngoái đã giảm tới 15% so với đầu năm và giá thuê sàn trung tâm bách hóa cũng đã giảm nhẹ khoảng 3%.

Trong khi đó, đến nay tại thành phố đang còn tới 201 dự án tiếp tục triển khai và 689 dự án tạm ngưng triển khai. Nếu dự án nào cũng đua nhau dành tầng trệt, khối đế làm sàn thương mại; mỗi tòa nhà là một trung tâm thương mại, thậm chí trên là khách sạn, dưới cũng là trung tâm thương mại, nguy cơ bội thực tổng nguồn cung và dư thừa cục bộ diện tích sàn cho thuê bán lẻ làm siêu thị, trung tâm thương mại sẽ xuất hiện.

Nhận định về thực trạng các dự án BĐS đua nhau làm khối đế thương mại để cho thuê, một đại diện Hiệp hội bất động sản TPHCM đã cho rằng, việc đầu tư hàng loạt dự án căn hộ có khối đế thương mại như hiện nay là không phù hợp, điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các chủ đầu tư dự án.

Về hoạt động của các trung tâm bán lẻ, mặc dù tổng mức bán lẻ của TPHCM năm 2014 tiếp tục đạt khoảng 655 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm trước nhưng tại hầu hết các trung tâm thương mại lớn của thành phố đều vắng khách mua sắm, chủ yếu là khách đến vui chơi, ăn uống.

Ngay cả những khu vực kinh doanh hàng thời trang, mỹ phẩm cao cấp cũng phải treo biển khuyến mãi quanh năm suốt tháng để thu hút khách mua. Những tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tiếp tục có thêm một loạt trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động, nâng tổng diện tích sàn bán lẻ tăng lên 930.000m².

Theo Công ty Bất động sản CBRE Việt Nam, ngoài hệ thống siêu thị, hiện tại TPHCM có 9 trung tâm bách hóa tổng hợp, 9 trung tâm thương mại, 19 khối đế bán lẻ và 38 khu mua sắm quy mô vừa và nhỏ.

Nhưng theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE, việc kinh doanh của các trung tâm thương mại hiện khá ảm đạm. Nhiều nhà bán lẻ đã phải hướng đến phân khúc thấp, chọn nhóm khách hàng thuộc số đông, có khả năng chi trả ở mức phải chăng. Một số trung tâm thương mại còn chọn đặt tại khu vực vùng ven để có giá thuê cũng rẻ hơn, vừa với khả năng chi trả của nhiều người.

Kinh doanh ế ẩm, nhưng hàng loạt trung tâm thương mại vẫn đang tiếp tục được hình thành, điều này không chỉ tạo áp lực cho các nhà bán lẻ mà còn gây khó khăn cho chính các chủ đầu tư dự án bất động sản. Nhất là khi TPHCM chỉ ưu tiên phát triển siêu thị, trung tâm thương mại tại những khu vực đầu mối giao thông, khu mua sắm tập trung, phố đi bộ, khu dân cư, khu đô thị mới. Đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại trên cơ sở không gây ách tắc giao thông, đảm bảo các quy chuẩn hiện hành.

Theo Đ.Thắng
CAND