1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nguy cơ bị dồn vào “cửa tử”, gần 50 DN cầu cứu Bộ trưởng

(Dân trí) - Gần 50 DN sản xuất sản phẩm từ thép không gỉ đã ký đơn tập thể gửi lên Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Tài chính, VCCI và các cục, vụ, ban chức năng “kêu cứu” trước nguy cơ phải mua nguyên liệu giá cao do vụ kiện chống bán phá giá mà Posco VST đứng đơn.

Trong lá đơn khẩn thiết gửi đến các cơ quan hữu trách vừa qua, có thể nhìn thấy nhiều cái tên quen thuộc trong ngành sản xuất các sản phẩm từ thép không gỉ như Ever Force, Á Đông, Đại Tín, Sơn Hà, Võng xếp Tiến Thành...
 
Lá đơn mà gần 50 DN ký tên chung gửi tới Bộ Công thương, Bộ Tài chính, VCCI
Lá đơn mà gần 50 DN ký tên chung gửi tới Bộ Công thương, Bộ Tài chính, VCCI

Các DN đứng tên ký đơn kiến nghị này chính là các đơn vị nhập khẩu nguyên liệu thép không gỉ cán nóng, cán nguội từ nhiều thị trường khác nhau như Phần Lan, Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia... với các mã hàng 200, 300, 400 để sản xuất các sản phẩm dân dụng, công nghiệp, quốc phòng.

Trong đơn, trước nguy cơ bị chặn đứng cánh cửa nhập khẩu nguyên liệu chất lượng với giá hợp lý, các DN đã đề nghị các cơ quan hữu trách, trong đó đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Công thương “nghiên cứu, xem xét một cách cẩn trọng” việc khởi xướng điều tra để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá mà Posco VST và Hòa Bình Inox khởi kiện.

Trong 7 điểm mà cộng đồng các DN nêu ra về các hệ lụy cho thị trường ngành thép không gỉ tại VN đáng chú ý là việc Posco VST và Hòa Bình Inox không đáp ứng được hết các mác thép không gỉ mà thị trường có nhu cầu, nguy cơ giá thành nguyên liệu tăng cao, tăng suất đầu tư, mất thị trường nội địa, khó cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu...

Đặc biệt, việc Posco VST và Hòa Bình Inox đứng đơn khởi kiện chống bán phá giá được coi là dấu hiệu muốn lũng đoạn thị trường, tạo thế độc quyền nhóm để thao túng thị trường nguyên liệu thép không gỉ cán nguội trong nước.

Ngoài ra, theo phân tích, hiện Posco VST và Hòa Bình Inox đang thống lĩnh thị trường thép, nên việc áp thuế chống bán phá giá có thể giúp hai DN này bắt tay đẩy giá lên cao do không có sự cạnh tranh ngang bằng, hậu quả là các DN sử dụng nguyên liệu thép cán nguội và người tiêu dùng đều ảnh hưởng nặng nề.

Trong đổi với PV Dân trí, ông Đàm Quang Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Sơn Hà cho biết: “Chúng tôi là khách hàng lớn nhất của Posco VST, mỗi năm mua khoảng 8.000 - 9.000 tấn thép không gỉ các loại với giá trị lên tới 25 - 30 triệu USD. Nhưng nguyên liệu của Posco chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, Sơn Hà vẫn phải nhập ngoại vì nhiều mã hàng Posco không sản xuất hoặc sản xuất không đủ”.
 
Nhà máy của Posco VST mới cán thử từ cuối năm 2012 và hiện chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước
Nhà máy của Posco VST mới cán thử từ cuối năm 2012 và hiện chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước

Theo ông Hùng, nhiều sản phẩm của Posco VST không đạt chất lượng như bề mặt không ổn định, thủng bề mặt, bị xước hoặc biến dạng khi gia công... và đến nay công ty này vẫn chưa tìm được nguyên nhân.

Mặt khác, giá sản phẩm của Posco VST hiện đắt hơn giá sản phẩm cùng chủng loại của nhiều DN nước ngoài, điều mà ông Hùng cho là vì Posco VST vừa đi vào sản xuất, chưa phát huy hết công suất dây chuyền và tỷ lệ khấu hao lớn chứ không phải vì nước ngoài bán phá giá.

“Trong 4 nước mà Posco VST và Hòa Bình inox khởi kiện, có Trung Quốc, Indonesia, Malaysia đang có thuế suất nhập khẩu 0%, nên các DN VN không có động lực để đòi đối tác xuất khẩu giảm giá trên hóa đơn vì có được lợi đồng thuế nào đâu. Ngoài ra, đơn hàng thép là những đơn hàng rất lớn, có thể lên tới hàng chục triệu USD nên nếu giảm giá trên hóa đơn thì xử lý phần tiền mặt ngoài hóa đơn như thế nào? Còn nếu đối tác phá giá, bán lỗ thật thì làm gì có ai bù cho họ vì chính phủ đâu bù lỗ cho các ngành này”, ông Hùng nói.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn SunHouse cũng cho rằng nếu khởi xướng điều tra vụ kiện này, các nhà làm chính sách rất có thể sẽ “bảo vệ 2 ông mà giết 100 ông”. “Áp thuế suất nhập khẩu 10% đối với mặt hàng nguyên liệu cơ bản như thép không gỉ cán nguội đã gây rất nhiều khó khăn cho các DN trong bối cảnh hiện nay. Nếu vì một, hai DN mà gây hệ lụy đến cả một ngành hàng gồm hàng trăm DN sản xuất là điều rất đáng suy nghĩ”, ông Phú bình luận.

Theo nhận định của nhiều DN, với việc Hòa Bình inox hiện chưa đi vào sản xuất, đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất ở đây chính là Posco VST. “Căn cứ để thắng vụ kiện này tôi cho là không đủ, nhưng theo quy định thì trong quá trình khởi xướng điều tra kéo dài khoảng một năm, cơ quan quản lý sẽ áp thuế suất tạm từ 20% trở lên, và mức thuế đó đủ để các nhà xuất khẩu hết cửa bán hàng vào thị trường VN. Sau đó, dù thua kiện đi chăng nữa, Posco VST đã đủ vững vàng để chiếm lĩnh thị trường và các đối thủ khó có cơ hội quay lại”, lãnh đạo một DN nhận định.

Cũng như số đông các DN khác, ông này cho biết nếu vài năm sau, sản phẩm của Posco VST đáp ứng đủ số lượng, chất lượng và giá cả hợp lý thì họ cũng sẵn sàng mua thép của Posco. Tuy nhiên, nhiều DN lo ngại rằng với nguồn cung hiện tại của Posco VST và việc áp thuế tạm trong quá trình khởi xướng điều tra đã đủ để “đánh gục” khá nhiều DN sản xuất dùng nguyên liệu thép không gỉ trong giai đoạn khó khăn chung này.

“Như đã kiến nghị, chúng tôi mong rằng Bộ trưởng Bộ Công thương cân nhắc thật kỹ và tìm hiểu đầy đủ các cơ sở trước khi quyết định khởi xướng điều tra hay không. Bởi chỉ cần khởi xướng điều tra và áp thuế tạm, bất luận kết cục thế nào, thì vô tình đã giúp cho Posco VST thao túng thị trường và đẩy cả một ngành hàng đến bờ vực”, vị lãnh đạo DN này nhấn mạnh.
 

Cuối tháng 5/2013, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) ra thông báo đã nhận được hồ sơ của Công ty TNHH Posco VST (Posco VST) và Công ty CP Inox Hòa Bình (Inox Hòa Bình), yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội được nhập khẩu vào Việt Nam từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Trong số này, mức thuế suất nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia và Indonesia đang là 0%.

Theo quy định, trong vòng 60 ngày kể từ từ ngày nhận được Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ ra quyết định có hay không khởi xướng điều tra vụ việc này.

Lý do mà hai đơn vị này kiện đòi áp thuế chống bán phá giá từ 20% đến gần 40% là vì cho rằng giá inox nhập khẩu từ 4 thị trường trên thấp hơn nhiều so với giá sản phẩm cùng loại trong nước, tới mức 25%.

Hai DN này cũng dẫn số liệu nhập khẩu trong 3 năm từ 2009 tới 2011 để cho thấy ngành thép inox VN đang lép vế trước các đối thủ xuất khẩu. Cụ thể, Hòa Bình Inox và Posco VST cho biết thép inox nhập khẩu tăng tới 34% trong 3 năm này.

Tuy nhiên, cần chú ý là trong các năm này, Hòa Bình inox chưa hề có sản phẩm bán ra thị trường, còn Posco VST vừa chạy thử từ cuối năm 2012. Do đó nguồn cung trong nước còn rất hạn chế so với nhu cầu. Ngoài ra, kể từ khi thuế suất nhập khẩu tăng lên 10%, nguồn nhập từ Đài Loan đã sụt hẳn, các DN sản xuất trong nước chỉ còn bám được vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan ngoài việc mua sản phẩm của Posco VST.

Hồng Kỹ