Người Việt chính thức được mua xe châu Âu giá rẻ sau 9 năm nữa
(Dân trí) - Tin vui cho người mê xe EU, bắt đầu từ năm 2021 Việt Nam sẽ cắt giảm thuế nhập xe EU và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn sau 9-10 năm tới. Như vậy, từ năm 2030 dân Việt sẽ được mua xe EU giá rẻ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt giai đoạn 2020- 2022 của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu u (EVFTA).
Đối với sản phẩm mà nhiều người mong đợi là xe hơi nguyên chiếc nhập khẩu, hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng này đang phân hóa theo dung tích xy-lanh, mẫu xe từ 2.500cc trở xuống 1.000cc đang bị đánh thuế nhập 70,9%; mẫu xe từ 2.500 cc đến 3.000 cc bị đánh thuế nhập là 67,2%, xe từ 3.000 cc trở lên, bản cầu trước bị đánh thuế nhập 66,6% và bản cầu sau là 61,2%.
Về lộ trình cắt giảm thuế quan, các mẫu xe nhập của châu u vào Việt Nam cũng được giảm thuế theo tỷ lệ khác nhau, tùy thuộc vào dung tích. Đơn cử năm 2021, mẫu xe dung tích 3.000cc cầu trước được giảm 7,4% thuế nhập, xuống còn 59,2%, tương ứng năm 2022 là 51,8%.
Mẫu xe cùng dung tích nhưng là bản cầu sau (dẫn động 4 bánh toàn thời gian) được giảm 6,8% thuế suất, từ mức 61,2% xuống 54,4% năm 2021 và 47,8% năm 2022. Hai mẫu xe này sẽ được bỏ thuế nhập từ năm 2029 trở đi và là mẫu xe có mức thuế nhập thấp nhất trong các dòng xe EU vào Việt Nam.
Mẫu xe có dung tích xy-lanh từ 2.500 đến 3.000cc sẽ được cắt bỏ 6,8% thuế nhập từ năm 2021, thuế nhập về Việt Nam năm 2021 sẽ còn 60,5%, năm 2022 là 53,8%.
Hiện các mẫu xe có dung tích từ 2.500cc trở xuống 1.000cc đang bị đánh thuế nhập cao nhất 70,9%, việc đánh thuế nhập cao để bảo hộ các liên doanh, doanh nghiệp xe trong nước. Tuy nhiên, việc bỏ thuế của các dòng xe có dung tích thấp cũng thực hiện không quá 10 năm.
Cụ thể, năm 2021, các mẫu xe có dung tích xy-lanh từ 2.500cc (2.5L) sẽ được giảm thuế theo tỷ lệ 7,1%/năm, thuế nhập xe nguyên chiếc sẽ là 63,8%; năm 2022 thuế nhập sẽ là 56,7%.
Tiến trình cắt giảm thuế quan xe nhập của EU vào Việt Nam sẽ là 9,9 năm, và bắt đầu từ năm 2030, người dân Việt Nam sẽ mua xe với giá sản xuất, giá xe tính thuế tiêu thụ đặc biệt, cộng với chi phí kinh doanh, phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng và phí biển số.
Do các hãng đều bào mật chi phí sản xuất nên người tiêu dùng chỉ biết giá xe về đến cửa khẩu hải quan và sau đó đến tay đại lý. Mức giá khai báo của doanh nghiệp nhập khẩu đến cửa hải quan đã bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Khi về đại lý, các hãng xe, doanh nghiệp sẽ công bố giá xe bao gồm thêm chi phí kinh doanh, người tiêu dùng sẽ được thông báo phí trước bạ, phí biển và giá trị gia tăng.
Hiện, các mẫu xe nhập từ EU về Việt Nam chủ yếu xuất xứ từ các thị trường như Đức, Pháp, Ý, Thụy Điển... đều có giá trên 1 tỷ đồng về Việt Nam đến hàng chục tỷ đồng, thuộc các dòng xe đắt tiền nhất Việt Nam như Audi, Volkswagen, Volvo, BMW, Mercedes-Benz...
Trường hợp năm 2020, với xe dung tích 3.0L có giá khai báo hải quan ngưỡng 2 tỷ đồng (đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt), cộng với thuế nhập khẩu 66,6%, thuế nhập sẽ rơi vào 1,3 tỷ đồng/chiếc. Giá xe qua cửa hải quan là 3,3 tỷ đồng, cộng thêm phí trước bạ (10-12%), thuế VAT (10%), chi phí kinh doanh... Đến tay khách hàng Việt, xe lăn bánh có giá gần 4 tỷ đồng.
Trường hợp thuế nhập được bãi bỏ, mẫu xe trên sẽ chỉ có giá khoảng 2,5 đến 2,7 tỷ đồng/chiếc, mức giảm rất mạnh so với khi còn thuế nhập khẩu.
Theo một số thương nhân nhập khẩu xe hơi từ EU, các mẫu xe nhập về Việt Nam hiện có giá bán 2-3 tỷ đồng, bản thân giá khai báo trị giá tính thuế hải quan chỉ dưới 1 tỷ đồng. Do chịu các loại thuế nặng, nên giá xe mới đội lên cao vậy gấp từ 1,5 đến 2 lần giá trị ban đầu.
Nếu năm 2030, một mẫu xe có dung tích xy lanh 2.0L giá khai báo hải quan 1 tỷ đồng (đã bao gồm Thuế tiêu thụ đặc biệt), được miễn thuế nhập khẩu, cộng các chi phí khác như VAT, phí trước bạ, biển số, đăng ký, sẽ rơi vào khoảng 1,3 đến 1,5 tỷ đồng. Mức giá này sẽ cạnh tranh trực tiếp với các hãng xe liên doanh và xe trong nước và cuộc chiến thị trường sẽ thực sự trở nên khốc liệt hơn.