Người Việt chi gần 900 tỷ đồng mua hàng online mỗi ngày

Thanh Thương

(Dân trí) - Theo một báo cáo, năm 2024, tổng doanh số 5 sàn thương mại điện tử lớn đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36%. Như vậy, trung bình mỗi ngày, người Việt chi hơn 870 tỷ đồng mua hàng online trên các sàn.

Trong báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2024 vừa được Metric - công ty dữ liệu thương mại điện tử lớn tại Việt Nam - công bố, năm vừa qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, tổng doanh số 5 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm 2023, với 3,42 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 50,76% so với năm 2023. Như vậy, trung bình mỗi ngày, người Việt chi khoảng hơn 870 tỷ đồng mua hàng online.

Trong đó, Shopee duy trì vị thế ổn định với mức tăng trưởng 34% và thị phần không đổi, trong khi TikTok Shop tăng trưởng 121% về doanh số, mở rộng thị phần lên 29% và chiếm phần lớn từ Lazada. Hiện Lazada chỉ còn chiếm 6% thị phần.

Ngược lại, Lazada, Tiki và Sendo ghi nhận tăng trưởng âm 50-54% do cạnh tranh gay gắt và thay đổi hành vi người tiêu dùng. "Sự vươn lên của TikTok Shop không chỉ củng cố vị thế mà còn định hình lại cục diện thị trường thương mại điện tử", Metric đánh giá.

Trước đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) ước tính quy mô thị trường thương mại điện tử 2024 đã vượt 25 tỷ USD, tăng trưởng 20%, cao hơn dự báo 22 tỷ USD của Google, Temasek, Bain & Company.

Số lượng cửa hàng có phát sinh đơn hàng giảm hơn 165.000 so với năm 2023, nhưng doanh số toàn thị trường vẫn tăng trưởng tốt 37,36%. Cơ quan nghiên cứu đánh giá sự giảm sút số lượng cửa hàng phản ánh sự đào thải các nhà bán quy mô nhỏ chưa có chiến lược hiệu quả, trong khi các cửa hàng lớn và có chiến lược rõ ràng vẫn duy trì được sức cạnh tranh và tăng trưởng mạnh.

Sự hiện diện của 31.500 nhà bán nước ngoài đang tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng nội địa trên thị trường sàn bán lẻ trực tuyến. Thực tế, các nhà bán hàng trong nước đang chịu mức độ cạnh tranh ngày càng cao, nhất là khi các sàn thương mại điện tử trong nước ồ ạt vào Việt Nam.

Hơn 3 năm kinh doanh ốp điện thoại trên sàn thương mại điện tử Shopee, chị H.T cho biết chị chưa bao giờ cảm thấy áp lực như hiện tại khi cạnh tranh giá giữa các cửa hàng, chiết khấu và các quy định của sàn ngày càng gay gắt. Chưa kể, 1-2 năm trở lại đây, chị còn phải đối mặt mới hàng loạt mẫu ốp giá rẻ từ gian hàng Trung Quốc được bán trực tiếp trên Shopee, Lazada và TikTok Shop.

Báo cáo nhận định sự trỗi dậy của hàng nhập khẩu và thay đổi nhu cầu tiêu dùng tạo ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội nâng cao chất lượng và cạnh tranh hiệu quả hơn.

Năm nay, công ty nghiên cứu dự báo doanh số đạt 387.500 tỷ đồng và sản lượng đạt 4,2 triệu sản phẩm, với mức tăng trưởng lần lượt là 21,5% và 23% so với năm 2024.