Hà Tĩnh:
Người trồng sắn lao đao vì cây trồng nhiễm bệnh lạ
(Dân trí) - Hàng trăm ha sắn nguyên liệu ở các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang bị một loại bệnh lạ hoành hành, nguy cơ trắng tay mùa vụ này của người dân là rất cao.
Bệnh lạ chưa từng gặp
Vụ sắn 2019 này, gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn (xóm 3 Sơn Bình, xã Kỳ Sơn) sản xuất trên 1 ha sắn nguyên liệu có ký hợp đồng với Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kỳ Sơn.
Theo ông Đoàn, sau một thời gian trồng, đang độ phát triển thì cây sắn có hiện tượng bị xoăn lá, thân bị lùn và lây lan nhanh ra các cây khác.
“Năm ngoái, một vài cây có triệu chứng xoăn lá nhưng không lây lan nhiều như năm nay. Nhổ cây sắn đi hỏi khắp nơi nhưng sắn của nhiều người cũng bị như thế mà không ai biết bệnh gì. Vì vậy, tôi không biết phải mua thuốc gì để phun, trong khi đó sắn bị bệnh vẫn tiếp tục lây lan nhanh nên hết sức lo lắng” – ông Đoàn lo lắng.
Cây sắn có hiện tượng bị xoăn lá, thân bị lùn, kém phát triển hản.
Cũng như rẫy sắn của ông Đoàn, rẫy sắn hơn 6 sào của anh Lê Văn Ngọc cùng xã Kỳ Sơn cũng chịu chung số phận. Phần lớn diện tích trồng sắn của gia đình anh Ngọc cũng bị bệnh lạ tàn phá nặng nề.
“Cách đây khoảng vài tuần cây sắn có hiện tượng bị xoăn lá, thân kém phát triển. Từ chỗ lẻ tẻ, bệnh lây lan nhanh ra các cây khác. Ban đầu những người trồng sắn như chúng tôi đây cứ nghĩ do thời tiết xuất hiện nắng nóng đột ngột, nhưng thực tế không phải. Đây là một triệu chứng bệnh trên cây sắn mà chúng tôi chưa từng gặp”- anh Ngọc lo lắng nói.
Bệnh lạ không chỉ tàn phá diện tích sắn của gia đình ông Đoàn, anh Ngọc, mà còn tàn phá phần lớn diện tích trồng sắn của người dân tại các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh và cả diện tích sắn nguyên liệu của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kỳ Sơn.
Theo thống kê sơ bộ của các xã vùng thượng này, hiện số diện tích sắn bị ảnh hưởng lên đến trên 200 ha. Trong điều kiện nắng nóng tiếp tục hoành hành, khả năng lây bệnh nhanh, cây yếu dần, nguy cơ về vụ sắn thất bát là hiện hữu với người dân.
Khẩn cấp vào cuộc
Ngay sau khi nhận được thông tin về cây sắn bị nhiễm bệnh lạ trên diện rộng, Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh đã kịp thời vào cuộc.
Theo ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho biết, qua khảo sát bước đầu trong 2 giống sắn KM 94 (đọt đỏ) và KM 140 (đọt trắng) đang được người dân và Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kỳ Sơn trồng, thì chỉ có giống KM 140 là bị bệnh. Huyện ngay sau đó đã báo cáo khẩn cấp cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ cây trồng vật nuôi Hà Tĩnh cùng Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTT) vùng Khu 4 vào cuộc.
Tiếp đó, các chuyên gia của các đơn vị nói trên đã về địa phương, tiến hành khảo sát, lấy mẫu phân tích để làm rõ bệnh lạ trên cây sắn mà người dân cho rằng chưa bao giờ gặp là bệnh gì? Kết quả phân tích các mẫu phẩm, chuyên gia của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ cây trồng vật nuôi Hà Tĩnh và Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTT) vùng Khu 4 khẳng định, sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá, là một loại bệnh mới trên cây sắn ở Hà Tĩnh nhưng đã xuất hiện ở các tỉnh phía Nam.
Theo kỹ sư Nguyễn Tuấn Lộc - Giám đốc Trung tâm BVTV vùng Khu 4 - Cục Trồng trọt & BVTV, bệnh khảm lá sắn có nguồn gốc từ châu Phi, với tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus, bệnh lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm BVTV vùng Khu 4 và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ cây trồng vật nuôi Hà Tĩnh khảo sát để xác định bệnh trên cây sắn ở các xã vùng thượng Kỳ Anh.
Kỹ sư Nguyễn Tuấn Lộc cho biết, đây là bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ. Bệnh gây thiệt hại rất lớn, khi cây còn nhỏ, nếu bị nhiễm sẽ không cho thu hoạch, khi cây lớn nhiễm bệnh, năng suất, chất lượng đều giảm. Hiện bệnh này đang bùng phát rất mạnh trên diện tích sắn của các tỉnh phía Nam.
Về các biện pháp phòng trừ, kỹ sư Nguyễn Tuấn Lộc cho biết, là bệnh do vi-rút nên hiện chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh khảm lá sắn. Khi xuất hiện bệnh, chỉ có cách rà soát, xác định tỷ lệ cây bị bệnh. Nếu số cây bị bệnh trên 70% diện tích thì cần tiến hành tiêu hủy 100%. Nếu dưới 70% thì tiêu hủy từng cây bị bệnh.
“Về lâu dài, để tránh bùng phát bệnh khảm lá, người trồng sắn tuyệt đối không lấy hom giống từ các vùng đã bị bệnh, đồng thời chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để cây sắn phát triển khỏe, tăng sức đề kháng…”- kỹ sư Lộc khuyến cáo thêm.
Được biết, trong hơn 200 ha sắn ở các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh bị nhiễm bệnh khảm lá, thì có hàng chục ha bị nhiễm 70% - mức cần phải tiêu hủy 100% diện tích.
Hà Phương