Người trong cuộc nói gì về cáo buộc chậm bầu bổ sung hội đồng quản trị Eximbank?
(Dân trí) - Eximbank đã có văn bản báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý kiến nghị của nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Xuân Loan, làm đại diện ngày 27/4/2016, để giải thích về khiếu nại của bà này.
Ngày 24/5 tới, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ tiến hành tổ chức lại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên. Bởi trước đó, ngày 29/4, ngân hàng buộc phải hoãn tổ chức ĐHCĐ thường niên, vì không đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự khi chỉ có 50,19%, trong khi quy định của pháp luật là 65% cho lần đầu tổ chức ĐHCĐ thường niên. Mặc dù, trước đó, có hai “nhóm” cổ đông lớn đã gửi thư yêu cầu cơ cấu lại số lượng thành viên HĐQT.
Để thông tin mang tính đa chiều, phóng viên đã trao đổi với ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT về cáo buộc HĐQT không thực thi nghị quyết của ĐHĐC về việc bầu bổ sung theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Xuân Loan.
Ông Tùng cho biết: Trong Dự thảo Quy chế đề cử, ứng cử và bầu thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát (BKS) Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) của phiên họp ĐHĐCĐ có nêu ngân hàng sẽ tiến hành bầu bổ sung cho đủ số lượng thành viên HĐQT tại ĐHĐCĐ gần nhất. Tuy nhiên, trong Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 15/12/2015 không có yêu cầu tiến hành bầu bổ sung cho đủ số lượng thành viên HĐQT tại ĐHĐCĐ gần nhất. Vậy việc "dư luận" đang quan tâm là HĐQT không chấp hành Nghị Quyết ĐHĐCĐ bất thường 15/12/2015 là không chính xác.
Ông Tùng giải thích, kể cả khi có một nghị quyết của ĐHĐCĐ rõ ràng rằng phải bầu bổ sung thành viên HĐQT tại cuộc ĐHĐCĐ gần nhất, HĐQT vẫn có thể xem xét đánh giá lại trên thực tế để xin điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền, trong trường hợp này là ĐHĐCĐ. HĐQT có thể bị coi là sai nếu không thực thi nghị quyết và không xin ý kiến điều chỉnh của ĐHĐCĐ về một vấn đề đã được phê chuẩn. HĐQT có bổn phận tham khảo thông lệ hiện hành để kiến nghị các giải pháp tối ưu cho Eximbank.
Hiện nay, HĐQT của một số ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam khoảng từ 5 đến 9 thành viên như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 9 thành viên, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank) có 9 thành viên, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank: 9 thành viên, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB): 8 thành viên, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam: 7 thành viên, Ngân hàng TMCP An Bình: 6 thành viên, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB): 5 thành viên
Ông Tùng cũng khẳng định rằng, Eximbank đã có văn bản báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý kiến nghị của nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Xuân Loan, làm đại diện ngày 27/4/2016, để giải thích về khiếu nại của bà Nguyễn Thị Xuân Loan.
Đại diện Eximbank khẳng định, việc không tiến hành bầu ngay theo yêu cầu của nhóm bà Nguyễn Thị Xuân Loan có những lý do chính đáng. Mặc dù chưa nhận được hồ sơ đầy đủ về mặt pháp lý, HĐQT đã họp và bàn về vấn đề bà Loan đã yêu cầu. Trong phiên họp ngày 15/3 vừa qua, HĐQT ngân hàng đã thống nhất: Đây chưa phải là thời điểm phù hợp cho việc bầu cử bổ sung theo đề nghị của bà Loan. HĐQT vẫn đang cân nhắc và xin ý kiến của ĐHĐCĐ về số lượng thành viên HĐQT (9 hay 11) sao cho hiệu quả nhất cho Eximbank. Tuy nhiên, vì tôn trọng quyền của cổ đông nên HĐQT thống nhất đưa đề nghị của bà về việc bầu bổ sung hai thành viên vào chương trình nghị sự để ĐHĐCĐ thảo luận và xem xét.
HĐQT được bầu ra trong 4 tháng vừa qua đã ưu tiên để thực hiện công việc kinh doanh, quản trị ngân hàng. HĐQT đã và đang xây dựng đề án tái cấu trúc, cùng Ban kiểm soát, Ban điều hành và tập thể Eximbank xử lý những vấn đề tồn đọng, xây dựng kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch xử lý nợ xấu cho năm 2016, xây dựng các phương án khắc phục sau thanh tra, bao gồm khắc phục nhiều nội dung kiến nghị sau thanh tra; đặc biệt trong thời gian này, Eximbank đang tiếp tục làm việc với Đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước trên toàn hệ thống.
“HĐQT ý thức được rằng, quản trị trong sạch, minh bạch, tuân thủ pháp luật và chuyên nghiệp không những mang lại lợi ích cho tất cả các cổ đông, trong đó có nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Phạm Hữu Phương làm đại diện, mà còn đóng góp tích cực cho hệ thống ngân hàng. Đây là một nỗ lực không dễ dàng của HĐQT chứ không phải cuộc tranh giành quyền lực như một số người cáo buộc”, ông Tùng nói.
Hiền Minh