Đại hội cổ đông Eximbank bất thành: Hai nhóm cổ đông lớn đang gây cản trở?

(Dân trí) - Kiến nghị bổ sung thêm 2 thành viên Hội đồng quản trị tại kỳ Đại hội này nhưng cả 2 nhóm cổ đông lớn đều không đăng ký làm thủ tục tham gia họp, mặc dù họ có tới Đại hội.


Trưởng ban kiểm tra tư cách cổ đông Eximbank công bố Đại hội không đủ điều kiện tiến hành

Trưởng ban kiểm tra tư cách cổ đông Eximbank công bố Đại hội không đủ điều kiện tiến hành

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2016 nhưng không thành công do không đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự.

Lý do chính mà Ngân hàng này công bố là 2 nhóm cổ đông lớn đã không làm thủ tục đăng ký tham dự Đại hội, mặc dù họ có tới địa điểm tổ chức Đại hội.

Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank cho biết: "Tôi thực sự đã nhìn thấy một số thành viên của 2 nhóm cổ đông lớn có mặt ở đây nhưng không hiểu sao họ không đăng ký tham dự. Tôi không biết rõ lý do chính xác là gì. Nhưng khi họ không tới tham dự ĐHCĐ thì tạo ra thông điệp không tốt cho thị trường, trong chừng mực nào đó tạo ra thông điệp không tốt về hình ảnh của EIB. Tôi mong cổ đông lớn và cổ đông nhỏ cùng đồng lòng cho việc xây dựng EIB".

Hai nhóm cổ đông lớn mà ông Tùng nhắc tới chính là hai nhóm cổ đông có yêu cầu đưa vào chương trình ĐHCĐ lần này việc bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT. Cụ thể, cổ đông nắm giữ 11,82% vốn đề cử bà Nguyễn Thị Xuân Loan và cổ đông nắm giữ 10,42% cổ phần đề cử ông Phạm Hữu Phương.

Được biết, bà Nguyễn Thị Xuân Loan nguyên là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank). Ông Phạm Hữu Phương nguyên là Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM.

Trước đề nghị này của 2 nhóm cổ đông lớn, HĐQT cho rằng chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thành viên HĐQT mới. Tuy nhiên, tôn trọng ý kiến của nhóm cổ đông và nhận thức ĐHCĐ mới là cơ quan quyền lực cao nhất, HĐQT đưa ra ý kiến trên vào chương trình và nội dung họp ĐHCĐ. Phải chăng, chính nhận định này của HĐQT đưa ra trong tài liệu họp ĐHCĐ khiến hai nhóm cổ đông lớn "nổi giận"?

Đánh giá về khả năng tổ chức thành công ĐHCĐ lần 2, ông Tùng kỳ vọng sẽ thực hiện được do tỷ lệ tham dự cơ bản đủ tiêu chí 51% nếu hai nhóm cổ đông lớn vẫn không tham gia.

Song, ông Tùng không coi đây là khủng hoảng nhân sự của Eximbank, "nó là vấn đề tự nhiên, là sự khác biệt quan điểm giữa các nhóm cổ đông thôi. Chúng tôi đang nỗ lực đi tìm những người có tài, cùng đóng góp cho sự phát triển của EIB, tạo điều kiện để họ đóng góp đúng sở trường, đồng thời tiến hành sàng lọc, chọn lực", đại diện Eximbank khẳng định.

Không chỉ là vấn đề bất hòa trong nhóm cổ đông lớn, Eximbank hiện cũng phải đối mặt với vấn đề tài chính.

Năm 2015, lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng này đạt 1.495 tỷ đồng nhưng sau khi trích lập, con số lợi nhuận trước thuế chỉ còn 61 tỷ đồng, hoàn thành 6% kế hoạch năm. Đồng thời, HĐQT cũng đề xuất không chia cổ tức cho năm này.

Hiện, Eximbank cũng phải đối mặt với việc hồi tố bán bất động sản cho Eximland và cho Eximland vay. Cụ thể, Eximbank đã bán bất động sản cho Eximland và cho Eximland vay, thực hiện mua các bất động sản và hạch toán tăng thu nhập của Eximbank (không phải thu nhập từ hoạt động kinh doanh) đến hết năm 2013 là 1.116,7 tỷ đồng. Eximbank đã sử dụng thu nhập này để nộp thuế, trích lập quỹ và chia cổ tức từ năm 2010 - 2013. Đến nay, Eximbank đã khắc phục được 284,8 tỷ đồng, còn 831,8 tỷ đồng phải tiếp tục sửa chữa, thực hiện hồi tố.

Nguyệt Hà

Đại hội cổ đông Eximbank bất thành: Hai nhóm cổ đông lớn đang gây cản trở? - 2