1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Người trẻ học tiết kiệm bằng cách hạn chế ăn hàng, giảm tụ tập

Trúc Ly
Tư vấn tài chính cá nhân

(Dân trí) - Cân đối chi tiêu chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt trong thời buổi mọi thứ đều tăng giá. Theo chuyên gia, hãy học cách phân chia tài khoản thành nhiều phần để tiết kiệm, dù ít dù nhiều.

Ngọc Mai (32 tuổi) nhận được "mưa lời khen" của cộng đồng mạng khi chia sẻ câu chuyện cân đối chi tiêu trong gia đình. Cụ thể, Ngọc Mai đăng bảng chi tiêu hàng tháng của gia đình lên một nhóm kín có gần 300.000 thành viên. Tại đây, mọi người thường chia sẻ câu chuyện về tài chính cá nhân, trong đó có chi tiêu gia đình.

Thu nhập của Ngọc Mai và chồng là 30 triệu đồng/tháng. Cả hai không có thêm thu nhập phụ. Với khoản thu nhập trên, mỗi tháng, Ngọc Mai vẫn tiết kiệm được 8-10 triệu đồng. Có những tháng, cô tiết kiệm được tới 12 triệu đồng.

Mai dành 6 triệu đồng chi trả tiền thuê nhà. Tiền ăn cho 2 người dao động 4-5 triệu đồng. Tiền điện, nước là khoảng 1 triệu đồng. Khoản tiền dành cho giao lưu bạn bè hai bên, "đối nội đối ngoại" là khoảng 3 triệu đồng. Khoảng 2 triệu đồng được dành vào việc mua sắm quần áo, đồ dùng cá nhân. Các khoản tiền phát sinh là khoảng 3-4 triệu đồng mỗi tháng.

Người trẻ học tiết kiệm bằng cách hạn chế ăn hàng, giảm tụ tập - 1

Học cách cân đối chi tiêu sẽ giúp bạn có khoản tiết kiệm cho tương lai (Ảnh: CPA BC).

Ngọc Mai cho rằng sở dĩ gia đình cô thường chi tiêu trong khuôn khổ và để dành được một khoản khá lớn để tiết kiệm là bởi cả hai không có thói quen đi ăn ngoài hàng, ngồi cà phê hay mua sắm theo hứng. Chỉ những dịp quan trọng hoặc các cuộc hẹn, cả hai mới ăn quán. Ăn cơm tại nhà, gia đình cô tiết kiệm được một khoản kha khá và thường không vượt quá ngân sách chi tiêu.

Cùng với đó, Ngọc Mai và chồng thỏa thuận rằng những ngày giảm giá trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... cả hai sẽ không mở ứng dụng trên điện thoại để tránh mua những món đồ không cần thiết. Nếu có nhu cầu sử dụng, họ sẽ để dành tới ngày giảm giá lớn rồi mua, như vậy cũng giúp tiết kiệm được phần nào. 

Mai đang trong thời gian dự định có em bé. Do vậy, hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm tối đa để lo cho chuyện sinh nở sau này. Chia sẻ cách cân đối chi tiêu của Ngọc Mai nhận được khá nhiều lời khen. Đa số cho rằng việc không ăn ngoài hàng và không "săn sale" bừa bãi sẽ giúp tiết kiệm được khoản không nhỏ.

Lan Hương (Bắc Ninh) kể khi mới lập gia đình, cô từng cảm thấy rất căng thẳng khi là người nắm giữ tiền trong gia đình và phải lên kế hoạch chi tiêu. Thu nhập hai vợ chồng đạt gần 40 triệu đồng mỗi tháng, không tốn tiền nhà vì sống chung với bố mẹ, chưa có con nhỏ nhưng mỗi tháng chỉ tiết kiệm được vài triệu đồng. Trong khi đó, bạn bè của cô, sống ở thành phố lớn và thu nhập ít hơn nhưng tiết kiệm được tới 10 triệu đồng.

Sau hai năm kết hôn, Lan Hương nhận ra lý do cô không thể tiết kiệm được nhiều vì không phân chia tài khoản thành nhiều phần sau khi nhận lương. Do đó, khi chi tiêu, cả hai vợ chồng không biết điểm dừng nên luôn tiêu quá đà.

Khi học được cách phân chia tài khoản thành nhiều phần, trong đó, phần tiết kiệm chiếm tối thiểu 10%, Lan Hương đã có một khoản tiết kiệm kha khá.

Hương cho rằng trong giai đoạn lạm phát, mọi thứ đều đắt đỏ, nếu chi tiêu không tính toán thì rất khó có được một khoản tiết kiệm. Nếu không may ốm đau, cần mua những món đồ đắt tiền sẽ rất khó để xoay xở. Dù thu nhập thấp hay cao, theo cô, nếu có thể, hãy dành ra một khoản để tiết kiệm. Về lâu về dài, mọi người sẽ thấy giá trị của tiền tiết kiệm. 

Trao đổi về quan điểm người trẻ có nên tiết kiệm, chị Chung Vũ Thanh Uyên (Mina Chung) - đại sứ nền tảng cộng đồng chuyên về tài chính và sự nghiệp - cho rằng người trẻ nên xây dựng thói quen và kế hoạch tiết kiệm.

"Hãy tiết kiệm ít nhất 5%, tốt nhất là 20% thu nhập và có thể nhiều hơn. Hãy tiết kiệm trước, tiêu sau", chị Uyên nói. Tuy nhiên, ngoài việc lên kế hoạch chi tiêu, chị cho rằng mỗi người nên có thói quen ghi chép chi tiêu và nhìn lại cách chi tiêu của từng tháng, từ đó rút kinh nghiệm cho những tháng tiếp theo.

"Nếu chỉ lên kế hoạch mà không biết cách thay đổi thói quen thì không còn ý nghĩa gì nữa. Sau khi phân bổ và chi tiêu, hãy nhìn lại bảng chi tiêu và cân đối chỉnh sửa nếu bạn có thói quen chi tiêu chưa đúng, vượt quá ngân sách", chị Uyên nêu.