Bí quyết chi tiêu của dân văn phòng thời thắt chặt hầu bao

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Thắt chặt hầu bao trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, dân văn phòng đã tìm ra nhiều cách để tiết kiệm chi tiêu mà không phải cắt giảm nhu cầu hay thay đổi thói quen.

Tiết kiệm, tiết kiệm và… tiết kiệm

Đang thử việc sau khi tốt nghiệp tại một công ty nhỏ tại quận 3 (TPHCM), lương thấp nên chị Thảo Phương phải tính toán chi tiêu kỹ lưỡng, chi tiêu mỗi ngày chỉ được gói gọn trong 150.000 đồng để đi lại, ăn uống bên ngoài.

"Nhát" chạy xe nên mỗi ngày chị Thảo đều gọi xe đi làm, chiều thong thả hơn mới đi về bằng xe bus. Quãng đường từ nhà tới văn phòng gần 8 km, chị thường mất 32.000 - 35.000 đồng cho một cuốc xe công nghệ.

"Thường thường, cước phí đặt xe vào giờ đi làm của tôi lúc hơn 8h là khoảng 40.000 - 45.000 đồng. Nhưng thời gian gần đây, tôi thường chọn GrabBike Tiết kiệm, thời gian chờ lâu hơn một chút nhưng tiết kiệm lên đến 20% và các bác tài thì thạo đường, luôn tìm đường đi với thời gian ngắn nhất", chị Thảo tiết lộ.

Bí quyết chi tiêu của dân văn phòng thời thắt chặt hầu bao - 1

Đặt xe công nghệ là một trong những cách tiết kiệm của dân văn phòng.

Đến văn phòng, chị Thảo sẽ ghé quán cà phê Highlands đối diện, mua một ly Freeze và một bánh mỳ que, tốn thêm 74.000 đồng. Buổi trưa ăn cơm nhà mang theo, chị Thảo dành phần ngân sách còn lại cho cữ ăn vặt buổi chiều với đồng nghiệp, một việc đã trở thành thói quen và là niềm vui của dân văn phòng.

"Giấc chiều, đồ ăn vặt là 'thuốc chống buồn ngủ' và tiếp năng lượng hiệu quả. Nhưng niềm vui nằm ở chỗ 3-4 người rủ nhau đặt đồ, nay quán này, mai quán khác, vừa ăn vừa nói chuyện rồi 'bắn' MoMo, chuyển khoản trả lại rộn ràng", chị Thảo chia sẻ.

Như chiều qua, chị Thảo vừa kiếm được quán bánh tráng ở quận 10 đang khuyến mãi, cả nhóm rủ nhau đặt trên GrabFood, gọi từ bánh tráng, trứng cút, trứng gà đến xoài, được mua khoai tây chiên giá 1.000 đồng/phần đang "flash sale" (giảm giá trong một khoảng thời gian ngắn), trả hết 153.000 đồng mà 4 người ăn không hết. Chị Thảo tính toán, lần ăn hàng này nhóm của chị đã tiết kiệm được hơn 40.000 đồng.

Theo chị Thảo, 3 tiêu chí đang được chị áp dụng triệt để trong giai đoạn này là tiết kiệm, tiết kiệm và… tiết kiệm. Tuy nhiên, tiết kiệm trong quan điểm của chị là cắt giảm những khoản không cần thiết, tính toán chi tiêu cho hợp lý, tận dụng mọi ưu đãi, giảm giá từ các ứng dụng, sàn thương mại điện tử để "mọi người cùng sống" chứ không phải là không tiêu dùng.

Anh Tiến Dũng, chủ quán chuyên bán đồ ăn vặt giao đi cho biết, tâm lý tiết kiệm và cách trực diện nhất là cắt giảm ăn uống, mua sắm của khách hàng trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay rất phổ biến. Ở giữa năm 2023, doanh thu của quán sụt giảm liên tục nhưng dần khôi phục khi anh áp dụng các chương trình ưu đãi. "Thực ra, nhu cầu của khách hàng luôn ở đó. Vấn đề là mình làm thế nào để họ thấy mình bên họ và móc hầu bao", anh Dũng nói.

Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2023 của iPOS.vn dựa trên khảo sát 3.800 đáp viên tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… công bố mới đây chỉ ra rằng, dù kinh tế khó khăn, chi tiêu cho các dịch vụ F&B vẫn gia tăng đáng kể. 77% thực khách dự kiến giữ nguyên, thậm chí tăng mức chi tiêu trong năm 2023.

Bên cạnh việc đến quán cà phê, trà sữa gặp gỡ bạn bè, hẹn hò…, người tiêu dùng cũng thường xuyên đặt đồ uống mang về (36%). Mức giá phổ biến nhất cho việc đặt cà phê, trà sữa mang về là 31.000-40.000 đồng.

Áp mã tối đa

Cũng theo báo cáo của iPOS.vn, mức thu nhập ảnh hưởng đến xu hướng chi tiêu của thực khách khi đặt đồ uống online. Nhóm khách hàng có thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên là những người chi tiêu mạnh tay nhất cho dịch vụ này. Tới 46% nhóm đáp viên có thu nhập 11-20 triệu đồng đặt cà phê mang về với giá từ 41.000 đồng trở lên. Những người có thu nhập 20 triệu trở lên, tỷ lệ này là 53% khi họ sẵn sàng chi trả cho sự tiện lợi và thoải mái mà dịch vụ mang lại.

Đồng tình với báo cáo của iPOS.vn, anh Quang Nhật (27 tuổi, nhân viên kinh doanh) chia sẻ, ngoài sự tiện lợi, thoải mái mà dịch vụ đặt đồ ăn, đồ uống trực tuyến mang lại, anh còn bị "níu chân" bởi cách chiều lòng người dùng của các ứng dụng. Anh Nhật vừa có một đơn hàng Rau má Mix giải nhiệt "siêu hời" trên GrabFood.

Anh dùng tính năng đặt đơn nhóm để đặt 4 ly rau má cùng đồng nghiệp, thêm bánh tráng, tổng hóa đơn hết 106.000 đồng. Phí vận chuyển của đơn này là 22.000 đồng cho quãng đường gần 1,5 km từ Trần Quốc Thảo về Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) khi chọn giao nhanh và giảm còn 17.000 đồng nếu chọn giao hàng tiết kiệm.

Sau khi áp được 3 mã ưu đãi, gồm 19.000 đồng cho đơn hàng trên 100.000 đồng, 12.000 đồng cho đơn hàng xế chiều từ 50.000 đồng và 4.000 đồng cho đơn hàng từ 60.000 đồng và chọn hình thức giao nhanh, số tiền anh Nhật phải trả chỉ còn 93.000 đồng, tiết kiệm được 35.000 đồng cho 4 người.

Bí quyết chi tiêu của dân văn phòng thời thắt chặt hầu bao - 2

Đặt đơn theo nhóm được giới văn phòng ưa chuộng bởi đơn hàng có giá trị càng cao, càng được áp dụng nhiều ưu đãi.

Anh Nhật cho biết, anh thường đặt món trên GrabFood vì được áp dụng cùng lúc nhiều mã ưu đãi cho một đơn hàng, điều mà không phải ứng dụng nào cũng có. Hay hơn nữa là với tính năng đặt đơn nhóm, ứng dụng tự động chia hóa đơn tương ứng cho những người tham gia, không cần phải kiểm tra từng món, chia phí giao hàng... mất thời gian.

Ngoài gọi đồ ăn, anh Nhật còn dùng GrabBike Tiết kiệm để di chuyển sau những buổi tụ họp cùng bạn bè, vừa an toàn và tất nhiên, bao giờ cũng phải "áp mã tối đa".

Thường xuyên dùng phải di chuyển đi gặp đối tác, chị Cẩm Hồng (trưởng nhóm tiếp thị số của một công ty truyền thông có văn phòng ở quận Phú Nhuận) cảm thấy rất hài lòng khi sử dụng gói hội viên GrabUnlimited. Chỉ bỏ ra 49.000 đồng/tháng, chị Hồng nhận được 99 mã ưu đãi miễn phí giao hàng 15.000 đồng cho đơn hàng GrabFood có giá trị từ 100.000 đồng, và hơn 100 mã khác cho các dịch vụ GrabBike/GrabCar và GrabMart.

"Trung bình, mỗi ngày tôi tiết kiệm 40.000 - 50.000 đồng cho 6 cuốc xe. Mã ưu đãi đặt đồ ăn thì tôi có thể đặt đơn giúp đồng nghiệp để họ được dùng ké mã, lợi vô cùng", chị Hồng tính toán.