Người trẻ vật lộn với cuộc sống đắt đỏ, tìm người lạ nhờ tư vấn chi tiêu

Trúc Ly

(Dân trí) - Nhiều người trẻ đăng bài viết tâm sự về cuộc sống khó khăn nơi thành thị. Họ không ngại chia sẻ thu nhập, cách chi tiêu của gia đình và nhờ những người lạ tư vấn làm sao để "sống sót" ở thành phố lớn.

Trên mạng xã hội, một nhóm công khai có hơn 300.000 thành viên là cộng đồng đang có lượng tương tác và số lượng bài đăng mới khá nhiều trong những ngày gần đây. Đa phần bài đăng trong nhóm đều bàn luận về chủ đề cân đối chi tiêu, tài chính, sắp xếp công việc và thứ tự ưu tiên trong cuộc sống.

Trong nhóm, hầu hết bài đăng đều đến từ những người trẻ, nhóm những người trong độ tuổi dưới 35, mới lập gia đình, có một con nhỏ và đang vật lộn với cuộc sống nơi thành thị.

Tại đây, mọi người công khai thu nhập gia đình, chia sẻ chi tiết cách chi tiêu và tìm kiếm những lời góp ý từ người lạ, rằng làm sao để quản lý chi tiêu hợp lý để "sống sót" được ở những thành phố lớn.

Một trong số những bài đăng mới nhất nhận về lượng tương tác lớn là của tài khoản ẩn danh. Người này cho biết sinh năm 1990 (34 tuổi), đang tạm nghỉ ngơi, không làm bất kể công việc gì và nhìn vào thành quả đã đạt được. Chủ nhân bài viết chia sẻ cô có một mảnh đất trị giá hơn 600 triệu đồng, một sổ tiết kiệm 368 triệu đồng, 2 cây vàng, 4 chỉ vàng SJC và khoảng 40 triệu đồng tiền mặt.

Người trẻ vật lộn với cuộc sống đắt đỏ, tìm người lạ nhờ tư vấn chi tiêu - 1

Giới trẻ vật lộn với cuộc sống thành thị (Minh họa: Business Insider).

Câu hỏi đặt ra của chủ nhân bài viết là với những gì đã có, quyết định nghỉ việc, dành thời gian nghỉ ngơi của cô là đúng hay sai? Liệu tạm nghỉ một vài tháng có phải là lười nhác hay không bởi hiện tại, sau nhiều năm vật lộn, cô cảm thấy kiệt sức cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Phía dưới bài đăng, đa phần bình luận cho rằng ở độ tuổi ngoài 30, chưa lập gia đình, những gì cô gái sở hữu đã là niềm mơ ước của nhiều người. Sức khỏe là quan trọng nhất, do vậy, khi cảm thấy cơ thể có vấn đề, việc tạm nghỉ là hoàn toàn cần thiết.

Số ít cho rằng việc đăng tải những bài viết với nội dung này lên nhóm công khai là không cần thiết, vì chỉ bản thân mình mới biết mình cần gì, muốn gì và nên làm gì.

Nói với phóng viên Dân trí, chủ nhân bài đăng (xin phép giấu tên) cho biết, lý do cô quyết định đăng bài lên nhóm cộng đồng là bởi không tìm được tiếng nói chung với gia đình. Cô chịu sức ép tương đối lớn từ gia đình về việc ai cũng cần có một công việc ổn định, việc tạm nghỉ ở nhà tiềm ẩn nhiều rủi ro vì dù sao, 34 tuổi cũng không phải còn trẻ để có suy nghĩ nhảy việc.

Tuy nhiên, sau khi nhận được rất nhiều bình luận động viên, chủ nhân bài đăng đã tìm được câu trả lời cho chính mình.

Ngọc An - chủ nhân một bài viết nhờ tư vấn chi tiêu cho gia đình có 2 vợ chồng, một con nhỏ - cho biết thực ra tâm lý đăng bài trên nhóm cộng đồng không phải để học theo cách chi tiêu của gia đình nhà khác, vì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.

Cô đăng bài trên nhóm chỉ với mục đích tham khảo ý kiến số đông, để xem đa phần mọi người có đồng tình với cách chi tiêu của cô hay không, từ đó, cô tự rút kinh nghiệm.

Mỗi ngày, trong nhóm cộng đồng đều có từ 10 bài viết trở lên, chia sẻ về khía cạnh chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân. Các bài viết nhận được lượng tương tác lớn với hàng nghìn bình luận, thường là những bài viết nói về những khó khăn khi sống ở thành phố lớn. Với khoản thu nhập 30-40 triệu đồng, chưa chắc một gia đình 3 người đã có thể đủ ăn, đủ tiêu.

Chủ đề chi tiêu, cân đối tài chính, trở nên rầm rộ và được nhiều người quan tâm hơn cả sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023.

Chỉ số này phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

Xét theo tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội được lấy làm gốc để so sánh và được tính bằng 100%.

Theo công bố, năm vừa qua, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về mức giá đắt đỏ nhất cả nước. TPHCM đứng thứ 2 với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội do một số nhóm hàng của TPHCM có mức giá bình quân thấp hơn.