Người thuê trọ hưởng giá điện bậc thang: Quá xa vời!
(Dân trí) - Bất chấp quy định cho phép người thuê trọ được hưởng giá điện bậc thang, giá điện trong các nhà trọ luôn là vấn đề bức xúc, đặc biệt sau mỗi lần nhà nước điều chỉnh giá. Điều này có thể lý giải là do những bất cập trong chính sách so với thực tế!
Đã có những sinh viên thuê trọ không dám dùng máy tính vì giá điện (ảnh: Hoài Nam).
Không có giá điện bậc thang cho người thuê trọ…!
Câu chuyện về việc tăng giá điện trong các nhà thuê trọ không phải bây giờ mới trở thành vấn đề “nóng” mà cứ “đến hẹn lại lên”, sau mỗi lần nhà nước điều chỉnh giá điện chung thì giá điện trong các nhà trọ lại tăng. Mức tăng thường được căn cứ vào giá trần ở mức cuối của giá điện sinh hoạt bậc thang.
Loan, sinh viên năm thứ 3 của trường đại học quốc gia Hà Nội ở trọ gần trường cho biết, giá điện ở đây đã được tính từ 2.500 đồng/kWh từ năm 2009. Phòng Loan trọ có 4 người, mỗi tháng tiền điện lúc đó đã khoảng 300.000 đồng.
Nhưng cũng chưa dừng lại, mới đây khi nghe thấy giá điện được điều chỉnh tăng, mặc dù cũng chưa tới 2.500 đồng/kWh, song chủ nhà đã thông báo là tăng điện lên 3.000 đồng/kWh (nghĩa là tăng thêm 500 đồng/kWh) với lý do là còn phải tính tiền bơm nước, cho dù tiền nước ở đây đã được tính là 40 - 50 nghìn đồng/tháng/người.
Trường hợp như Loan không chỉ phổ biến ở các khu trọ gần trường đại học quốc gia Hà Nội mà ở hầu hết các nhà trọ sinh viên và người lao động hiện nay.
Qua tìm hiểu của phóng viên, chỉ có một số ít những sinh viên hay những hộ gia đình thuê được nhà biệt lập với chủ, đã được chủ nhà làm hợp đồng mua bán điện với đơn vị bán lẻ điện trước đó thì được sử dụng điện bậc thang.
Còn lại, những người thuê nhà đều phải chịu mức giá điện cao do chủ nhà đưa ra. Mức giá này được điều chỉnh liên tục mỗi khi nhà nước có quyết định tăng, thậm chí ngay cả khi lương tăng, nhiều chủ nhà cũng lợi dụng để tăng tiền điện, nước… khiến người lao động hay những sinh viên nghèo càng khó khăn hơn.
Chính vì vậy, việc cho phép người thuê nhà được hưởng giá mua điện bậc thang (bắt đầu có hiệu lực từ năm 2009) là chính sách rất có ý nghĩa đối với người lao động, những cán bộ công chức thu nhập thấp hay những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, nghĩa là sau hơn 1 năm thực hiện chính sách này, đa số người thuê nhà cho rằng, chính sách này vẫn còn nằm… trên giấy!
Nhiều ràng buộc còn bất cập
Về việc điều chỉnh giá điện năm 2010, Thông tư số 08/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định, những trường hợp thuê nhà sẽ được tính tiền điện theo giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính tiền điện theo bậc thang.
Đối với những trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn thuê từ 12 tháng trở lên, thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc ủy quyền cho đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết hợp đồng mua bán điện (có bảo lãnh thanh toán tiền điện với chủ nhà). Trong trường hợp này, cứ 4 người tính là 1 hộ sử dụng điện để áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang.
Tuy nhiên, nhiều người thuê trọ cho rằng, điều này khó thực hiện vì số người ở trong một phòng không phải lúc nào cũng ổn định (đặc biệt là sinh viên, những người lao động thời vụ…). Mặt khác, phía chủ nhà trọ cũng không hơi đâu nhọc công đi tìm kiếm 4 người tạm trú liên tục 12 tháng để xin được định mức điện cho một hộ gia đình.
Trong khi đó, thông tư còn quy định: bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình giấy đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người tính số tính định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện!
Một vấn đề nữa, cũng theo thông tư, tại mỗi địa chỉ nhà cho thuê, bên bán chỉ ký một hợp đồng mua bán điện duy nhất. Điều này có thể được hiểu, một nhà có địa chỉ duy nhất cho dù xây nhiều tầng và chia làm nhiều phòng cho thuê thì cũng chỉ được hưởng một mức điện bậc thang.
Và như vậy, thì nếu có được áp dụng mức điện bậc thang cũng không giảm bao nhiêu. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương cần thay đổi quy định nếu thực sự muốn giúp những người thuê trọ được hưởng giá điện bậc thang.
Chỉ cần người thuê nhà trọ có giấy đăng ký tạm trú hợp lệ do công an địa phương chứng thực thì được hưởng định mức điện sinh hoạt theo từng cá nhân.
Ví dụ một người được hưởng định mức bằng 1/4 của một hộ mà không cần phải ghép đủ 4 người để tính thành một hộ. Hơn nữa, tạm trú tháng nào thì được cấp định mức điện tháng đó không phải đợi 12 tháng tại một địa chỉ…
Lan Hương