Người Tây Ninh kiếm hàng chục triệu/tháng nhờ... rau rừng
Ai đã một lần đến Tây Ninh không thể bỏ qua món bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc ở Trảng Bàng. Món ăn đơn giản, mộc mạc gồm có thịt heo luộc và rau rừng cuốn bánh tráng nhưng đã để lại nhiều ấn tượng cho người thưởng thức. Đặc biệt là đĩa rau rừng...
Nhọc nhằn nghề hái rau rừng
Gọi là rau rừng hay rau sông là đọt non của những loại cây đặc biệt sống ven hai bên bờ sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ được bà con hái đem về làm "phụ gia" chính cho món ăn bánh tráng phơi sương. Có vị chua chua, chát chát, thơm thơm và nhiều màu sắc khác nhau, rau rừng đã tạo được nét đặc thù riêng mà ngoài Trảng Bàng ra không nơi nào có được.
Chị Lê Thị Thanh Thúy (38 tuổi), người có thâm niên thu mua rau rừng ở Trảng Bàng cho biết, nghề hái rau rừng rất nhọc nhằn. Thức dậy từ 5g sáng người hái rau chèo thuyền dọc hai bên bờ sông Vàm Cỏ đưa mắt quan sát. Phát hiện đọt non trên cao người hái đưa câu liêm khá dài móc cho rơi xuống. Những lá, những chồi non mới nhú ở bên dưới thấp, chỉ cần chèo thuyền đến gần người hái với tay vặt lấy.
Mới nghe qua ai cũng tưởng công việc này đễ dàng, nhưng không - chị Thúy kể tiếp. Muốn có vài kg rau phải mất một ngày trời. Người hái rau len lỏi vào những nơi khó khăn nhất để tỉm cho được những đọt rau tươi tốt. Hiện nay tại xã Phước Chỉ (H. Trảng Bàng) còn nhiều người sống nhờ vào nghề hái rau rừng.
Trường hợp bà Lê Thị Tuyết là một điển hình. Bà Tuyết năm nay đã 75 tuổi nhưng hàng ngày bà vẫn chèo thuyền dọc theo bờ sông Vàm Cỏ bằng mọi cách hái cho được từ 2 - 3kg rau để bán mưu sinh qua ngày. Hầu như trọn cuộc đời bà gắn liền với dòng sông với những chiếc lá, những chồi non vốn là lộc trời đã nuôi sống cả đời bà và con cháu.
Anh Dũng ở Bến Đò, anh Tuấn ở Phước Trung là những người có nhiều năm sống với nghề này. Hiện nay hàng ngày mỗi anh đều thu được mỗi người hơn 100kg rau giao cho tư thương với giá từ 10 đến 12 ngàn đồng/kg. Muốn có được sản lượng như thế các anh ấy phải đi rất xa, thậm chí phải đến thượng nguồn của các dòng sông mới may ra có được.
Giải thích về sự khó khăn này, chị Thúy cho biết : nguồn rau vốn có từ thiên nhiên, dọc hai bên sông cây cối mọc nhiều nên rất dễ tìm. Thế nhưng, gần đây có các dự án đắp đê bao ven sông đã chặt phá khá nhiều cây cối hai bên bờ khiến cho nguồn cung cấp rau rừng trở nên can kiệt. Một giải pháp mới để giải quyết cho nguồn cung này chỉ còn cách là trồng rau rừng thôi . . .
Rau rừng khắp nơi được chị Thúy thu mua
Thảnh thơi rau trồng
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được nhà anh Trần Văn Thành ở ấp Lộc Trát xã Gia Lộc (H. Trảng Bàng, Tây Ninh). Anh Thành là một trong số ít người trồng thử nghiệm rau rừng.
"Thành công anh ạ", anh Thành khẳng định với chúng tôi như thế và bày tỏ đang cố gắng mở rộng diện tích. Năm nay 54 tuổi, là cán bộ xã anh Thành cho biết thêm nhờ trồng rau rừng mà thu nhập của gia đình được cải thiện rất nhiều.
Anh đưa chúng tôi ra tận vườn nhà anh. Vườn hẹp, chỉ có 300m2 đất nhưng trong đó có đến 4 hàng cây và 3 lãnh rau. 4 hàng cây của anh có gần 90 gốc gồm các loại : Mặt trăng, Trâm sắn, Trâm ổi, Lộc vừng, Săn máu và lá cách. Trong các loại cây này chỉ có cây mặt trăng là có giá trị cao nhất. Nếu bán đơn lẻ rau mặt trăng có thể lên đến 50.000đ/kg. 3 lãnh rau xen giửa hàng cây là rau quế vị.
Anh Thành kể lại, trồng rau rừng là sáng kiến của một lão nông trong vùng, ông Lê Văn Vỹ. Nhận thấy sản lượng khai thác rau từ thiên nhiên ngày càng giảm sút, ông Vỹ nghĩ đến cách trồng rau rừng. Nhà có đất rộng, ông lên luống và chèo ghe luồn lách đến tận những nơi có các cây rau bứng các cây đã trưởng thành về trồng. Cây trồng chỉ khoảng 2 tháng là bắt đầu thu hoạch.
Nhận thấy "dễ ăn", ông Vỹ khuyến khích và cố vấn cho anh Thành trồng rau rừng để cải thiện. Anh Thành cho biết, dễ ăn thiệt đó. Sau khi đi bứng cây về trồng trên mảnh đất của mình thì không bao lâu sau là có thu hoạch. Chi phí đầu tư không đáng kể vì là đất nhà, giống tự tìm.
Các giống cây rừng trong thiên nhiên sống chen chúc có lúc thiếu nước, thiếu đạm thiếu cả anh nắng nên khi về đến nhà mình, trồng thưa ra cây phát triển rất tốt. Hơn thế nữa, là giống cây rừng sâu bệnh hầu như không có nên không cần phải dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Vườn nhỏ nhưng một tuần thu hoạch đến 2 lần, anh Thành có được thêm khoảng thu nhập hơn 3tr/tháng nhờ vào vườn rau rừng này.
Trong khi đó, ở vườn rau của ông Vỹ với diện tích gấp 10 lần anh Thành, thu nhập dĩ nhiên cũng phải gấp 10 lần vì ngày nào ông Vỹ cũng thu hoạch.
Rau không sâu bệnh, phát triển tốt, đầu tư và chăm sóc không đáng kể. nghề trồng rau rừng của những người dân ấp Lộc Trát có cơ may phát triển. Chị Thúy cho biết nhờ vào sản lượng rau trồng tăng cao nên chị đã mạnh dạn nhận lời cung cấp cho Hà Nội 2 ngày một lần, mỗi lần 40kg rau. Điều đó cho thấy, rau rừng đang hấp dẫn và nghề trồng rau rừng sẽ có điều kiện vươn lên.
Chi Thúy chọn rau. Những đọt mặt trăng có màu đẹp và giá trị cao.
Vườn rau rừng nhà anh Thành
Đọt mặt trăng (trong vòng tròn) sẽ được thu hoạch trong 2 ngày tới.
Xen giữa 2 hàng cây là lãnh rau quế vị ở vườn nhà ông Vỹ.
Vườn rau rừng nhà ông Vỹ
Theo Trần Chánh Nghĩa
VietnamN