ĐBSCL:
Người nuôi "buốt ruột" nhìn cua biển rớt giá
(Dân trí) - Khoảng vài tháng gần đây các tỉnh ĐBSCL giá cua giảm mạnh, khiến cho hoạt động buôn bán, các điểm trung chuyển, các vựa ế ẩm khiến người nuôi lo lắng, đứng ngồi không yên.
Tiếp xúc với phóng viên, chủ vựa cua Hải Mến, vựa cua lớn nhất ở xã Long Hữu, huyện Duyên Hải, Trà Vinh cho biết: Nhiều năm qua vựa cua của ông thu gom ở các xã lân cận của huyện Duyên Hải rồi đóng gói vận chuyển trực tiếp sang Thượng Hải. Trung bình mỗi ngày ông xuất sang Thượng Hải từ 500 đến 800kg cua.
Tuy nhiên, vài tháng nay do giá cua giảm mạnh nên người nuôi có tâm lý đang còn chờ giá lên, ít thu hoạch khiến cho hoạt động của vựa bị chững lại. Giờ mỗi ngày vựa của ông chỉ xuất trung bình gần 500kg cua sang Trung Quốc.
Theo ông Hải Mến: Giá cua xô từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, cua thịt (cua y) giá từ 100.000 -120.000 đồng/kg, cua gạch son có giá từ 170.000 -180.000 đồng/kg. Trước và trong Tết Nguyên Đán, giá của gạch son có lúc lên tới 600 ngàn đồng/kg, thế mà bán lẻ vẫn có nhiều người mua. Có thời điểm ông bán lẻ một ngày cũng được 20 đến 30 triệu đồng tiền cua, nhưng mấy ngày hôm nay chỉ bán lẻ được vài triệu/ngày.
Ông Nguyễn Văn Oanh ở ấp Tân Thành xã Long Khánh cho biết: Năm nay ông thả tăng số lượng con giống, nhưng thời gian qua giá cua giảm, hiện gia đình chúng tôi đang rất lo lắng.
Những ngày qua cua thịt loại ngon ở Trà Vinh chỉ có giá từ 100 đến 120.000đ/kg
Huyện Duyên Hải (Trà Vinh) mới chia tách trong tháng 8 này. Hiện diện tích nuôi tôm cua của Duyên Hải là 8.400 ha lớn nhất tỉnh, tập trung ở các xã như Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải. Năm nay do chia tách địa giới hành chính, dù diện tích có giảm khoảng 5.500 ha, nhưng lượng con cua giống được người dân thả nuôi tăng.
Thời gian qua Trà Vinh áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, (30% diện tích rừng, 70% diện tích nuôi thủy sản), là mô hình vừa nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng rừng. Đây cũng xem là mô hình nuôi thủy sản được đánh giá là giảm mức độ thiệt hại tới mức thấp nhất, 1m2 chỉ có 1 con cua bị thiệt hại.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Duyên Hải toàn huyện có trên 10 cơ sở sản xuất cua giống, đây là các cơ sở sản xuất tôm giống rồi kết hợp nhân giống cua để bán cho người dân vùng này nuôi. Ở Duyên Hải từ lâu con cua được xem là con vật xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân ở vùng này. Tuy nhiên ở thời điểm này giá cua đang giảm mạnh gấp nhiều lần so với dịp đầu năm, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động mua bán cũng như nuôi trồng của người dân gây tâm lý hoang mang cho người nuôi cua.
Hiện giá cua ở địa phương giảm mạnh kéo theo hoạt động mua bán cua ở địa phương cũng giảm theo
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trường Giang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duyên Hải cho biết: Không riêng gì cua mà tất cả các mặt hàng nông thủy sản nói chung vài tháng gần đây giảm mạnh. Theo ông Giang có 2 nguyên nhân, do môi trường, biến đổi khí hậu xuất hiện nhiều loại dịch bệnh khó kiểm soát.
Nguyên nhân thứ 2 là do nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, trồng và nuôi nông thủy sản nhiều, họ đang trúng mùa khiến cho giá thành giảm mạnh.
Hiện giá cua ở địa phương giảm mạnh kéo theo hoạt động mua bán cua ở địa phương cũng giảm theo, lúc cao trào xã có vài chục điểm thu mua, vận chuyển cua, nhưng hiện chỉ còn vài điểm lẻ tẻ.
Ông Ngô Minh Trường, cán bộ Nông nghiệp và Môi trường xã Long Khánh cho biết: Thời gian gần đây người dân phản ánh tình trạng giống cua kém chất lượng gây thiệt hại về kinh tế cho người trồng cua và ảnh hưởng nhiều tới hoạt động nuôi của người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở ĐBSCL ngoài Trà Vinh còn có Cà Mau và Bạc Liêu là những địa phương nuôi cua nhiều cũng đang “buốt ruột” vì cua rớt giá.
Anh Nguyễn Phong Khê ở xã Phước Long huyện Phước Long, Bạc Liêu cho biết: hiện đang bán cua tại ao với giá 120 ngàn đồng/kg đối với cua thịt, cua gạch có giá 160 ngàn đồng/kg, anh Khê cho biết, giá như vậy là giảm mạnh so với giai đoạn trước và trong Tết có lúc cua gạch bán được 500 ngàn đồng/kg.
Phạm Tâm – Kiên Trung
phamtam@dantri.com.vn