1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Người nội trợ ngày càng khó... tính

(Dân trí) - Cầm trịch chi tiêu trong gia đình nên khi giá cả tăng cao, các bà nội trợ cũng trở nên khó tính hơn khi mua sắm để “căn sao cho vừa”. Để thích nghi và giữ khách, người bán cũng buộc phải tìm cách “uốn mình”.

Đi mua sắm là… có chuyện

Nếu như trước đây việc mua sắm của chị em diễn ra nhẹ nhàng theo kiểu “thuận mua vừa bán” thì khi giá cả tăng cao, đồng tiền eo hẹp họ buộc phải tính toán, chi li hơn với từng món hàng mình mua. Những cuộc mua bán vì thế mà dễ gặp các “sự cố” như mặc cả, không tin tưởng, đôi co, phàn nàn…

Ra chợ, ít chị em nào còn thoải mái cần gì mua đó, chỉ tay cho người bán lấy là xong mà họ thường căn ke giá bao nhiêu, mua bao nhiêu là vừa… Thậm chí nhiều người trước khi quyết định mua còn làm một vòng quanh chợ để khảo giá nắm tình hình. Mua xong mà thấy nơi khác bán với giá thấp hơn chút đỉnh là họ khó chịu, rồi tự trách mình dại.

Người nội trợ ngày càng khó... tính - 1

Người tiêu dùng ngày càng trở nên khó tính, chi li hơn khi giá cả hàng hóa biến động.

Chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ tại phường Đa Kao, Q.1, TPHCM) cho hay bây giờ mỗi ra chợ mua sắm là chị căng như dây đàn, trong đầu nhẩm tính từ trước lúc dắt khi ra khỏi nhà cho tới khi mua xong vẫn còn… lẩm bẩm. “Hồi trước đi chợ, mua bao nhiêu tôi nói người ta lấy bấy nhiêu, quan trọng là đồ tươi ngon chứ ít khi quan tâm tới giá cả lắm. Còn giờ, mua gì tôi cũng phải khảo giá để căn mua chừng nào thì vừa tiền, dôi chút là bắt người bán bớt ra ngay”, chị Hồng nói.

Chị cũng thấy mình trở nên… khó tính hẳn, hôm nào ra chợ cũng có chuyện khục khặc với người bán nhưng chị lý giải: “Tại giá cả thay đổi liên tục mà tiền chi tiêu của mình có giới hạn. Người bán cũng vậy, họ cũng chi li hơn đó chứ”.

Bán thịt ở chợ Hoàng Hoa Thám gần hai chục năm nay nhưng chưa lúc nào cô Lê Thị Hoàng thấy khó làm ăn như lúc này bởi khách mua giảm đi, khách còn lại thì lại cực kỳ kỹ tính. Thường thì khách chỉ mua 1 -2 lạng thịt vẫn khảo giá, hỏi xong đi rồi quay lại mặc cả tiếp. Nhiều hôm cô cắt miếng thịt ngon chỉ thêm một vài ngàn, khách cũng bắt xẻo ra bằng được vì “Tôi chỉ mua đúng chừng đó thôi”. "Ngày nào tôi cũng đụng vài ba vụ cãi nhau với khách. Người ta khó tính, còn mình lúc “của khó người khôn” cũng phải căn ke chứ nếu không buôn chẳng có lãi”, cô than thở.

Với hình thức mua bán tự chọn, giá cả mọi hàng hóa đều niêm yết nên ở các siêu thị tránh được tình trạng mặc cả của khách nhưng việc mua bán không phải lúc nào cũng được “xuôi chèo mát mái”. Kỹ tính hơn, khách không ngại đảo tung mọi thứ để lựa chọn được món hàng ưng ý, giá mềm nên nhiều siêu thị cũng “đuối” với việc đi xếp lại hàng. Nhiều món hàng thuộc thực phẩm tươi, đồ ăn sẵn… nhưng cân đo, đóng gói xong thì khách hàng thản nhiên bỏ lại. Đau đầu nhất là nhân viên thu ngân, không ít trường hợp đã xuất hóa đơn chờ tính tiền nhưng khi cầm hóa đơn, khách hàng đòi trả lại hàng vì thấy mình mua sắm nhiều quá.

Người bán ứng phó với khách

Để ứng phó với sự khó tính của khách hàng, nhiều tiểu thương tại các chợ ở TPHCM đã tuân thủ niêm yết giá để tránh được việc khách trả giá lên xuống. Nhiều hàng quán cũng có các chiêu thức riêng của mình để hạn chế tối đa sự khó chịu của khách hàng khi mua sắm.

Các hàng tạp hóa nhỏ lẻ ở chợ lâu nay thường “bớt xén” các chương trình khuyến mãi cho khách thì giờ họ tận dụng tối đa các chương trình giảm giá, tặng kèm từ nhà sản xuất, nhà cung cấp để vừa thu hút sức mua, vừa góp phần làm “dịu” tính tình như lửa của khách. Tiểu thương bán nhiều mặt hàng khác cũng chọn cách “tặng kèm” cho khách mua hàng như bán thịt bò cho kèm tỏi gừng, bán rau củ cho hành, ớt…

Người nội trợ ngày càng khó... tính - 2

Tăng cường ứng phó với trước sự khó chịu của khách hàng cũng một trong những phương án “vượt” lạm phát của nhà bán lẻ

Chị Vân, bán rau ở chợ An Nhơn (Q.Gò Vấp) cho biết để giải quyết tình trạng khách hàng quá căn ke về giá, hay cáu gắt, khi khách mua rau chị chấp nhận cho thêm hành, ớt… Chị nói: “Mỗi ngày cũng tốn kha khá nhưng bù lại khách dễ chịu hơn, nếu giá một số mặt hàng mình bán có cao hơn nơi khác chút đỉnh người ta cũng chấp nhận và thông cảm”.

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định, một trong những khó khăn của các nhà bán lẻ trước tình hình lạm phát chính là phản ứng của khách hàng trước giá cả. Các nhà bán lẻ đều phải đối mặt với sự bức xúc, khó chịu của khách, đặc biệt là vào những ngày lễ thì sự phàn nàn lại càng gay gắt khi nhu cầu mua sắm cao mà giá cả thường biến động.

Để ứng phó với tình hình này, bà Loan nhấn mạnh các doanh nghiệp bán lẻ cần chú trọng đào tạo nhân viên, đặc biệt là nhân viên tuyến đầu, những kiến thức và cách ứng xử cơ bản để có thể truyền đạt tới khách hàng. Bên cạnh đó, nhà bán lẻ không ngừng cố gắng giữ giá cả như đàm phán với nhà cung cấp, nhà sản xuất…, đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, phát triển nhãn hàng riêng và tăng cường thông tin, giải thích cho khách hiểu những cố gắng của mình.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm