Người nghèo "ngóng" vay mua nhà ở xã hội: 1.000 tỷ đồng đầu tiên sắp được giải ngân

(Dân trí) - "Hiện nay chúng tôi đã chuẩn bị xong. Khả năng tôi có thể nói trước là tính theo tuần thôi, tức là trong vài tuần tới khi Bộ Tài chính chuyển tiền sang thì có thể bắt đầu giải ngân ngay", đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết.

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.

Như Dân trí đưa tin trước đó, kể từ sau khi gói 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, hàng nghìn người mua nhà ở xã hội gặp khó khăn về vốn, thậm chí nhiều người mua nhà phải nghĩ đến việc từ bỏ giấc mơ có nhà vì không đủ khả năng trả nợ theo lãi suất thương mại.

Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 năm 2015 về quản lý nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn vay vốn, tuy nhiên 2 năm trôi qua, chính sách này vẫn nằm trên giấy do Nhà nước chưa bố trí đủ nguồn vốn ngân sách.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định: "Đến giờ các thủ tục, giải pháp, quy trình để thực hiện chương trình này đã xong và hoàn chỉnh. Ngân hàng Chính sách xã hội rất sẵn sàng".

Theo ông Lý, 2 năm vừa rồi không thực hiện được do vấn đề về vốn nhưng đến giờ phút này vốn đã bắt đầu tháo gỡ được. Riêng năm nay, Chính phủ kế hoạch giải ngân cho chương trình này là 1.000 tỷ đồng (trong đó vốn Nhà nước cấp là 500 tỷ đồng, ngân hàng tự huy động 500 tỷ đồng).

"Hiện nay chúng tôi đã chuẩn bị xong. Khả năng tôi có thể nói trước là tính theo tuần thôi, tức là trong vài tuần tới khi Bộ Tài chính chuyển tiền sang thì có thể bắt đầu giải ngân ngay. Nguyên tắc là có vốn thật 500 tỷ đồng của Nhà nước chuyển sang thì chúng tôi mới có thể bỏ vốn huy động của mình ra để thực hiện được. 500 tỷ đồng ngân hàng tự huy động thì chúng tôi đã sẵn sàng rồi", ông Lý cho biết.

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho biết thêm rằng, mức lãi suất vay ưu đãi dành cho năm nay đang trình Chính phủ phê duyệt là 4,8%.

"Đây là vốn của năm nay và khi vận hành chắc chắn sẽ được sự quan tâm chú ý của toàn xã hội. Khi triển khai, chúng tôi mong xã hội quan tâm, giám sát và phản ánh để chương trình tín dụng này hiệu quả nhất", ông Lý nói thêm.

Một nội dung được nhiều người quan tâm là quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lý cho biết, để thực hiện quy định này, Ngân hàng Chính sách xã hội có hai phương pháp: Thứ nhất, cho vay rồi mới thực hiện gửi tiết kiệm; Thứ hai, gửi tiết kiệm rồi mới cho vay.

“Trước mắt, chúng tôi đưa ra sản phẩm vay rồi mới gửi tiết kiệm. Sau này, khi chủ động về vốn mỗi năm, ngân hàng sẽ thực hiện sản phẩm tiết kiệm rồi mới cho vay. Hai phương pháp này đều đúng luật. Khách hàng gửi tiết kiệm cần xác định rõ, hoạt động tiết kiệm này không phải tiết kiệm lấy lãi, mà thực chất là hoạt động thực hành tiết kiệm của người vay vốn nhằm tạo vốn tự có tham gia vào trong dự án vay vốn”, ông cho biết.

Phương Dung

Người nghèo "ngóng" vay mua nhà ở xã hội: 1.000 tỷ đồng đầu tiên sắp được giải ngân - 2