Vỡ mộng nhà ở xã hội vì gói 30.000 tỷ đồng "đứt gánh giữa đường”

(Dân trí) - Sau khi gói 30.000 tỷ đồng dừng triển khai, nhiều doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở xã hội cũng than thở rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng khi không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Trong khi đó, các khoản vay thương mại có điều kiện khắt khe hơn, lại có mức lãi suất cao.

Nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ do không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.
Nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ do không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Vỡ mộng vì nhà ở xã hội

Như Dân trí đưa tin, mới đây, hơn 700 khách hàng mua nhà ở xã hội tại Dự án Tổ hợp Nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City) ở xã Kim Chung (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã gửi đơn kêu cứu lên Chính phủ, Bộ Xây dựng phản ánh tình trạng dự án chậm bàn giao nhà khiến họ rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười".

Lý giải về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long cho biết, dự án AZ Thăng Long đang triển khai theo đúng tiến độ thì gặp phải sự cố bất khả kháng lớn về chính sách là ngày 28/3/2016, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 1953/NHNN-TD về việc dừng triển khai gói vay 30.000 tỷ đồng trên toàn quốc.

Theo chủ đầu tư này, do không còn lãi suất ưu đãi nên khách hàng không còn mặn mà với dự án trong khi chủ đầu tư gặp khó khăn khi phải vay ngân hàng vốn đầu tư với lãi suất thương mại cao. Sau khi gói 30.000 tỷ đồng dừng triển khai, tính đến thời điểm này, đã hơn 1,5 năm Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có hàng loạt văn bản hướng dẫn cho gói vay mới ưu đãi dành cho nhà ở xã hội ở Ngân hàng Chính sách Xã hội nhưng đến nay nguồn vốn không có, tất cả phải đợi.

Trên thực tế, gói tín dụng hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng trên thực tế đã giúp hàng nghìn người thu nhập thấp có được một nơi an cư. Thế nhưng, việc gói này dừng giải ngân từ ngày 1/6/2016 khiến nhiều người mua nhà phải nghĩ đến việc từ bỏ giấc mơ có nhà vì không đủ khả năng trả nợ theo lãi suất thương mại. Sau thời gian dài gói 30.000 tỷ đồng giải ngân hết, người trong diện mua nhà này vẫn mòn mỏi chờ một gói vay ưu đãi tương tự.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở xã hội cũng than thở rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng khi không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Trong khi đó, các khoản vay thương mại có điều kiện khắt khe hơn, lại có mức lãi suất cao.

Có tiền vẫn chưa thể triển khai

Trước đó, trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đặt câu hỏi, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 năm 2015 về quản lý nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn vay vốn, tuy nhiên 2 năm trôi qua, chính sách này vẫn nằm trên giấy không hiểu lý do vì sao?.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 100 ngân sách nhà nước sẽ cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và cấp bù chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, việc cho vay chưa thực hiện được do ngân sách thời gian qua khó khăn nên chưa bố trí được.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện mới có Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí hơn 1.200 tỷ đồng song vẫn chưa được giải ngân vốn, 4 ngân hàng còn lại cũng đang chờ.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, Luật Nhà ở quy định rõ người mua, thuê mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư nhà ở xã hội đều thuộc đối tượng hưởng ưu đãi về tín dụng. Thế nhưng, sau thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phê duyệt Chương trình mục tiêu được phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 với danh mục 21 chương trình lại không có nội dung về thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

"Như vậy, chính sách ban hành thì nhanh nhưng ngân sách lại bố trí chậm. Mà không bố trí ngân sách thì không có tiền để thực hiện. Phải đưa vào danh mục thì Chính phủ mới có trách nhiệm bố trí ngân sách chi cho nhà ở xã hội" - ông Châu nói.

Phải đến ngày 26/4/2017, UBTVQH có văn bản gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại thì Chính phủ đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng (NH) Chính sách xã hội để dành một phần tiền trong đó nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến năm 2020.

Trên thực tế, chính sách nhà ở xã hội không được hưởng hết 2.000 tỷ đồng này mà chỉ được sử dụng phần còn lại sau khi đã thực hiện chính sách cho người có công. Đến nay, NH Chính sách xã hội đã lấy ra 740 tỷ đồng để thực hiện chính sách đối với người có công và trên lý thuyết, còn lại 1.260 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

"Tuy nhiên, tới hết năm 2017, tại NH Chính sách xã hội chưa hề có dư nợ về nhà ở xã hội do NH này chưa hề thực hiện. Như vậy, đến lúc bố trí được nguồn vốn mà vẫn không triển khai được" - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nêu rõ.

Phương Dung

Vỡ mộng nhà ở xã hội vì gói 30.000 tỷ đồng "đứt gánh giữa đường” - 2