Người mua vàng đang chịu rủi ro

Nhiều chuyên gia dự báo, giá vàng có thể giảm sâu hơn nữa vào tháng 10 tới. Song ngay cả khi giá vàng hấp dẫn, người mua vàng vẫn chịu không ít rủi ro, bị ép giá vì thị trường thiếu tính cạnh tranh.

Thị trường vàng: không có đầu cơ, nhưng thiếu cạnh tranh

 

Tuần qua, giá vàng thế giới đã giảm gần 2%, mức giảm mạnh nhất trong 5 tuần trở lại đây. Giá vàng thế giới tăng, giảm thất thường khiến giá vàng trong nước biến động theo.

 

Vào thứ Bảy (ngày 3/8), giá vàng trong nước đứng ở mức 37,8 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng, so với thứ Sáu (37,5 triệu đồng/lượng).

 

Người mua vàng đang chịu rủi ro
Ngay cả khi giá vàng hấp dẫn, người mua vàng vẫn chịu không ít rủi ro, bị ép giá vì thị trường thiếu tính cạnh tranh 

 

Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng cho biết, giá vàng giảm đang kích thích người dân mua vàng tích trữ, nhất là khi lãi suất tiết kiệm hạ và các kênh đầu tư khác đều khó khăn.

 

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank cho rằng, giá vàng thế giới biến động phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như lãi suất USD…

 

“Giá vàng từ 37 đến 38 triệu đồng/lượng là mức giá mà người dân có thể mua vào”, ông Trúc nói.

 

Một lãnh đạo của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, tuần này, giá vàng vẫn có thể giảm thêm và mua vàng vào thời điểm này để tích trữ là khá hợp lý.

 

“Song nếu không có nhu cầu cấp bách, người dân có thể đợi đến tháng 10, bởi khi đó, nếu Chính phủ Mỹ dừng gói kích thích kinh tế, giá vàng sẽ còn giảm sâu hơn”, vị này khuyến cáo.

 

Dù giá vàng đang ở mức chấp nhận được, song chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức trên 4 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, biên độ mua vào - bán ra của vàng SJC luôn bị các các ngân hàng, DN duy trì ở mức cao (300.000 - 400.000 đồng/lượng).

 

Cá biệt, mức chênh lệch mua vào - bán ra của thương hiệu vàng PNJ còn tới gần 1 triệu đồng/lượng. Với việc bị ép bán rẻ và mua giá cao, rõ ràng, người dân chịu khá nhiều rủi ro.

 

Các DN kinh doanh vàng cũng thừa nhận, chênh lệch mua vào - bán ra hiện quá lớn, gây thiệt thòi cho người dân. Tuy nhiên, sở dĩ để xảy ra tình trạng này là do thị trường vàng thiếu cạnh tranh.

 

“Khi nào nguồn cung dồi dào, có nhiều thương hiệu khác nhau, DN tranh nhau bán thì mới nhìn nhau để cạnh tranh, giảm biên độ chênh lệch để thu hút khách”, Tổng giám đốc một DN kinh doanh vàng nói.

 

Nhận định về mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, theo ông Trúc, mức chênh lệch chỉ 1 triệu đồng/lượng là hợp lý. Tuy nhiên, hiện chỉ có giá vàng SJC là chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới, còn nhiều thương hiệu khác, trong đó có vàng AAA của Agribank đã có mức giá khá sát với giá thế giới.

 

Tiếp tục cho chuyển đổi vàng phi SJC

 

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 2 phiên đấu thầu, tổng cộng 52.000 lượng vàng tung ra đều được các DN, tổ chức tín dụng mua sạch. Thị trường vàng như thùng không đáy, dù từ đầu năm đến nay, NHNN đã tung ra thị trường 51 tấn vàng.

 

Trước những nghi vấn đầu cơ trên thị trường, tuần qua, NHNN đã có văn bản yêu cầu các DN, tổ chức tín dụng phải báo cáo tình hình kinh doanh vàng trong ngày, đặc biệt là các giao dịch vàng có giá trị trên 300 triệu đồng.

 

“Dù vậy, khó có chuyện đầu cơ vàng trong tình hình hiện nay, bởi nguy cơ thua lỗ rất lớn (do vàng vẫn có thể giảm sâu hơn). Lượng vàng đấu thầu vừa qua “mất hút” vào thị trường là do người dân mua nhiều. Giá vàng giảm, việc người dân mua vào không có gì là khó hiểu”, ông Trúc nói.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienPhong Bank lại nhận xét, cũng không thể loại trừ giả thiết là một số ngân hàng chưa tất toán xong trạng thái vàng, nên vẫn tiếp tục mua vào.

 

Lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng khẳng định, giải pháp hữu hiệu nhất để tăng sức cạnh tranh trên thị trường vàng, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là cho phép các thương hiệu khác chuyển đổi sang vàng SJC. Khi đó, chỉ mất phí gia công 200.000 đồng/lượng, nhưng thị trường có thêm nguồn cung SJC đáng kể.

 

Cũng theo vị lãnh đạo trên, NHNN cần gấp rút có giải pháp huy động vàng trong dân vào lưu thông, nếu không, hàng chục tỷ USD sẽ bị chôn chặt trong vàng. Thực tế, theo phản ánh của các DN kinh doanh vàng, người dân mua vàng tích trữ không có nhu cầu đưa vàng về nhà.

 

Ngoài ra, cần nghiên cứu thành lập sàn vàng và Sở Giao dịch vàng quốc gia (kinh doanh cả vàng tài khoản lẫn vàng vật chất). “Hiện 80% các nước trên thế giới, kể cả Lào, Campuchia đều thành lập sàn vàng. Đây là phương thức mua, bán vàng hiện đại, là quyền lợi của DN và người dân. Việt Nam nên nghiên cứu cách làm của thế giới để triển khai”, Tổng giám đốc một DN kinh doanh vàng đề nghị.

 

Theo Hà Tâm

Đầu tư