1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngược xuôi tỉ giá và cung tiền đồng

Khoảng 5-7 tấn vàng đã được xuất khẩu dưới dạng nữ trang trong hơn tuần qua, mang về chừng 300 triệu USD, một số Cty kinh doanh vàng ở TPHCM cho biết.

Theo họ, lượng vàng xuất có thể tăng lên trong tuần này nếu giá quốc tế vẫn đứng ở mức cao và giá trong nước vẫn thấp hơn giá thế giới 400.000 – 500.000 đồng/lượng.

 

Đây cũng là lý do giải thích vì sao khi giá vàng vượt ngưỡng 39 triệu đồng/lượng, người dân đổ xô đi bán, còn các cơ sở kinh doanh vàng vẫn không ngừng mua vào. Có đơn vị đã mua cho đến hết sạch lượng tiền mặt hiện có.
Ngược xuôi tỉ giá và cung tiền đồng  - 1
Xuất khẩu vàng đã và đang bổ sung thêm nguồn cung ngoại tệ.

 

“Việc gia công vàng miếng thành vàng nữ trang đòi hỏi thời gian” – một chuyên gia lĩnh vực vàng nói. Theo bà, các món nữ trang phải có họa tiết, nặng dưới một ounce, chất lượng thấp hơn hai số chín, mới đáp ứng được quy định xuất khẩu.

 

Một đầu mối xuất nếu đặt làm nhanh tại các cơ sở, cũng chỉ được 50 - 100kg vàng/ngày. Nếu có 5 - 6 đầu mối xuất mỗi ngày, lượng vàng xuất có khả năng đạt 500kg/ngày. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp lớn vào cuộc, số lượng xuất có thể tới 1 tấn/ngày. Quan trọng là tận dụng được thời điểm giá bên ngoài cao để thỏa thuận và có hàng ngay để giao cho người mua.    

 

Xuất khẩu vàng đã và đang bổ sung thêm nguồn cung ngoại tệ, nâng thanh khoản thị trường và đẩy tỉ giá về mức thấp nhất trong ba tháng gần đây (theo hướng tiền đồng lên giá so với USD).

 

Ngày 15/7/2011, giá mua USD chuyển khoản của các NHTM rớt xuống 20.540 – 20.550 đồng và bán ra 20.560 đồng/USD. Giá mua USD của Sở Giao dịch NHNN vẫn giữ nguyên ở mức 20.600 đồng, nhưng lượng mua vào, theo phản ánh của giới kinh doanh ngoại tệ, đã có phần chững lại.

 

Trước sự dồi dào của nguồn cung, những doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán ngoại tệ đã không vội vàng mua vào. Hiện tại họ chờ đến sát thời điểm thanh toán mới mua thay bằng chọn thời điểm tỉ giá hợp lý nhất để mua như vẫn thường làm.

 

Mặc dù đang có những phỏng đoán tỉ giá sẽ chịu áp lực không nhỏ vào cuối năm do tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục ở mức cao, nhưng các giao dịch ngoại tệ kỳ hạn lại không phản ánh áp lực này.

 

Bằng chứng là điểm kỳ hạn USD/tiền đồng đang được chào ở giá tốt nhất kể từ cuối tháng 4/2011, cụ thể kỳ hạn một tháng chỉ cộng thêm 220 điểm, theo như thông tin từ NH HSBC Vietnam.     

 

Động thái mua vào ngoại tệ của NHNN được duy trì, nhưng tỏ ra thận trọng đã củng cố cho xu hướng lên giá của tiền đồng. NHNN không thể không tính toán khi mà doanh số giao dịch của thị trường mở đang ngày càng sụt giảm. Đến cuối tuần trước tổng dư nợ của thị trường mở chỉ còn 7.000 tỉ đồng sau khi NHNN hút về 16.000 tỉ đồng đến hạn. Nhiều NH đã ngừng giao dịch thị trường mở khi lãi suất của kênh này giữ nguyên ở mức 14%/năm trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ chỉ còn 12,2%/năm. Khả năng dư nợ của thị trường mở sẽ tiến về con số không trong tuần này đang trở nên rất hiện thực.

 

Thanh khoản của các NH đã chuyển từ trạng thái thiếu hụt sang có phần dư thừa, song chủ yếu vẫn là thanh khoản ngắn hạn. Để đặt nền cho việc giảm lãi suất tiền đồng một cách từ từ và có kiểm soát, đã đến lúc tiền phải được đưa ra ở các kỳ hạn dài hơi hơn, chẳng hạn 2 - 4 tuần trên thị trường mở. Vấn đề thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn phải được tháo gỡ, bởi các NH đang hướng đến đảm bảo thanh khoản dài hạn trước khi cung cầu tiền đồng ổn định trở lại một cách vững chắc.

 

Nhìn ra quãng đường hơn 5 tháng còn lại của năm nay, các chỉ tiêu trong điều hành tiền tệ còn rất thênh thang. Nghị quyết 11 cho phép tổng phương tiện thanh toán tăng đến 16%, nhưng từ đầu năm đến nay mới chỉ tăng dưới 3%, tức chưa đầy 20% chỉ tiêu (công bố mới nhất của ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - đến 20.6 tổng phương tiện thanh toán tăng 2,45% so với cuối năm ngoái).

 

Sự bóp quá chặt cung tiền một cách đột ngột đã buộc không ít doanh nghiệp lâm vào tình trạng ngừng sản xuất. Độ trễ của những chính sách tiền tệ áp dụng trong quý I, quý II sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong quí III và do đó chưa thể nói doanh nghiệp sẽ phục hồi kinh doanh trong những tháng tới.

 

Bây giờ việc đưa tiền ra mua ngoại tệ sẽ giải quyết được hai vấn đề: Tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giữ cho sự lên giá của đồng Việt Nam không vượt quá giới hạn nhằm đảm bảo kích thích xuất khẩu; đồng thời cân bằng lại tổng phương tiện thanh toán.

 

Lạm phát tháng 7 đang được kỳ vọng ước tăng 1% so với tháng trước, nhưng tác động của yếu tố tiền tệ lên CPI rõ ràng đã không còn nặng nề khi cung tiền đã bị siết chặt những tháng đầu năm.

 

Mặt khác, nếu nhìn từ góc độ giá thành sản xuất, giá lương thực – thực phẩm tăng lên có cả yếu tố cấu thành của lãi suất cho vay cao trong đó.

 

Trong trường hợp cung tiền không được cân đối trở lại, lãi suất cho vay sẽ chưa thể về mức 17- 18%/năm như doanh nghiệp mong đợi. Ngay cả với mức lãi suất đầu ra mong đợi này, phần lớn doanh nghiệp vẫn mới chỉ có thể cầm cự, chưa thể có lãi. Khi đó, liệu chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp có còn ý nghĩa?

 

Theo Hải Lý

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm