Nghìn tỷ đồng "chảy" vào công ty giáo dục: Ai "bạo tay" như shark Thủy?

Thảo Thu

(Dân trí) - Apax Holdings của shark Thủy và một số công ty giáo dục liên tục huy động trái phiếu với lãi suất "khủng", có khi tới 12-12,5%/năm để trả lương giáo viên, tăng quy mô vốn, cơ cấu lại nợ...

Huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu lãi suất cao 

Các công ty giáo dục 2 năm qua đã nhận về nguồn vốn lớn từ kênh trái phiếu, với sự tham gia của cả nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.

Trong năm 2021, 2 công ty giáo dục trong hệ sinh thái Apax Holdings của ông Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn gọi là Shark Thủy) đã huy động 835 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao.

Cụ thể, Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English) đã huy động 500 tỷ đồng trái phiếu qua 2 đợt phát hành. Đợt đầu tiên vào tháng 2/2021 với 2 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng, ngày đáo hạn là 23/2/2023. Trái phiếu này là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền với lãi suất 12%/năm, kỳ hạn trả lãi 3 tháng/lần.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là quyền sử dụng sàn thương mại tầng 1,2,3 và tầng KT1 tòa A của dự án Việt Đức Complex tại 164 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân với tổng diện tích 3.405m2, có giá 150 tỷ đồng, theo định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn.

Nghìn tỷ đồng chảy vào công ty giáo dục: Ai bạo tay như shark Thủy? - 1

2 công ty giáo dục trong hệ sinh thái Apax Holding của Shark Thủy đã huy động 835 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao (Ảnh: Apax Leader).

Ngoài ra, Apax English cũng "cầm" thêm 15 triệu cổ phần công ty mẹ đang niêm yết tại HoSE là IBC của Apax Holdings - đơn vị sở hữu 66,36% vốn Apax English. Theo giá đóng cửa bình quân 30 phiên trước ngày 19/2/2021, lô cổ phần IBC tương đương 320 tỷ đồng.

Đợt phát hành thứ hai vào ngày 24/8/2021 và phải mất gần 2 tháng mới thành công. Lô có tổng 30.000 trái phiếu mệnh giá 10 triệu đồng, tương ứng huy động được 300 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu lên tới 12,5%/năm, cũng với kỳ hạn trả lãi 3 tháng/lần.

Tài sản đảm bảo cho 300 tỷ đồng trái phiếu là 13 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Igarten (Igarten) và các quyền lợi phát sinh từ số cổ phiếu này từ ngày thế chấp, được Công ty cổ phần Thẩm định và Đầu tư tài chính Hoa Sen định giá 456 tỷ đồng. Igarten cũng thuộc hệ sinh thái Apax Holdings.

Trái chủ của lô trái phiếu thứ 2 là các nhà đầu tư trong nước. Trong đó, 2 tổ chức mua 154,36 tỷ đồng, chiếm 51,45% tổng số lượng trái phiếu, còn lại gần 200 nhà đầu tư cá nhân với tổng giá trị nắm giữ 145,64 tỷ đồng, chiếm 48,55% tổng lượng trái phiếu.

Đơn vị đứng sau thu xếp cho 2 lô trái phiếu là Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

Huy động trái phiếu để trả lương giáo viên, nâng cấp sách...

Theo báo cáo kết quả sử dụng vốn và tiến độ giải ngân Apax English công bố, số tiền huy động được sau 2 lần được Apax English dùng để trả lương giáo viên, nâng cấp sách theo hợp đồng, nâng cấp chương trình học và nâng cấp vào các trung tâm vận hành từ năm 2015 đến 2017.

Theo kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2021-2023, Apax English dự kiến doanh thu năm 2021 đạt khoảng 2.586 tỷ đồng, tăng lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2022 và ước đạt khoảng 3.250 tỷ đồng vào năm 2023.

Một công ty giáo dục khác trong hệ sinh thái Apax Holdings huy động trái phiếu trong năm 2021 là Igarten. Công ty này có trụ sở chính tại Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mẫu giáo, vốn góp chủ sở hữu tính đến tháng 3 là 462 tỷ đồng. Igarten trong năm 2021 cũng phát hành 2 lô trái phiếu, tổng trị giá 335 tỷ đồng.

Lô trái phiếu đầu tiên phát hành thành công ngày 21/3/2021, có 270 trái phiếu mệnh giá 500 triệu đồng. Tổng lô trái phiếu trị giá 135 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là 4,8 triệu cổ phiếu Apax English thuộc sở hữu của Shank Thủy và các quyền, lợi ích phát sinh đến số cổ phiếu này kể từ ngày thế chấp. Công ty TNHH PwC Việt Nam định giá số cổ phần trên trị giá 240 tỷ đồng, tương ứng 50.000 đồng/cổ phần. Trái chủ là một nhà đầu tư tổ chức và 20 nhà đầu tư cá nhân.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities) và Chứng khoán An Bình (ABS) thu xếp cho lô trái phiếu này.

Đến đầu tháng 9/2021, Igarten tiếp tục phát hành thành công 20.000 trái phiếu mệnh giá 10 triệu đồng, tương ứng lô cổ phiếu có giá 200 tỷ đồng. Lô này đáo hạn năm 2024. Trái chủ là 54 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Thương vụ được thu xếp bởi Công ty cổ phần Chứng khoán Stanley Brothers và ABS. 

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu tiếp tục là 4,8 triệu cổ phiếu Apax English thuộc sở hữu của shark Thủy và các quyền, lợi ích phát sinh đến số cổ phiếu kể từ ngày thế chấp. Công ty cổ phần Thẩm định và Đầu tư tài chính Hoa Sen định giá số cổ phần này trị giá 250 tỷ đồng, tương ứng 50.083 đồng/cổ phần.

Khó đánh giá độ rủi ro

Tài sản đảm bảo đã có sự cải thiện về mặt định giá so với lần huy động trước, song theo giới phân tích, vẫn khó đánh giá về độ rủi ro. Về kết quả kinh doanh, Igarten lãi vỏn vẹn 18,4 tỷ đồng năm 2020, đến năm 2021 lỗ gần 431 triệu đồng.

Ngoài ra, theo báo cáo thị trường trái phiếu năm 2021 của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, lãi suất phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2021 là 7,94%/năm. Trong khi đó, 2 lô trái phiếu phát hành của Igarten năm 2021 đều ở mức 12,5%/năm. Còn các lô trái phiếu của Apax English cũng ở mức 12-12,5%/năm, cao hơn hẳn mặt bằng chung. Và dù có lãi suất cao, các lô trái phiếu này đều mất tới vài tháng mới có thể hoàn tất phát hành.

Theo báo cáo tình hình sử dụng vốn và tiến độ giải ngân, ở lô trái phiếu 135 tỷ đồng, Igarten dùng 35 tỷ đồng tăng quy mô vốn hoạt động, 79 tỷ đồng đầu tư vào trường học và 20 tỷ để cơ cấu các khoản nợ.

Ở lô trái phiếu 200 tỷ đồng, kế hoạch ban đầu của đơn vị phát hành là sử dụng 45 tỷ đồng tăng quy mô vốn hoạt động, 55 tỷ đồng đầu tư vào trường học và 100 tỷ đồng để cơ cấu các khoản nợ. Song thực tế đến tháng 3 vừa qua, Igarten mới sử dụng hết 77,5 tỷ đồng, còn vẫn chưa có báo cáo chi tiết về tình hình sử dụng 122 tỷ đồng. Chưa kể, cổ phần của công ty cùng hệ sinh thái, cùng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục lại được dùng như "trạm trung chuyển" để công ty còn lại làm tài sản đảm bảo.

Nghìn tỷ đồng chảy vào công ty giáo dục: Ai bạo tay như shark Thủy? - 2

Hàng nghìn tỷ đồng đang được đổ vào các công ty giáo dục thông qua kênh trái phiếu (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Thông tin từ Cục đăng ký Quốc gia giao dịch đảm bảo - Bộ Tư pháp cũng cho thấy shark Thủy nhiều lần phát sinh các khoản vay đã đem cổ phần sở hữu tại 2 công ty này làm tài sản thế chấp.

Song không phải công ty nào cũng nêu chi tiết các thông tin về lãi suất, tài sản đảm bảo, đơn vị thu xếp phát hành, mục đích sử dụng, trái chủ…

Một doanh nghiệp giáo dục khác cũng huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu là Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS (AISVN). Thông qua 2 lần huy động, công ty này thu về 500 tỷ đồng.

Cụ thể, lần huy động đầu tiên bắt đầu từ tháng 10/2021, đến tháng 12/2021. Với 2,5 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng, AISVN thu về 250 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng.

Lần huy động thứ hai bắt đầu từ tháng 1 năm nay và hoàn tất sau hơn một tháng. AISVN cũng thu về 250 tỷ đồng ở lô trái phiếu với khối lượng và mệnh giá giống lô trước. Một điểm khác là lô trái phiếu phát hành sau được tăng kỳ hạn lên 18 tháng.

AISVN được thành lập năm 2018, trụ sở tại TPHCM, ngành nghề kinh doanh chính là giáo dục tiểu học. Khi mới thành lập, công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Út Em nắm 90% vốn, ông Hồ Quang Trung nắm 9,9% và ông Hồ Quang Tri nắm 0,1%. Chỉ 2 tuần sau, vốn điều lệ tăng mạnh lên 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này không được tiết lộ. Bà Nguyễn Thị Út Em hiện là người đại diện theo pháp luật và Chủ tịch HĐQT công ty.

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục khác cũng mất 3 tháng để "gom" 2.200 tỷ đồng qua kênh trái phiếu là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang, chủ sở hữu Đại học Văn Lang.

Lô trái phiếu phát hành ngày 29/12/2021, đến 29/3/2022 mới hoàn tất phát hành. Lô này gồm 22 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 36 tháng. Tổng số tiền thu về là 2.200 tỷ đồng.

Các thông tin chi tiết về lô trái phiếu cũng không được tiết lộ. Nhưng điểm đáng chú ý là khi vừa phát hành xong, công ty liền chuyển số trái phiếu này sang cổ phiếu. Cụ thể, mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng và có quyền chuyển đổi với tỷ lệ 1:5, tương ứng một trái phiếu đổi thành 5 cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa mỗi cổ phiếu có mệnh giá 20.000 đồng.

Sau đó, từ ngày 5/5 đến 19/5 năm nay, doanh nghiệp này trải qua 2 đợt tăng vốn thêm 1.254,13 tỷ đồng, từ mức 445,07 tỷ đồng lên 1.699,2 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp có 1.699 tỷ cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng. Như vậy, các trái chủ nghiễm nhiên bị chuyển thành cổ đông với giá mua cổ phần đắt gấp đôi so với vài tháng sau đó.