1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Nghìn lẻ một chiêu” đi chợ thời giá cao, thực phẩm “lộm nhộm”

(Dân trí) - Loay hoay với giá cả leo thang, trong khi chất lượng hàng hóa, thực phẩm dường như ngày càng khó kiểm soát, nhiều người tiêu dùng đã tìm ra cho mình những “bí kíp” hiệu quả mới để đối phó với tình trạng này.

Từ cuối tháng ba, tác động của đợt điều chỉnh giá xăng dầu đã bắt đầu “ngấm” khiến giá cả hàng hóa có chiều hướng rục rịch tăng. Một số mặt hàng nông sản tuy giữ giá hoặc giảm nhẹ, nhưng nhiều tiểu thương cho biết, do hiện tại nguồn cung tăng nhưng lượng cầu giảm nên không thể tăng giá bán ngay, dẫn đến tồn đọng hàng, vì vậy vẫn cố cầm cự chưa điều chỉnh giá. “Song, đây chỉ là giải pháp tình thế”, một tiểu thương ở chợ Thành Công nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề đáng ngại hơn, gây bức xúc lớn trong dư luận và người tiêu dùng là chất lượng các mặt hàng, nhất là thực phẩm, khi hiện nay thực phẩm "thật giả lẫn lộn" “ngang nhiên” cùng tồn tại trên thị trường.

“Nghìn lẻ một chiêu” đi chợ thời giá cao, thực phẩm “lộm nhộm”
Nhiều thông tin về thực phẩm "bẩn" khiến chợ truyền thống đang dần mất khách. (Ảnh minh họa: Internet)

Liên tiếp những thông tin về thực phẩm độc hại như: lợn siêu nạc, hoa quả ngâm hóa chất, trứng gà cao su, bột “hóa phép” thịt ôi thành thịt tươi… bị phát hiện, khiến người tiêu dùng mệt mỏi và nhìn đâu cũng “bán tín bán nghi”. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh ấy, nhiều bà nội trợ đã tìm ra cho mình những “chiêu” mới để đối phó với bão giá mà vẫn lựa chọn được hàng hóa tốt, thực phẩm an toàn cho gia đình.

Siêu thị, chợ quê, “mua tận gốc” soán ngôi chợ truyền thống

Theo thống kê hồi tháng 2/2012, liên tục trong những năm gần đây, sức mua tại các chợ truyền thống luôn trong tình trạng năm sau giảm mạnh so với năm trước, trong khi tại hệ thống các siêu thị doanh thu luôn duy trì ở mức tăng từ 15 - 25%/năm. Thực tế cho thấy, ngoài sự tiện lợi, giá cả ổn định, các chương trình khuyến mãi và bình ổn giá dày đặc tại các siêu thị rõ ràng là những thế mạnh thu hút người tiêu dùng.

Chị Đặng Thanh Ngà (Lò Đúc, Hà Nội) chia sẻ, dạo gần đây chị đã bắt đầu đi siêu thị mua thực phẩm, bởi chị thấy “các chợ dân sinh và chợ cóc quanh khu vực này đua nhau tăng giá, có nơi còn cao ngang hoặc vênh hơn một vài giá so với mua trong siêu thị”.

“Phần khác, do thực phẩm ở nhiều chợ loại này không được kiểm định nên chất lượng rất lộm nhộm. Đằng nào mình cũng phải mua nhiều thực phẩm tươi sống về để tủ lạnh dùng dần, nên mua trong siêu thị cho đảm bảo, giá không cao hơn, còn dịch vụ thì hơn hẳn”, chị Ngà nói.

Đồng tình với ý kiến các chợ cóc hiện nay đua nhau “té nước theo mưa”, tăng giá không có kiểm soát, chị Nguyễn Thanh Tâm (một bà nội trợ ở phố Bạch Mai, Hà Nội) đã lựa chọn hình thức mua thực phẩm “tận gốc”. Được một người quen mách vào tận vườn và đầm ở Thanh Trì để mua rau sạch, gia cầm sạch, cá tươi…, chị và nhiều người bạn của mình hiện rất hứng thú về ngoại thành vào mỗi dịp cuối tuần để “vừa đi chơi, vừa đi chợ”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện và thời gian như chị Tâm. Nhiều người tiêu dùng khác đang duy trì một thói quen thịnh hành: đó là sử dụng thực phẩm “cây nhà lá vườn”. Họ tự trồng rau mầm hay một vài loại rau củ đơn giản trên sân thượng nhà mình và tính toán đủ để dùng trước khi lứa tiếp theo đến ngày thu hoạch. 

Bên cạnh đó, một nhóm người tiêu dùng khác cũng rất ít đi chợ, đó là những người được người thân ở quê gửi thực phẩm “nhà trồng” ra.

“Nghìn lẻ một chiêu” đi chợ thời giá cao, thực phẩm “lộm nhộm”
Người tiêu dùng có xu hướng mua thực phẩm tại các siêu thị, đến thu mua tận gốc và sử dụng thực phẩm sạch từ quê gửi ra.

Gia đình anh Nguyễn Thành Văn (Pháp Vân, Hà Nội) tuần nào cũng được người nhà ở Hà Tĩnh gửi ra từ gạo, rau, gà, vịt, thịt bò, thịt lợn đến từng quả chanh, quả trứng, đồ khô… Anh tâm sự: “Nhà tôi sẽ đón một bé trai vào cuối năm nay. Để bé khỏe mạnh và thông minh thì dinh dưỡng cho mẹ lúc này rất quan trọng. Với tình trạng thực phẩm như bây giờ, chúng tôi quả thực chỉ dám ăn đồ người nhà gửi lên; ăn hàng cũng hạn chế hơn, vừa đỡ sợ, lại tiết kiệm”.

Vẫn biết, chợ thành phố không thiếu thứ gì, song để tiết kiệm chi tiêu và vẫn chọn được thực phẩm sạch, hiện nay ngày càng nhiều người áp dụng những “sáng kiến” trên bởi chúng được cho là những phương án hiệu quả nhất để đối phó với tình hình.

Đi chợ trên mạng: Một thói quen mới!

Hình thành lẻ tẻ cách đây một vài năm nhưng phải đến thời điểm hiện tại, các chợ bán nông sản, thực phẩm từ gia súc, gia cầm thương hiệu “quê” mới thực sự hoạt động nhộn nhịp. Trên một số trang diễn đàn (người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm được bằng công cụ tìm kiếm Google), những chuyên mục thực phẩm mà cụ thể là những topic mua bán thực phẩm quê luôn đông vui nhộn nhịp và khá “đắt khách”.

Người mua hàng chủ yếu cũng là các chị em văn phòng ít thời gian đi chợ, chỉ cần vào mạng là có thể chọn, đặt mua và được giao hàng. Tuy chỉ là hình thức mua bán trên mạng nhưng các mặt hàng ở đây cũng rất đa dạng và phong phú, bao gồm hết thảy đặc sản các vùng miền, với chất lượng và dịch vụ khá dễ chịu.

Ngoài ra, ở Việt Nam hơn một năm qua còn xuất hiện loại hình “mua sắm cộng đồng”, tức là nhiều người cùng mua một sản phẩm từ trang một web trung gian để được giảm giá từ 20-100% giá trị sản phẩm. Hình thức này đến nay đang được rất nhiều người ưa chuộng. Xét trên góc độ bữa ăn nhà hàng thời bão giá, nếu người mua lựa chọn được những coupon của những địa chỉ uy tín, họ sẽ có được những bữa ăn có chi phí tiết kiệm hơn khá nhiều.

Tuy nhiên, phải khẳng định ngay rằng, mặc dù đang trở thành một thói quen mới trong một bộ phận người tiêu dùng hiện đại, nhưng hình thức đi chợ này cũng chưa hề có trong tay một tấm “căn cước” đảm bảo nào. Chất lượng các thực phẩm ra sao, chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc kiểm tra, quản lý.

Sẽ cần thêm thời gian để có thể đưa hình thức kinh doanh này vào khuôn khổ. Song với sự mới mẻ và niềm tin mà nhà cung cấp tạo dựng được, đây vẫn là một lựa chọn tiềm năng của bà nội trợ để tiết kiệm chi phí thời bão giá và có được bữa ăn ngon cho gia đình.

Thu Thủy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm