Nghịch lý: Thịt ngoại mất công nhập vẫn rẻ hơn thịt nội

(Dân trí) - Giá thành 1kg thịt bò Úc sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch, nuôi tân đáo, giết mổ, lãi vay ngân hàng… là khoảng 170.000 đồng – 180.000đồng/kg, trong khi đó bò thịt nuôi tại Việt Nam giá không thấp hơn 200.000đồng/kg.

Nghịch lý: Thịt ngoại mất công nhập vẫn rẻ hơn thịt nội
Thịt nhập ngoại được bày bán rộng rãi trên thị trường và ngày càng có mặt nhiều trên bàn ăn của người tiêu dùng Việt.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo điều tra của Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ thấp hơn 25 - 30% so với ở Việt Nam, giá thành 1kg thịt bò Úc (nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ) sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch, nuôi tân đáo, giết mổ, lãi vay ngân hàng… là khoảng 170.000 đồng – 180.000đồng/kg, trong khi đó bò thịt nuôi tại Việt Nam giá không thấp hơn 200.000đồng/kg, nhưng chất lượng thịt lại không bằng thịt bò Úc.

Trên thực tế, tại các siêu thị và cửa hàng, nhiều loại thịt ngoại hiện có giá khá cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn nhiều so với thịt nội.

Như tại siêu thị Big C, thịt ba chỉ bò Mỹ bán với giá 120.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với thịt nội cùng loại từ 30.000 - 60.000 đồng/kg. Một số loại như thịt gà thấp hơn từ 10.000-20.000 đồng so với thịt gà công nghiệp Việt Nam và nhiều khi chỉ bằng một nửa giá so với loại gà ta.

Tại các siêu thị như Co.opmart, Metro, Fivimart, giá các loại thịt bò Úc được bán với giá cao hơn thịt bò nội chưa tới 20.000 đồng/kg, một số loại như gầu, thịt rọi có giá ngang ngửa, hoặc thấp hơn. Hay tại các trang web bán thịt nhập ngoại, loại thịt bắp bò Úc chỉ có giá 250.000 đồng/kg, thấp hơn so với bắp bò Việt. 

Chị Nguyễn Thị Tâm (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Do lo ngại thịt lợn sề giả bò tại các chợ cóc, rồi không đảm bảo vệ sinh, an toàn nên nhà tôi vẫn thường mua thịt bò nhập về để xào, kho hay làm món nướng. Ban đầu không thích lắm nhưng dần dần ăn cũng quen. Thêm đó, thịt bò ngoại giá cũng khá hợp lý và tiện chế biến nhiều món hơn do được nhà phân phối sơ chế, rồi phân chia rõ ràng từng loại một”. 

Lý giải nguyên nhân, TS Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho hay, chăn nuôi nước ta đa phần mang tính nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao, năng suất lao động thấp, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu, qua nhiều khâu trung gian và lãi suất ngân hàng quá cao… làm cho giá thành chăn nuôi ở nước ta cao, khả năng cạnh tranh thấp.

Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cũng thừa nhận, Việt Nam nhập nhiều thịt không phải do chăn nuôi trong nước không đáp ứng được mà do giá thịt ngoại cạnh tranh hơn. Ước tính trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 400 triệu USD thịt các loại, trong đó có tới 250 triệu USD nhập khẩu bò sống về thịt với 200 triệu USD nhập khẩu từ Úc và 50 triệu USD từ các nước còn lại.

"Sản phẩm chăn nuôi trong nước đang bị cạnh tranh bởi những sản phẩm chăn nuôi được nhập khẩu nhiều, tăng dần trong những năm vừa qua. Mặc dù hiện tại người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang có thói quen sử dụng thịt nóng, tuy nhiên đây chỉ là vấn đề thời gian. Ngày càng có nhiều người mua thịt đông lạnh nhập khẩu, bà Trần Thị Thanh Tâm - Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) đánh giá.

Dưới góc độ một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, Kỹ sư Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng: "Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận suốt đời nhập thịt bò, sữa bò trong khi gạo ế, giá xuất khẩu thấp, đường không cạnh tranh được, dưa hấu chở lên biên giới Việt - Trung đổ đi…. mà để thiếu thịt đỏ nghiêm trọng, phải nhập bò sống về giết mổ”.

“Đây là trách nhiệm tổ chức sản xuất, bố trí quỹ đất chưa hợp lý. Không lẽ hàng năm cứ chi hàng tỷ đô la nhập thịt bò, thịt gà, nội tạng về tiêu thụ nội địa mãi mãi. Nếu tái cơ cấu ngành chăn nuôi không xác định đúng hướng và tổ chức đầu tư sản xuất chăn nuôi không hợp lý, không quyết liệt chỉ đạo, ngành chăn nuôi sẽ gặp bế tắc và việc tiếp tục ăn thịt, ăn trứng, uống sữa nước ngoài là việc khó tránh khỏi”, ông Lịch nói.

 Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”