Thịt ngoại “chiếm” thị trường nội

Trong khi dưa hấu, hành tím phải cậy tới lòng hảo tâm của người tiêu dùng nội thì ngay tại các siêu thị, chợ cóc, hàng ngoại nhập được bán tràn lan. Đến cả tim, pín, lưỡi bò; tăm bông; dầu gội ngoại... cũng lấn lướt “sân nhà”.

Thịt ngoại được
nhiều người tiêu dùng nội lựa chọn. Ảnh: Như Ý.
Thịt ngoại được nhiều người tiêu dùng nội lựa chọn. Ảnh: Như Ý.

Nhập từ tim, pín đến lưỡi bò

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Big C Thăng Long (Cầu Giấy), Fivimart (Nam Từ Liêm), Metro Thăng Long (Nam Từ Liêm), Lotte mart (Ba Đình), Co.op.mart (Hà Đông)...có thể thấy nhiều loại thịt bò, gà… nhập khẩu bày bán tràn lan. Chị Lê Thuý Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị thường xuyên mua thịt bò Mỹ ở siêu thị, vì thịt mềm, thơm, giá chỉ cao hơn khoảng 100.000 đồng/kg so với thịt trong nước. “Có những loại như tim bò, pín, lưỡi… nhập từ nước ngoài giá còn rẻ hơn cả Việt Nam đến hàng chục nghìn đồng”, chị Vinh nói.

Tại siêu thị Big C Thăng Long, thịt bò Mỹ gồm: Bò gầu giá 460.667 đồng/kg (cao hơn thịt bò trong nước 110.000 đồng/kg); sườn bò giá 549.333 đồng/kg (cao hơn thịt bò trong nước 129.000 đồng/kg)..., đặc biệt, thịt ba rọi 115.200 đồng/kg (thấp hơn thịt bò ba rọi ta 45.000 đồng/kg).

Trong khi đó, tại siêu thị Co.op mart (Hà Đông, Hà Nội), thịt bò Úc bán với giá thấp hơn thịt bò Mỹ và cao hơn thịt bò nội 2- 5%. Cụ thể, sản phẩm nạc đùi có giá 244.000 đồng/kg (cao hơn thịt bò trong nước 16.000 đồng/kg), gầu giá 180.000 đồng/kg (cao hơn 20.000 đồng/kg thịt trong nước).

“Thịt bò Úc giá cao hơn bò nội trung bình khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng ăn miếng thịt cảm giác khác, mềm, ngon, giá trị dinh dưỡng cũng cao hơn”- chị Bích Hoa (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) nói.

Tại siêu thị Big C (Long Biên, Hà Nội) để cho khách hàng nhận thấy sự chênh lệch giá, siêu thị treo biển trên đề giá thịt ngoại, dưới đề giá thịt nội cùng loại. Cụ thể: đùi gà Mỹ giá 42.800 đồng/kg, đùi gà công nghiệp Việt Nam 53.500 đồng/kg; gà dai Hàn Quốc 58.500 đồng/kg, gà ta giá 105.000 đồng/kg... Theo các nhà nhập khẩu, sở dĩ giá thịt ngoại rẻ hơn thịt nội là do các sản phẩm như đùi gà, cánh gà, chân gà hay tim, pín, lưỡi bò… là phụ phẩm ở nước ngoài, nhưng với người tiêu dùng Việt lại thành “đặc sản”.

Nói về việc thịt bò ngoại lấn át thịt nội, Tổng giám đốc một công ty súc sản cho biết do nguồn thịt bò trong nước thiếu, nên trung bình mỗi ngày Việt Nam có nhu cầu ăn tới hơn 3.000 kg thịt bò sống nhập từ Úc.

Theo ông này, bò Việt Nam trọng lượng nhỏ, khoảng 250kg/con, sản lượng cho thịt thấp, chỉ đạt 50% sau khi giết mổ. Trong khi đó, bò Úc có trọng lượng bình quân 500kg/con, cho tỷ lệ thịt 55%. Chưa kể, hiện lượng bò trong nước chỉ khoảng hơn 4 triệu con, mỗi ngày rất nhiều bò được nhập từ Thái Lan qua biên giới, khi giết mổ, nhiều người nhầm tưởng là bò Việt Nam. Một nguy cơ nữa, có việc bơm nước vào bò khi giết mổ, gây mất an toàn thực phẩm, giảm chất lượng. Trong khi bò nhập từ Úc về được kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, giết mổ.

Còn ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho rằng, gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thịt các loại. Theo ông Vang, do bất lợi về mặt đồng cỏ, thiếu thức ăn nuôi bò, nên thịt bò ngoại lấn sân là điều khó tránh khỏi. Theo ông, tới đây, thịt gà và thịt bò trong nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ thịt nhập từ Mỹ và đặc biệt thịt bò Úc.

Chính sách chăn nuôi mơ hồ

Theo các chuyên gia, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, với ngành chăn nuôi, sẽ có nguồn thịt bò lớn từ Úc, Mỹ, Canada, Nhật, Pháp… chảy vào. Gia cầm cũng chịu sức ép từ Mỹ, Hàn Quốc, thậm chí Thái Lan… Năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 225.000 con trâu bò sống; trong đó khoảng 145.000 con bò sống, từ Úc, còn lại là từ Thái Lan.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I/2015, Việt Nam nhập khẩu trên 34.000 tấn thịt gà đông lạnh (chủ yếu là đùi, cánh, đầu và chân), tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước. Thịt đông lạnh nhập khẩu với giá rẻ (khoảng 1 USD/kg) với số lượng tăng liên tục thời gian qua, làm giá gà công nghiệp của Việt Nam giảm thấp kể từ đầu năm đến nay. Các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng, việc tạm dừng nhập thịt gà từ Mỹ do dịch cúm gia cầm, chỉ trong thời hạn nhất định. Hết dịch, thịt gà Mỹ lại “chảy” về Việt Nam nhiều hơn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, ở Mỹ thịt lợn xẻ chỉ khoảng 1 USD/kg, còn thịt gà, họ chỉ lấy ức, cổ cánh, đùi… được xem là phụ phẩm, nhập về giá rất rẻ. Theo ông Chinh, năm ngoái, lượng thịt nhập chỉ chiếm khoảng 3% tổng lượng thịt tiêu thụ trong nước.

Còn ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan cho rằng, thịt heo (thịt lợn), sản lượng heo đủ cung cấp cho nội địa, nhưng giá của Việt Nam cao hơn khu vực châu Á khoảng 25%; hơn châu Âu, bắc Mỹ là 30%. Đây là một nguy cơ rất lớn, khi chúng ta ký kết các hiệp định thương mại, thịt nhập khẩu sẽ tăng lên so với sản xuất. Ông Mười cũng cảnh báo, thịt gia cầm sẽ ảnh hưởng nặng hơn so với ngành nuôi heo.

Theo ông Mười, ngành chăn nuôi làm sao để sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, tạo sản phẩm an toàn về dịch bệnh, vừa tiêu thụ nội địa vừa xuất khẩu được, còn hiện nay xuất khẩu không được. “Tuy nhiên, các chính sách cho chăn nuôi chúng ta còn mơ hồ. Cấp trung ương ra các chính sách, nhưng thực tế địa phương mỗi nơi làm một kiểu, không kiểm soát được”- ông Mười nói.  

Hàng Nhật, Thái len mọi ngõ ngách

Theo khảo sát của Tiền Phong, nhiều cửa hàng tiêu dùng Thái Lan, Nhật Bản… đang ngày càng “nở rộ” trên các tuyến phố Hà Nội. Tại cửa hàng tiêu dùng Thái Lan ở phố Tây Sơn, cả 3 tầng nhà phủ kín hàng hóa, từ mỹ phẩm (son môi, phấn, kem dưỡng, kem nền, sữa rửa mặt); dầu gội đầu, dầu xả tóc, sữa tắm; bàn chải đánh răng, kem đánh răng, bánh kẹo; rổ rá, dao kéo, nồi niêu, chổi lau nhà… Nhiều hàng thiết yếu khác như tăm bông, xà bông đến mặt hàng văn phòng phẩm như bút màu, bút bi, bút chì đều được bày bán.

Anh Nguyễn Văn Hải, chủ một cửa hàng tiêu dùng Thái Lan trên phố Nguyễn Lương Bằng cho biết, trung bình mỗi ngày cửa hàng của anh có cả trăm khách đến mua hàng.  

Quỳnh Nga

 Theo Phạm Anh - Ngọc Mai
Tiền Phong

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”