Nghịch lý: Nông sản lo “ế” đầu ra, dân vẫn phải dùng “hàng rởm”!

(Dân trí) - “Chúng ta không thể chấp nhận việc người tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục tiêu thụ những sản phẩm rau quả hạng hai với các sản phẩm không đủ quy cách, phẩm chất”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: Bloomberg).
Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: Bloomberg).

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tiêu thụ trái cây và các mặt hàng nông sản giữa Hà Nội và tHải Dương ngày 5/6 tại Hà Nội, ông Trần Tuấn Anh nói: “Đã tới lúc chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng, không thể để cho người tiêu dùng Việt Nam ăn những trái vải hay những sản phẩm rau quả trái cây với hàm lượng, dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật cao hơn những sản phẩm dành cho xuất khẩu”.

Trên thực tế rõ ràng đang tồn tại một nghịch lý ở mặt hàng rau quả, trái cây của Việt Nam khi nông dân quanh năm lo “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa”, nơm nớp hàng tồn vì không có đầu ra và thường xuyên bị thương lái ép giá; tuy nhiên, người tiêu dùng trong nước lại phải vất vả “săn lùng” hàng sạch, hàng chất lượng. Những mặt hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tràn lan từ chợ, len lỏi vào cả siêu thị.

Theo nhận định của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, hội nhập đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều con đường rộng lớn để Việt Nam tiêu thụ nông sản, tiêu thụ rau quả trái cây, nhưng đồng thời Việt Nam cũng đang chứng kiến những áp lực lớn trong cạnh tranh ngay cả ở thị trường nội địa đối với những sản phẩm vốn là thế mạnh, trong đó có trái vải nói riêng và rau quả trái cây nói chung. 

Chính vì vậy, những bất cập còn tồn tại trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đòi hỏi phải sự phối hợp giải quyết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân quyết liệt hơn nữa. Các vấn đề liên quan đến tiêu thụ sản phẩm nông sản có tính mùa vụ để làm sao đảm bảo được lợi ích của người nông dân, lợi ích của doanh nghiệp và đồng thời đáp ứng được yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng cũng đang là vấn đề lớn đặt ra cho cả chính quyền, cơ quan quản lý cũng như người nông dân và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Mậu, Giám đốc Công ty chế biến và xuất khẩu nông sản Thanh Hà cho biết, vải thiều Thanh Hà là sản phẩm được nhiều thị trường không chỉ trong nước mà ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin từ các thị trường này cũng đã “gây khó” cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, bà Mậu mong muốn sẽ được Bộ Công Thương, cụ thể là Thương vụ Việt Nam tại các nước tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu sản phẩm.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, thời gian tới, cơ quan này sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ chú trọng nghiên cứu các thông tin về thị trường và cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời cho các doanh nghiệp, cũng như cho các cơ quan quản lý của các địa phương để có sự điều chỉnh chính sách cũng như tổ chức thực hiện kịp thời.

Mục tiêu là giúp các địa phương chủ động xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt hướng tới các mặt hàng rau quả trái cây và các mặt hàng nông sản, nhất là trái vải, đảm bảo tiêu thụ bền vững trong các năm sắp tới.

Việc lo đầu ra cho nông sản giúp nông dân thời gian gần đây liên tục được các cơ quan chức năng chú trọng, hàng loạt các cuộc tiếp xúc giữa chính quyền các địa phương và doanh nghiệp được thiết lập nhằm quảng báo, mở rộng thị trường nội địa cho sản phẩm. 

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vừa rồi, Quốc hội đã đề cập đến thực trạng sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm... gây thiệt hại và bức xúc cho người dân. Đồng thời yêu cầu Chính phủ cần có những biện pháp cụ thể tháo gỡ. 

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”