1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nghịch lý lãi suất

Lạm phát từ đầu năm đến nay tăng chưa tới 1% nhưng lãi suất không hề giảm, các doanh nghiệp đang phải vay vốn với chi phí cao

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước và đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm có mức CPI âm. Như vậy, từ đầu năm đến nay, lạm phát chỉ tăng 0,4% và tăng 0,74% so với cùng kỳ.

Gánh nặng chi phí, khó cạnh tranh

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng lạm phát chưa bao giờ ở mức thấp như hiện nay. Dự báo lạm phát cả năm cũng chỉ xoay quanh 2%. Nhưng, lãi suất ngân hàng lại đang quá cao, các doanh nghiệp (DN) vẫn phải vay từ 7-8%/năm thậm chí có một số khoản vay lãi suất lên tới 10-12%/năm khiến gánh nặng tài chính không nhỏ.

“Một số chuyên gia nói lãi suất giữ được ở mức này đã là rất tốt nhưng tôi vẫn kỳ vọng có thể hạ thêm nhằm giúp DN bớt gánh nặng chi phí vì nếu tính ra lãi suất thực (lãi suất cho vay bình quân - lạm phát) ở mức 5%/năm như hiện nay là quá cao” - ông Lộc phân tích.

Rất nhiều DN chia sẻ mục tiêu của năm nay chỉ là hoạt động để nuôi công nhân, duy trì thị phần, không bị lỗ và cầm cự chờ cơ hội chứ không hướng đến lợi nhuận. Chưa kể, khi chi phí lãi vay vẫn lớn, DN “không có cửa” cạnh tranh với nước ngoài thời hội nhập, không ít DN đã lắc đầu ngao ngán. Nếu so với vài năm trước, mức lãi suất đã giảm nhiều nhưng rất khó cho DN nếu đặt trong bối cảnh cạnh tranh với các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… chỉ vay vốn với lãi suất từ 2-3%/năm.


Lạm phát giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Tấn Thạnh

Lạm phát giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Tấn Thạnh

“Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành chính thức từ cuối năm nay, hàng hóa các nước Đông Nam Á tràn vào Việt Nam mà không còn vướng rào cản nào về thuế suất. Với DN xuất khẩu, chúng tôi cũng đang phải cạnh tranh gay gắt ở các thị trường khi nhu cầu sụt giảm, buộc phải tính toán lại giá thành nhưng với mức lãi suất như hiện nay thì rất khó” - ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may quốc tế Thắng Lợi, băn khoăn.

Còn nhớ vào thời điểm năm 2010-2012, khi lạm phát ở mức cao, một số DN phải vay với lãi suất hơn 20%/năm. Khi lạm phát được kiểm soát, rất nhiều DN kiến nghị giảm lãi suất các khoản vay cũ để hỗ trợ bớt gánh nặng chi phí tài chính nhưng không ít ngân hàng (NH) lập luận phải có độ trễ hoặc lạm phát vẫn còn ở mức rất cao. Nay lạm phát đang thấp nhất trong nhiều năm, lãi suất vẫn giảm chậm. Lãnh đạo nhiều NH lý giải lạm phát chỉ là một yếu tố trong bài toán hạ lãi suất.

Tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM cho rằng giảm lãi suất cho vay phải nhìn vào lãi suất huy động. Hiện lãi suất tiền gửi các kỳ hạn phổ biến từ 4-7%/năm là khá hợp lý và rất khó giảm thêm.

“Nếu lãi suất huy động quá thấp, dòng vốn tiết kiệm vào NH có thể dịch chuyển qua các kênh khác, mua vàng, USD hoặc chứng khoán, bất động sản… Khi dòng tiền gửi bị thiếu hụt buộc NH phải tăng lãi suất để huy động để hút vốn, đây là một bài toán khó” - vị tổng giám đốc này phân trần.

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn khác lại cho rằng một rào cản khác cũng khiến lãi suất huy động khó giảm sâu, là thói quen và tâm lý người gửi tiền ở Việt Nam luôn thích lãi suất tiết kiệm cao và thực dương. Chỉ cần thấy gửi tiền vào NH lãi suất không đủ hấp dẫn là khách hàng sẵn sàng tìm kênh khác, nên mỗi NH đều phải cân nhắc.

Làn sóng tăng lãi suất?

Trong một diễn biến khác, hàng loạt NH thương mại cổ phần vừa thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng tăng nhẹ từ 0,1-0,2%/năm. Tại NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), biểu lãi suất huy động mới nhất vừa được áp dụng từ ngày 1/10, với một số kỳ hạn tăng thêm 0,1-0,2%/năm. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6, 7 tháng tại Sacombank là 5,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,3%/năm...

Quyền Tổng Giám đốc NH TMCP An Bình (ABBANK), ông Cù Anh Tuấn, thừa nhận có hiện tượng tăng lãi suất ở một số NH nhưng chưa hẳn tạo thành làn sóng. Phía ABBANK cũng điều chỉnh nhưng chủ yếu là cơ cấu lại nguồn vốn ở các kỳ hạn, khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài hơn.

“Với một số NH, có thể trước đây họ để trạng thái tiền gửi USD âm do tỉ giá ổn định nhưng từ tháng 8 đến nay, tỉ giá được điều chỉnh tăng và biến động mạnh buộc những NH này phải dùng tiền đồng mua lại USD nhằm cân bằng trạng thái. Lúc này, tiền đồng trong NH sẽ bị thiếu hụt tạm thời nên phải tăng lãi suất để huy động bù đắp vào” - ông Tuấn lý giải.

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM cho biết trong 2 tháng qua, tình hình huy động vốn bằng VNĐ có chững lại, trong khi nhu cầu vay vốn từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ tăng cao. Thời điểm tháng 8, khi tỉ giá USD/VNĐ biến động do tác động từ đồng nhân dân tệ giảm giá, dòng tiền trong các NH thương mại đã có sự dịch chuyển khá mạnh từ VNĐ sang USD. Tiền gửi bằng ngoại tệ tăng đột biến, nhu cầu USD trên thị trường tăng cao buộc NH Nhà nước phải bán ngoại tệ can thiệp, điều này một phần làm VNĐ thêm thiếu hụt trên thị trường, thúc đẩy một số NH điều chỉnh nhích nhẹ lãi suất huy động.

Mức điều chỉnh nhích nhẹ lãi suất huy động sẽ không ảnh hưởng đến việc tăng lãi suất cho vay nhưng lãnh đạo nhiều NH thừa nhận lãi suất cho vay cũng rất khó để giảm thêm trong thời gian tới. Bởi còn phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe, tình hình tài chính và các dự án khả thi của DN. Với một DN minh bạch về tài chính, như các DN trên sàn niêm yết bao giờ cũng được NH đánh giá tốt hơn và được vay với lãi suất thấp hơn. “Việc DN hưởng lãi suất vay bao nhiêu phụ thuộc vào năng lực quản trị, rủi ro dự án bởi trên thực tế chúng tôi sẵn sàng cho vay mức 6%-7%/năm với những khách hàng tốt và có những DN sẽ phải vay lãi suất 9%-10%/năm, tùy thuộc vào kỳ hạn và chất lượng tín dụng” - ông Cù Anh Tuấn lý giải.

Đặt trong bài toán “ứng phó tỉ giá”

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, dư địa giảm lãi suất có nhưng lãi suất lại đang bị “trói buộc” bởi chính sách tỉ giá. Giảm lãi suất đồng nghĩa với việc NH Nhà nước bơm thêm tiền ra nền kinh tế sẽ làm tiền đồng thêm áp lực mất giá. Nên thận trọng trong bối cảnh này, nhằm ứng phó với biến động tỉ giá cũng là dễ hiểu. Bởi thực tế, dù NH Nhà nước cam kết không điều chỉnh tăng tỉ giá đến cuối năm nay và những tháng đầu năm 2016 nhưng áp lực tỉ giá vẫn rất lớn (nhất là những diễn biến trên thị trường quốc tế rất khó đoán định - yếu tố Mỹ tăng lãi suất hoặc chính sách tiền tệ của Trung Quốc).

Trong khi đó, nền kinh tế đang phục hồi, cầu tiêu dùng và cầu đầu tư tăng trở lại, các chỉ số sản xuất công nghiệp đều cải thiện tốt khiến nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp và người dân để chi tiêu đang tăng dần. Lãi suất vì vậy cũng khó giảm thêm. Một yếu tố khác phải đề cập, chính sách tài khóa cũng đang tiếp tục gây sức ép lên lãi suất: thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tăng càng cao. Nếu ngân sách thâm hụt sẽ phải đi vay. Một lượng vốn nhất định trong nền kinh tế nếu phải san sẻ cho cả khu vực nhà nước, vô hình trung sẽ “cạnh tranh” với khu vực tư nhân, khi đó DN khó vay được lãi suất thấp. Do đó, chính sách tài khóa nếu không thắt lưng buộc bụng càng khó cho bài toán lãi suất.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, sau những ngày đầu giảm lãi suất tiền gửi USD về gần 0% đã có sự dịch chuyển từ tiền gửi từ USD sang VNĐ. Các DN đã bán ngoại tệ cho NH thương mại và giảm tình trạng găm giữ USD với kỳ vọng điều chỉnh tăng tỉ giá. Khi giảm lãi suất tiết kiệm USD sẽ tạo ra sự chênh lệch đáng kể giữa lãi suất huy động VNĐ và USD, các NH thương mại có điều kiện huy động tiền đồng nhiều hơn đáp ứng vốn cho nhu cầu cuối năm. Đây cũng là cơ hội để kéo giảm lãi suất huy động xuống, từ đó có điều kiện hạ thêm lãi suất cho vay.

Linh Anh

 

Theo Thái phương
Người Lao động

Nghịch lý lãi suất - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm