Ngày nhận cả chục lượt nhờ đổi tiền mới, nhân viên ngân hàng than áp lực

Trúc Ly

(Dân trí) - Một số nhân viên ngân hàng cho hay cảm thấy áp lực những ngày cận Tết khi bị nhờ đổi tiền quá nhiều. Trong khi đó, mỗi nhân viên ngân hàng chỉ được phép đổi một khoản tiền nhất định.

Tuấn Dũng - nhân viên một ngân hàng lớn ở Hà Nội - kể những ngày gần Tết, anh không muốn đăng nhập vào mạng xã hội vì luôn có hàng chục tin nhắn với cùng một nội dung: "Đổi giúp vài cọc tiền mới".

"Nhiều người họ mặc định cứ nhân viên ngân hàng là có sẵn rất nhiều tiền mới chỉ chờ để đổi. Họ không biết cái gì cũng có suất, có giới hạn", Dũng nói.

Tuấn Dũng nói thông thường, mỗi nhân viên ngân hàng được phép đổi một khoản tiền mới nhất định vào dịp Tết (thường là 30 triệu đồng). Chức vụ ở ngân hàng càng cao, hạn mức càng lớn. Dũng kể thường dùng hạn mức của bản thân để đổi giúp gia đình và một vài người bạn thân thiết không lấy phí.

Do vậy, với những người bạn xã giao hoặc thậm chí chỉ biết nhau thông qua mạng xã hội thì anh không thể giúp đổi tiền. 

Ngày nhận cả chục lượt nhờ đổi tiền mới, nhân viên ngân hàng than áp lực - 1

Nhân viên ngân hàng bị áp lực chuyện đổi tiền mới mỗi dịp Tết đến (Ảnh: Lê Thùy).

Chưa hết, có những người là bạn không quá thân nhưng không ngần ngại "tag" (gắn thẻ bài viết - PV) anh vào những bài viết có nội dung về đổi tiền dù từ trước đến nay, anh chưa từng quảng cáo về dịch vụ này. Có chăng người bạn này cho rằng cứ là nhân viên ngân hàng là sẽ có tiền mới để đổi vào dịp Tết. 

"Tiền bạc là thứ tế nhị, vận chuyển cũng khó. Nhân viên ngân hàng không phải nguồn cung cấp tiền mới nên mong mọi người thông cảm", Dũng bày tỏ.

Đồng tình cảnh với Tuấn Dũng, Tú Anh cho biết cô cảm thấy khá mệt mỏi vì nhiều người nhắn tin nhờ cô đổi tiền giúp mặc dù cô không phải nhân viên ngân hàng.

"Chồng tôi là trưởng phòng ở một ngân hàng cũng không lớn nhưng nhiều người biết vậy, cứ nhắn tin nhờ đổi tiền. Từ chối thì ngại, không từ chối thì lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để đổi", Tú Anh chia sẻ.

Cô nói thêm nếu có làm dịch vụ đổi tiền, các nhân viên ngân hàng đều kín kẽ, không muốn đồng nghiệp biết vì việc này vốn dĩ không được ủng hộ.

Chưa kể, có nhiều người đổi lượng tiền vượt quá nhu cầu của bản thân với mục đích "ăn chênh". Theo lời Tú Anh, năm ngoái, hàng xóm của cô nhờ đổi miễn phí 5 thếp tiền mệnh giá 50.000 đồng. Ngay sau đó, người này đăng ảnh tiền mới lên mạng xã hội với nội dung: "Còn thừa 2 thếp, phí đổi 10%, ai có nhu cầu nhắn tin". 

Những ngày giáp Tết, nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ tăng cao. Nhiều đơn vị kinh doanh thu mức phí rất cao, từ 5% đến 15% đối với những người có nhu cầu đổi tiền mới, tương đương đổi 1 triệu đồng mất phí 50.000-150.000 đồng.

Mới đây, trên báo Dân trí, ông Lưu Đình Long - nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ - đưa ra quan điểm về việc đổi tiền mới, tiền cũ. Theo ông Long, mừng tuổi đầu năm là phong tục lâu đời, và tâm lý cả người mừng tuổi lẫn người được mừng đều muốn trong bao lì xì là tờ tiền mới. Nhưng có lẽ đây cũng không phải là điều gì quá cứng nhắc.

"Từ hồi nhỏ đến nay đã ở tuổi trung niên, mỗi sáng mùng một Tết tôi đều nhận bao đỏ lì xì và lời chúc của má. Đó luôn là giây phút tôi cảm thấy vui và hạnh phúc nhất trong ngày đầu năm", ông Long nói. 

Tuy vậy, ông cho rằng niềm vui không chỉ ở chỗ trong bao lì xì đó là bao nhiêu tiền, tiền có mới không mà là ở chỗ: "Mình vẫn còn may mắn xiết bao, vẫn còn có má, má vẫn khỏe để sáng sớm đầu năm dậy thắp nhang bàn Phật, thay nước bàn thờ ông bà rồi ra lì xì cho con cháu".

"Thực sự, một tờ tiền mới, nhiều tờ tiền mệnh giá cao trong bao lì xì không bắt đầu bằng sự vô tư, hoan hỉ thì chắc chắn không tạo ra được năng lượng tích cực hay giá trị thiện lành nào", nhà báo Lưu Đình Long bày tỏ.

Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không có chủ trương in thêm tiền mới, tiền lẻ vào dịp Tết Nguyên đán. Việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm tương đối.