1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

ĐBSCL:

Ngành tôm khó trong tiếp cận công nghệ mới và nguồn tài chính hỗ trợ

(Dân trí) - Mặc dù ngành tôm đang mang lại sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân, góp phần phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, song các doanh nghiệp tôm tại đây đang gặp khó trong tiếp cận công nghệ mới và nguồn tài chính hỗ trợ.

Ngành tôm gặp khó trong tiếp cận công nghệ mới và nguồn tài chính hỗ trợ
Ngành tôm gặp khó trong tiếp cận công nghệ mới và nguồn tài chính hỗ trợ

Ngày 13/6, tại Cần Thơ diễn ra hội thảo “Giải pháp công nghệ và tài chính trong nuôi trồng, chế biến tôm”. Tại đây có nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó trong tiếp cận công nghệ mới và nguồn tài chính hỗ trợ.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Cần Thơ, ngành tôm Việt Nam đã cung cấp sinh kế cho hơn 1 triệu người và cải thiện thu nhập cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngành nuôi trồng và sản xuất tôm là một trong những ngành sản xuất chính mang lại sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân, đồng thời góp phần phát triển nền kinh kế của khu vực. Tuy nhiên, hiện sự bùng nổ của ngành nuôi công nghiệp nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã kéo theo nhiều tác động xấu về môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, để hội nhập kinh tế quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh, thì quy trình sản xuất, nuôi tôm cũng đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc. Trong đó, công nghệ tiên tiến, hiệu quả năng lượng góp phần quan trọng cho việc kinh doanh và bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, hạn chế nguồn tài chính cũng là một rào cản để mở rộng sản xuất của các nhà sản xuất nhỏ trên địa bàn các tỉnh trong khu vực.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho biết: “Để hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng cải tiến quy trình, công nghệ và nâng cao năng suất sản xuất. Điều đó không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng lợi nhuận mà còn giảm tác hại cho môi trường, tăng uy tín và lợi thế cạnh tranh".

Tuy nhiên, ông Tước cũng cho biết, theo khảo sát của chúng tôi, sự hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và thiếu nguồn tài chính hỗ trợ là 2 rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải. Vì vậy, chúng tôi tổ chức hội thảo này với mong muốn giúp cho doanh nghiệp tại ĐBSCL từng bước tháo gỡ những rào cản đó, đưa ngành nuôi trồng, chế biến tôm ngày càng phát triển bền vững hơn”.

Khánh An