1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vật tư nông nghiệp trôi nổi, kém chất lượng "len lỏi" vào các vùng nuôi tôm

(Dân trí) - “Tình hình lạm dụng thuốc kháng sinh, nguyên liệu kháng sinh và kháng sinh cấm là khá phổ biến. Gần đây nhất, Thanh tra Bộ liên liếp phát hiện các công ty sử dụng hóa chất công nghiệp để làm các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại”.

Đây là một trong những nội dung mà báo cáo của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cảnh báo tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tổ chức mới đây tại tỉnh Cà Mau.

Qua phản ánh của một số địa phương, tình trạng len lỏi tiếp thị các sản phẩm vật tư nông nghiệp (VTNN) chưa được chứng nhận, sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra ở một số nơi gây khó khăn cho công tác quản lý, nguy cơ cao cho người nuôi, ảnh hưởng đến chất lượng, tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm của các địa phương.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. (Ảnh minh họa)
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, trong năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều cuộc tranh tra, kiểm tra đột xuất, trong đó đối tượng chủ yếu là các công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Qua thanh tra, đã phát hiện 30 công ty vi phạm, tiến hành xử phạt trên 1,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng đã đề nghị Tổng cục Thủy sản rút chứng chỉ hành nghề đối với 1 công ty; Cục Thú y rút giấy phép, đình chỉ hoạt động nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu kháng sinh đối với 6 công ty; đình chỉ hoạt động nhập khẩu hóa chất đối với 2 công ty và chuyển hồ sơ vi phạm của 200 đại lý VTNN, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, các công ty sản xuất VTNN nhỏ lẻ để các địa phương xử lý.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, hiện nay, có nhiều chủng loại sản phẩm VTNN mà các đơn vị chức năng không thể thống kê và kiểm soát được, như hàng hóa chưa có đăng ký vẫn lưu hành trên thị trường làm cho người dân không xác định được chất lượng, dễ bị ngộ nhận giữa hàng có chất lượng và kém chất lượng. Ngoài ra, còn có không ít sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc được tiếp thị đến tận đầm nuôi tôm để bán với giá rẻ và có nhiều ưu đãi như cho trả nợ chậm, tặng khuyến mãi,… trong khi nhiều hộ dân do thiếu thông tin, không am hiểu kỹ thuật, cả tin nên một số hộ dân gặp nhiều thiệt hại.

“Như trong cuộc thanh tra trên diện rộng vào năm 2014, ngành chức năng lấy kiểm định 910 mẫu vật tư nông nghiệp thì có đến 207 mẫu không đạt chất lượng. Ngành còn phát hiện trên 500 cơ sở vi phạm về hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hết hạn sử dụng, không có trong danh mục được phép sản xuất,… và đã tiến hành xử phạt gần 4 tỷ đồng”, báo cáo Thanh tra Bộ NN&PTNT nêu điển hình.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, qua thanh tra cho thấy, hóa chất công nghiệp được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư thủy sản cũng là vấn đề nổi cộm thời gian qua. Điều đáng nói là các loại hóa chất như hóa chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp, làm sơn, sản xuất phân bón,… được nhập chủ yếu từ Trung Quốc và bày bán công khai, khá phổ biến tại các chợ đầu mối hóa chất.

“Việc kinh doanh các loại hóa chất này không vi phạm do được phép lưu hành mà sai phạm chủ yếu là người mua dùng sai mục đích. Trong đó, các loại hóa chất đều có khuyến cáo là chỉ sử dụng trong công nghiệp, không sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và thực phẩm nhưng nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vật tư thủy sản một phần do thiếu hiểu biết, một phần là cố tình mua và sử dụng nhằm lợi ích kinh tế, đã làm nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới xuất khẩu của ngành thủy sản”, Thanh tra Bộ NN&PTNT chỉ rõ.

Cũng theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, do chất lượng con giống chưa đáp ứng, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người nuôi thủy sản chưa cao nên dịch bệnh thủy sản nói chung và dịch bệnh trên tôm nói riêng ngày càng diễn ra phức tạp, chủ yếu là do vi khuẩn gây ra.

“Thông thường, người nuôi sử dụng kháng sinh để kiểm soát các vi khuẩn gây bệnh. Từ nhu cầu này, nhiều công ty đã nhập khẩu, kinh doanh trái phép kháng sinh, nguyên liệu kháng sinh và thực tế không khó để phát hiện việc bày bán tràn lan các loại này tại các đại lý vật tư nông nghiệp ở nhiều tỉnh miền Tây”, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho hay.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, thời gian qua, việc kiểm soát VTNN chỉ mới được Thanh tra Bộ tập trung thanh, kiểm tra đối với các điểm phân phối lớn, còn những cơ sở nhỏ lẻ và những tiếp thị trôi nổi thì phải hoàn toàn phụ thuộc vào các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số địa phương chưa tập trung quyết liệt kiểm tra, quản lý. Việc kiểm soát, giám sát chất lượng VTNN lại thiếu thường xuyên, chưa được cảnh báo, phản ánh kịp thời để người dân nhận biết và phòng tránh các sản phẩm vi phạm.

Một trong những tồn tại mà Thanh tra Bộ NN&PTNT đưa ra là còn không ít người dân nuôi tôm chưa nhận thức sâu sắc về chất lượng đầu vào để phục vụ cho quá trình nuôi, từ đó lực lượng làm công tác tiếp thị lợi dụng để đưa những sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, khiến hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, việc cung ứng giống và quản lý chất lượng giống còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, trong khi giữa nhà sản xuất và người sử dụng ít có cơ hội gặp gỡ trực tiếp mà còn qua nhiều tầng nấc trung gian, vì vậy còn thiếu trách nhiệm khi xảy ra rủi ro trong quá trình sản xuất, người nuôi luôn chịu thiệt.

Huỳnh Hải