Phó Thủ tướng: Giám sát chặt, xử lý nghiêm các vi phạm trong ngành tôm
(Dân trí) - Trước những khó khăn và thách thức mà ngành tôm nuôi nước lợ đang gặp phải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT cần tăng cường các biện pháp giám sát, thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực liên quan đến thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng từ đầu vào, con giống, thức ăn, thuốc, môi trường,… và xử lý nghiêm các vi phạm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong buổi làm việc với một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vào ngày 5/12 tại tỉnh Bạc Liêu về tình hình tôm nước lợ.
Có quy hoạch thì dân ít nuôi, không quy hoạch thì dân nuôi nhiều
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, năm nay thiên tai khắc nghiệt, hạn mặn nhất trong lịch sử từ khoảng 100 năm trở lại đây tại ĐBSCL, và năm nay cũng là năm mưa nhiều nhất ở ĐBSCL dẫn đến những bất lợi chung, đặc biệt là cho con tôm.
Bộ trưởng Cường cho rằng, khó khăn hiện nay là cần rà soát lại con giống, tổ chức sản xuất, kiểm soát dư lượng, tạp chấp, lạm dụng kháng sinh, những hình thức thương mại không lành mạnh,…. Ngoài ra, do sự phát triển rất nhanh nên một số nơi thiếu cả điện cho sản xuất. “Những vấn đề này nếu không tháo gỡ sớm, không chỉ ảnh hưởng toàn năm 2016 của ngành tôm, mà kể cả năm 2017”, Bộ trưởng Cường đánh giá.
Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 11/2016, diện tích thả nuôi tôm nước lợ là trên 696.000 ha, bằng 101% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 102% kế hoạch năm 2016. Sản lượng thu hoạch hơn 569.000 tấn, bằng 102,7% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 83,7% kế hoạch năm 2016.
Riêng khu vực ĐBSCL, diện tích thả nuôi đã vượt kế hoạch 2,4%. Một số địa phương đạt kết quả sản lượng tốt như Sóc Trăng (138,2% so với kế hoạch năm 2016). Tuy nhiên, một số tỉnh như Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang đạt sản lượng thấp so với kế hoạch.
Tính đến hết tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu tôm đã đạt xấp xỉ 2,6 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam chủ yếu là Mỹ (chiếm 22,7%), EU (19,1%), Nhật Bản (17,8%), Trung Quốc và Hồng Kông (14,8%),… "Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan, phi thuế quan còn nhều. Với thị trường chủ lực là Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam đang còn bị đánh thuế chống bán phá giá. Xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Asian, Mỹ la tinh khó khăn, do biến động tỉ giá ngoại tệ, sự tăng giá mạnh của đồng USD so với một loạt ngoại tệ khác như Euro, Yên Nhật,…", báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết.
Ông Lê Minh Chiến - Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng, một trong những khó khăn mà các tỉnh ĐBSCL gặp phải là vấn đề thiếu điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm. Hầu hết các hộ nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đều phải sử dụng máy nổ để bơm nước và sục khí, do thiếu đường dây trung thế từ trục chính tới vùng nuôi, trong khi chưa có chính sách hỗ trợ giá điện cho nuôi trồng thủy sản.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ hạn hẹp, đa số các nhà máy chỉ sản xuất khoảng 60 - 70% công suất. Nguyên nhân có lúc thiếu nguyên liệu và hợp đồng đặt hàng, hiện tại thị trường Trung Quốc hạn chế tiêu thụ tôm thẻ chân trắng của Việt Nam do một số nước lân cận như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan,… có giá rẻ hơn rất nhiều so với tôm của Việt Nam khoảng 1-1,5 USD/kg.
Trong khi đó, giá cả thị trường luôn biến động, ở lĩnh vực này Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, nên tình trạng được mùa mất giá, làm cho nông dân lo lắng. Cơ quan chức năng thì chưa thực hiện tốt khâu dự báo thị trường, giá cả để người nuôi chủ động trong sản xuất như thời điểm thu hoạch, đối tượng nuôi,…
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, người dân tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng là rất khó, để phát triển sản xuất ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, do không có tài sản đủ điều kiện thế chấp, chỉ dừng lại ở những công ty, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế; trong khi chính sách hỗ trợ để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh còn bất cập, dẫn đến có nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nặng nhưng vẫn không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến kiến nghị Chính phủ ủng hộ mỗi tỉnh có khu sản suất con giống để sản xuất tốt hơn; các dịch vụ phục vụ nuôi trồng thủy sản từ cơ sở sản xuất, hóa chất, vi sinh…. hiện nay nhiều tỉnh chưa có, hoặc có nhưng nhỏ, phải nhập từ nước ngoài và các tỉnh khác để phục vụ cho cả vùng này nên không đảm bảo chất lượng; các cơ sở xét nghiệm hóa chất không có nên phải gửi lên tận TPHCM, phải chờ nên rất khó khăn, đây là trở ngại cần Bộ, ngành tháo gỡ.
Ông Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng đề nghị, các Bộ, ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra mặt hàng thức ăn, vật tư nông nghiệp nuôi trồng thủy sản,… đảm bảo chất lượng, đúng giá thành. Ngoài ra, Chính phủ xem xét tiếp tục giúp các doanh nghiệp ở Trung ương nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng trong vấn đề tiêu thụ tôm ở các thị trường khác, ngoài các thị trường truyền thống.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử thẳng thắn, đến nay chưa thấy mô hình liên kết nào có hiệu quả và bền vững, bởi hiện nay cái khó khăn vẫn là sản xuất tôm manh mún, nhỏ lẻ. Ông Sử mong các Bộ, ngành quan tâm, cần liên kết thế nào để khắc phục tình trạng này.
Cũng theo Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau, trong việc xây dựng Cà Mau và Bạc Liêu thành vùng trọng điểm nuôi tôm của ĐBSCL và cả nước thì phải toàn diện, chứ không chỉ là một khu công nghệ cao hay tập trung, nên Cà Mau rất lúng túng.
Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn thì cho rằng, giá xuất khẩu tôm tốt thì người dân sẽ cố gắng khắc phục những khó khăn. Do đó, Chính phủ cần có chính sách làm sao cho giá tốt hơn.
Còn ông Lê Minh Khái - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu thì tán thành với ý kiến vấn đề quy hoạch vùng nuôi tôm của lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau và cho rằng, các tỉnh làm nhưng nguồn lực không đủ nên cần báo Trung ương hỗ trợ. Ngoài ra, ông Khái cũng kiến nghị cần giảm giá thành một cách tối đa, để có lợi cho người nuôi.
Tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay nuôi tôm
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm nay dự báo xuất khẩu tôm sẽ vào khoảng 3 tỷ USD, chiếm 1/10 tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tôm nước lợ vẫn đứng trước thách thức, rất rõ là năm 2016 trải qua đợt hạn mặn lịch sử, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến con tôm.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với những tồn tại của ngành tôm mà các địa phương đưa ra như: Cơ sở hạ tầng còn yếu kém; phát triển manh mún, theo phong trào, không có quy hoạch nên bị động; chất lượng tôm giống chưa cao, chưa được kiểm soát chặt chẽ; quản lý đầu vào, đảm bảo an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo như sử dụng kháng sinh cấm, không đáp ứng ở thị trường có nhu cầu lớn nhưng yêu cầu rất khắc khe; giá thức ăn và giá vật tư còn cao; cơ chế chính sách nuôi tôm chưa hệ thống, chưa được quan tâm đúng mức,…Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của con tôm.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta có cơ hội là việc tham gia ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, bằng các hiệp định song phương, đa phương,…. mở ra thị trường lớn, để tăng các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có con tôm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ tới đây là tập trung rà soát lại quy hoạch. “Chúng ta đã có quy hoạch rồi, chỗ nào thiếu thì bổ sung. Quy hoạch phải đi trước, và quy hoạch ở đây không manh mún mà phải liên kết vùng, đảm bảo khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Việc bổ sung, xây dựng mới quy hoạch phải gắn với đề án tái cấu trúc nền kinh tế của vùng, địa phương, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, bởi đây là một thách thức vô cùng lớn. Chúng ta cần xác định ĐBSCL trong tương lai như thế nào để xác định quy hoạch cho phù hợp”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ NN&PTNT sớm trình Chính phủ đề án tổng thể phát triển ngành tôm nước lợ giai đoạn 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo hướng sản xuất công nghiệp với công nghệ cao.
“Bộ NN&PTNT cần tăng cường các biện pháp giám sát, thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực liên quan đến thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng từ đầu vào, con giống, thức ăn, thuốc, môi trường,… và xử lý nghiêm các vi phạm”, Phó Thủ tướng chỉ đạo rõ.
Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu đề xuất về các nguồn vốn, nhất là vốn ngân sách, vốn ODA, vốn vay lãi suất thấp của nước ngoài, vốn FDI, vốn doanh nghiệp trong và ngoài nước,… để đầu tư cho các dự án ưu tiên trọng điểm, trong đó có nuôi tôm.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ gắn việc nghiên cứu với mục tiêu phát triển ngành tôm, trong đó chủ động sản xuất giống tôm Việt Nam chất lượng. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công nghệ thức ăn tôm và công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.
Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng với các Bộ, ngành xây dựng cơ chế chính sách, trong đó có cơ chế đáp ứng về vốn cho ngành tôm. “Ngân hàng Nhà nước cần giao các ngân hàng thương mại có cơ chế, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các hộ gia đình, tổ hợp tác nuôi tôm tiếp cận nguồn vốn vay một cách thuận lợi nhất, để họ phát triển sản phẩm tôm theo mục tiêu đề ra”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp, trong đó chú trọng bảo hiểm thủy sản và quan trọng là người nuôi tôm. Theo Phó Thủ tướng, trong sản xuất tôm không phải lúc nào cũng thuận lợi, nên rất cần bảo hiểm để đảm bảo đời sống, sản xuất của người dân.
Với Bộ Công Thương, theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ của Bộ là tìm kiếm thị trường cho con tôm. Hiện nay thị trường nào có rồi, thì tiếp tục mở rộng để tôm Việt Nam đến các thị trường khác, kể cả những thị trường khó tính hơn.
“Việc bức xúc hiện nay là nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL không có điện để phục vụ nuôi tôm, mà phải dùng máy phát điện nên giá thành của con tôm sản xuất rất cao, dẫn đến khó khăn cho người dân. Yêu cầu trước mắt ngành điện lực rà soát lại, khẩn trương để cung ứng đủ điện cho sản xuất nói chung, đặc biệt là những hộ dân, đơn vị kinh tế, doanh nghiệp nuôi tôm ở ĐBSCL. Còn về dài hạn, ngành điện lực cần phối hợp với các tỉnh để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng điện phục vụ cho các khu nuôi tôm đã được quy hoạch”, Phó Thủ tướng chỉ Bộ Công Thương nói chung, lĩnh vực điện lực nói riêng.
Huỳnh Hải