Vụ Tenma hối lộ quan chức Việt Nam 25 tỷ yên:
Ngành Thuế gửi công hàm sang Nhật, Bộ Tài chính báo cáo dồn dập
(Dân trí) - Tổng cục Thuế vừa gửi công hàm sang Nhật Bản để làm rõ thông tin Tenma hối lộ quan chức Việt Nam 25 triệu yên. Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này gửi dồn dập nhiều văn bản thanh kiểm tra cấp dưới.
Trong văn bản phát đi chiều muộn ngày 25/5, Tổng cục Thuế cho biết, liên quan đến thông tin phản ánh trên báo chí về vụ việc hối lộ liên quan đến Công ty Tenma Việt Nam, Tổng cục Thuế đã có công hàm gửi Cơ quan thuế Nhật Bản để trao đổi thông tin trên cơ sở quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế 02 nước Việt Nam - Nhật Bản theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Cơ quan này cam kết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm.
Tổng cục Thuế cam kết khi có thông tin mới liên quan đến trách nhiệm của Tổng cục Thuế sẽ thông tin kịp thời đến báo chí.
Về phía mình, Bộ Tài chính cho biết, ngày 21/5/2020, Thanh tra Bộ Tài chính đã có Công văn số 492/TTr-P7 yêu cầu Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh báo cáo thông tin về thanh tra, kiểm tra đối với Công ty Tenma (Nhật Bản).
Đến ngày hôm nay (25/5/2020) Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành 02 Quyết định thanh tra đối với Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh về việc thanh tra hành chính đối với 02 đơn vị nêu trên.
Bộ Tài chính khẳng định, việc thanh tra này nhằm làm rõ nội dung về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc thanh tra, kiểm tra thuế đối với Công ty TNHH Tenma Việt Nam (Quyết định số 85/QĐ-TTr ngày 25/5/2020 đối với Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh và Quyết định số 86/QĐ-TTr ngày 25/5/2020 đối với Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh).
Trả lời phóng viên báo Dân Trí, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết: "Tổng cục không đưa ra văn bản, mọi đầu mối và chủ động công việc từ phía Bộ Tài chính".
Chiều nay 25/5, bên hành lang Quốc hội, người đứng đầu ngành tài chính cho biết mới tiếp nhận thông tin công ty nhựa của Nhật Bản hối lộ quan chức hải quan và thuế tỉnh Bắc Ninh.
“Trước tiên chúng tôi đã yêu cầu kiểm điểm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
“Việc này rất quan trọng, về đối ngoại liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh; về đối nội đây là việc phòng chống tham nhũng, đặc biệt là trong 2 lĩnh vực mà người ta nói là ăn vặt”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Về phía tỉnh Bắc Ninh, đại diện tỉnh nà cho biết đang kiểm tra vụ việc nói trên, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết đã nắm được thông tin trên và đang cho cấp dưới kiểm tra, làm rõ.
"Việc này tôi đã nắm được và đang giao cho anh em kiểm tra, làm rõ", chủ tịch tỉnh Bắc Ninh nói.
Trả lời báo Dân Việt về những tác động của vụ việc này đến các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định: Lúc này cơ quan chức năng Việt Nam cần có thái độ khách quan, tôn trọng sự việc để phối hợp với phía Nhật làm rõ vấn đề nói trên.
Ông Doanh cho rằng, trên cơ sở kết quả phía Nhật điều tra cùng với các cơ quan chức năng Việt Nam vào cuộc, Việt Nam cũng nên có cái nhìn tổng quan để phòng, chống các trường hợp tham nhũng tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Nguyễn Tuyền