Ngành sữa Việt Nam với những bước phát triển ấn tượng
Không ngừng phát triển và luôn đa dạng hóa sản phẩm sữa vì sức khỏe cộng đồng - đó là chủ đề và cũng là nhận định của không ít chuyên gia tại Hội thảo chuyên đề về ngành sữa Việt Nam.
Một trong những thành quả mà ngành chế biến sữa trong nước phải tính đến đó là sự ra đời của nhiều nhà máy chế biến sữa mới hiện đại ra đời có thể cạnh tranh với ngành sữa thế giới. Đương cử, gần đây nhất là 2 nhà máy chế biến sữa của công ty Vinamilk.
Nhà máy sữa Việt Nam (Vinamilk) xây dựng trên diện tích 20 ha với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, đặt tại tỉnh Bình Dương và tập trung vào các sản phẩm sữa nước. Với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 400 triệu lít sữa/năm, giai đoạn 2 (dự kiến triển khai vào 2017) là 800 triệu lít. Đây được xem là nhà máy mega có công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới vào thời điểm hiện nay. Với hệ thống sản xuất tự động khép kín từ đầu vào đến đầu ra, robot thông minh vận hành, hệ thống kho thông minh…
Bên cạnh đó, nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam cũng của Vinamilk có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng với công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/một năm cũng được xem là nhà máy chế biến sữa bột lớn nhất khu vực châu Á. Có thể nói, đây không chỉ là niềm tự hào riêng của Vinamlik mà còn là bước đi được đánh giá là “ấn tượng” của ngành chế biến sữa Việt Nam nói chung, khi có được những nhà máy tầm cỡ Thế giới và đứng đầu khu vực về công nghệ tiên tiến.
Hay nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, một “ứng viên” cho hoạt động đi đầu phát triển và hiện đại hóa vùng chăn nuôi – có thể kể đến Công ty Frieslandcampina Việt Nam. Hay với công ty CP Sữa Quốc tế IDP, đó là hướng hỗ trợ vốn cho bà con nông dân để phát triển thêm đàn bò. Còn công ty Sữa Mộc Châu, cũng lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng…
Bên cạnh xây dựng các nhà máy chế biến hiện đại, các công ty sữa trong nước bằng nhiều hình thức cũng xây dựng và phát triển nguồn nguyên liệu sữa cho các nhà máy chế biến của mình như hỗ trợ các hộ gia đình phát triển chăn nuôi bò sữa, xây dựng các trang trại bò sữa quy mô công nghiệp và hiện đại với quy mô hàng ngàn con.
Các trang trại này không những hiện đại về thiết bị chuồng trại, qui mô mà còn tiên tiến trong các mô hình quản lý vận hành, tuân thủ các yêu cầu khắc khe nhất của ngành sữa, ngành thực phẩm thế giới như Viet Dairy GAP, Global Gap, ISO…Việt Nam chúng ta cũng vừa vinh dự có được hệ thống trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế Global G.A.P, đó là các trang trại Nghệ An, Lâm Đồng, Tuyên Quang thuộc công ty Vinamilk.
Hay mới đây nhất, Vinamilk đoạt giải thưởng công nghiệp Thực phẩm toàn cầu IUFoST 2014 tại Canada cũng khiến ngành sữa Việt Nam “mở mặt”. Với giải thưởng lần này, sản phẩm sữa nước của Vinamilk đã vượt qua hơn 100 sản phẩm được đề cử đến từ 70 quốc gia để lọt vào vòng chung kết và đoạt giải thưởng Công Nghiệp Thực phẩm Toàn Cầu 2014. Điều đáng ghi nhận là trong tất cả đề cử tranh giải từ các nước trên thế giới, chỉ duy nhất Vinamilk đến từ Việt Nam là doanh nghiệp thuộc ngành sữa đoạt giải. Giải thưởng Công Nghiệp Thực phẩm Toàn cầu 2014 là một giải thưởng có quy mô quốc tế lớn, trong khuôn khổ hội nghị khoa học và công nghệ thực phẩm thế giới được tổ chức 2 năm 1 lần và đây là lần thứ 17, quy tụ các nhà khoa học danh tiếng toàn cầu trong lĩnh vực thực phẩm.
Đa dạng hóa sản phẩm sữa hướng đến phục vụ sức khỏe cộng đồng
Điểm lại nguồn nguyên liệu trong nước, tổng đàn bò sữa của Việt Nam tính đến năm 2014 (số liệu thống kê tính đến 1/4/2014) là 200.400 con, tăng 14% so với năm 2013 và tăng 67% so với năm 2010. Nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn đang và có kế hoạch tham gia đầu tư vào ngành chăn nuôi bò sữa. Điều này thể hiện bước phát triển nhảy vọt về số lượng và chất lượng của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam (khi các trang trai quy mô công nghiệp hiện đại ra đời bên cạnh những trang trại quy mô gia đình).
Thực tế trên cũng chứng minh sự phát triển gắn kết giữa ngành chế biến sữa và ngành chăn nuôi bò sữa, và là mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển ngành sữa là ngành chế biến sữa phát triển đi trước tạo tiền đề cho ngành chăn nuôi bò sữa phát triển đáp ứng cho nhu cầu nguyên liệu.
Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel Việt Nam,, thì các sản phẩm sữa nước giữ vị trí dẫn đầu trong ngành thực phẩm đồ uống với mức tăng trưởng 12 % ở thành thị và 20% ở nông thôn, sữa chua men sống tăng 15 %...là những mặt hàng sản xuất chủ yếu trong nước. Riêng mặt hàng sữa bột, theo thống kê của Bộ Công Thương thì 5 tháng đầu năm 2014 sản lượng sản xuất tăng 5,52 % so với cùng kỳ năm 2013 cho thấy mặt hàng này đã dần chiếm thị trường trong nước với sản lượng ngày càng tăng .
Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tại Châu Á có xuất khẩu sữa. Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm sữa trị giá hơn 230 triệu USD trong đó chủ yếu là công ty Vinamilk với giá trị hơn 210 triệu USD . Vinamilk cũng được công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2013 theo QĐ số 4603/QĐ-BCT của Bộ Công thương. Đây là một minh chứng cho sản phẩm sữa trong nước sản xuất không chỉ đáp ứng niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam mà còn vươn tầm ra thị trường sữa thế giới.
Các tham luận về quy chuẩn sữa được trình bày tại hội thảo còn cho thấy việc đa dạng hóa sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, những sản phẩm sữa tiệt trùng (hay sữa hoàn nguyên tiệt trùng) được bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng người dùng, cũng rất tốt để người tiêu dùng lựa chọn chứ không nhất thiết chỉ có sữa tươi mới tốt như một số thông tin trước đây.
Theo ghi nhận thực tế từ thị trường, thì người tiêu dùng Việt Nam hiện nay hoàn toàn yên tâm và có nhiều lựa chọn trong việc sử dụng các sản phẩm sữa trong nước với nhiều loại đa dạng từ sữa nước, sữa bột, sữa đặc, sữa chua uống, yaourt…và cho nhiều đối tượng sử dung như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người bệnh…
Điểm qua những bước đi của ngành sữa Việt Nam, cho thấy mảng hoạt động này đang có bước phát triển đúng đắn và khá ấn tượng, khi không chỉ đi đúng định hướng của chính phủ, phù hợp với lộ trình phát triển bền vững của ngành sữa là kết hợp phát triển công nghệ hiện đại và phát triển nguồn nguyên liệu. Để trên cơ sở đó, không chỉ đa dạng sản phẩm chế biến từ ngành công nghiệp sữa mà còn đáp ứng số lượng cũng như chất lượng sản phẩm một cách bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường nhằm tạo ra các dạng sản phẩm sữa để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng đa dạng của của người dân ở thị trường nội địa mà còn được mở rộng cho thị trường khu vực và thế giới.