1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngành Hải quan kiên quyết xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển

Việc xử lý hàng nghìn container “rác thải” ở các cảng biển Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã được cơ quan Hải quan rốt ráo thực hiện trình tự các bước thủ tục theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.


Kiểm tra hàng hóa trong container đang lưu giữ tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Thái Bình

Kiểm tra hàng hóa trong container đang lưu giữ tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Thái Bình

Theo báo cáo của Cục Hải quan Hải Phòng, tính đến tháng 8-2014, tại các cảng thuộc khu vực Hải Phòng có 5.060 container quá thời hạn làm thủ tục hải quan theo quy định.

Trong đó, 2.796 container hàng hóa là cao su, lốp đã qua sử dụng; 183 container hàng hóa là máy móc, thiết bị đứng tên người nhận hàng là các DN thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty Công nghiệp Tàu thủy; 2.081 container hàng hóa thể hiện trên chứng từ vận tải là quần áo đã qua sử dụng, phế liệu nhựa, phế liệu sắt, phế liệu được tháo dỡ từ các mặt hàng điện, điện tử đã qua sử dụng, hàng phế thải là nông sản, hàng đông lạnh quá hạn sử dụng và các loại hàng hóa khác.

Phần lớn các lô hàng tồn đọng này là phế liệu có giá trị thấp, không xác định được chủ sở hữu, thời gian tồn đọng lâu ngày, chi phí phát sinh lớn hơn nhiều lần trị giá hàng hóa, do đó, việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo báo cáo của Cục Hải quan Hải Phòng, từ năm 2011 đến nay, tình trạng hàng NK quá hạn khai báo, làm thủ tục hải quan tồn đọng tại cảng Hải Phòng với số lượng lớn gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tại cảng biển, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng môi trường và an toàn cháy nổ.

Được sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, thời gian qua, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng giải quyết được 1.332 container (tái xuất, NK) nên hiện tại chỉ còn 3.728 container. Đồng thời, áp dụng nhiều giải pháp, tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai, tuy nhiên việc xử lý hàng tồn đọng tại cảng Hải Phòng còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

Để từng bước tháo gỡ vướng mắc và xử lý dứt điểm tình trạng này, Cục Hải quan Hải Phòng đã tập hợp các vướng mắc và thực trạng hàng tồn đọng tại Cảng thuộc khu vực Hải Phòng báo cáo Tổng cục Hải quan, UBND TP. Hải Phòng đề xuất hướng xử lý và chủ động lập các kế hoạch triển khai.

Trên cơ sở vướng mắc và hướng xử lý mà Cục Hải quan Hải Phòng đề xuất, Tổng cục Hải quan đã xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 98/KH-TCHQ về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa NK tồn đọng tại các Cảng thuộc khu vực Hải Phòng; Kế hoạch số 230/KH-TCHQ về việc kiểm tra, xử lý đối với 2.796 container hàng hóa NK quá thời hạn làm thủ tục hải quan tại Cảng Hải Phòng mà tên hàng thể hiện trên Manifest là lốp, lốp cao su đã qua sử dụng, phế liệu cao su; Tổ chức các chương trình Hội nghị đối thoại với các DN kinh doanh vận tải biển, đại lý giao nhận, kho bãi cảng để tìm cách tháo gỡ và đề ra các giải pháp phối hợp giữa các đơn vị trong việc xử lý hàng hóa tồn đọng.

Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, quá trình triển khai thực hiện các kế hoạch đã đạt được những kết quả tích cực. Đối với các lô hàng thuộc Kế hoạch số 230/KH-TCHQ, Tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm tra qua máy soi toàn bộ 2.796 container. Đơn vị đã phối hợp với Công an TP. Hải Phòng kiểm tra được 397 container, hiện đang xử lý số hàng này theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.

Phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm tra qua máy soi 688 container. Trong đó, đã xử lý 29 container theo ý kiến của Bộ Công Thương trao đổi với Bộ Tài chính tại công văn số 2289/BTC-XNK ngày 24-3-2014. Tuy nhiên, Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, trên thực tế, địa điểm soi chiếu container nằm ngoài khu vực cảng lưu giữ hàng hóa, nên việc vận chuyển hàng hóa từ cảng đến địa điểm soi chiếu phát sinh chi phí vận tải, chi phí làm thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa cho đơn vị cảng.

Để có giải pháp “mạnh” xử lý tình trạng này, cơ quan Hải quan đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết hàng tồn đọng tại cảng biển.

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm cần rất nhiều thời gian trong việc kiểm tra thực tế hàng hóa để xác định, phân loại đối tượng cũng như thời gian thông báo tìm chủ sở hữu hàng hóa theo quy định của pháp luật và phát sinh nhiều chi phí cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, các đơn vị vận tải biển (hãng tàu, đại lý giao nhận), các đơn vị kinh doanh kho bãi cảng phải có sự hợp tác với cơ quan Hải quan trong kiểm tra, xử lý hàng hóa tồn đọng.

Để giải tỏa số hàng hóa trên khỏi các cảng biển theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Cục Hải quan Hải Phòng đề xuất trong quá trình xử lý hàng NK tồn đọng cần khuyến khích việc các DN tái xuất, vận chuyển ra khỏi lãnh thổ.

Đối với việc xử lý bán các lô hàng lốp cao su đã qua sử dụng và phế liệu, ngoài các công ty đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép mua, đề nghị mở rộng đối tượng được mua là các DN có đủ điều kiện NK hoặc đủ điều kiện xử lý làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật. Trường hợp phải tiêu hủy theo quy định, chi phí tiêu hủy được trích từ ngân sách Nhà nước Trung ương.

Bên cạnh đó, Cục Hải quan Hải Phòng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền đề nghị các hãng tàu vận tải biển, các đơn vị kinh doanh cảng thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm quy định tại Điều 41 Luật Hải quan 2014; Khoản 3, Điều 7 Thông tư 203/2014/TT-BTC. Cụ thể: Bố trí công nhân, phương tiện phục vụ việc kiểm tra, kiểm kê hàng tồn của cơ quan Hải quan; không thu tiền lưu kho bão, lưu container và các khoản thu khác liên quan đến hàng hóa tồn đọng từ thời điểm trước khi Hội đồng xử lý ra quyết định xác lập sở hữu Nhà nước.

Tổng cục Hải quan sẽ cùng với các bên liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng container tồn đọng tại các cảng biển trong thời gian tới.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, hiện các chi cục Hải quan cửa khẩu cảng biển đang phối hợp với các đơn vị kinh doanh cảng, hãng tàu… để xử lý trên 1.000 container hàng hóa tồn đọng. Nguyên nhân hàng tồn đọng là do DN từ chối nhận hàng, hàng không có người nhận, hàng chờ làm thủ tục hoặc không đủ điều kiện NK, không xin được giấy phép NK, hàng hư hỏng, không đúng hợp đồng nên DN chưa làm thủ tục hoặc từ bỏ, nên việc xử lý được thực hiện theo Thông tư 15/2014/TT-BTC và  Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22-12-2014 của Bộ Tài chính.

Trong số hàng tồn đọng nêu trên, hàng tồn nhiều nhất là cảng Cát Lái với trên 800 container, nên các đơn vị đang quyết liệt xử lý số hàng này. Theo Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, hiện nay, đơn vị đang làm thủ tục để thanh lý gần 140 container theo quy định tại Thông tư 203. Những lô hàng này đã nằm tại cảng Cát Lái quá 90 ngày. Tuy nhiên, hầu hết hàng tồn tại cảng đều là hàng hóa thông thường, không có hàng hóa nguy hiểm, độc hại, ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài 138 container đang làm thủ tục thanh lý, theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, trong số hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái, hiện một số trường hợp DN vẫn tiếp tục làm thủ tục nhận hàng. Đối với số hàng còn lại, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan Hải quan phân loại hàng hóa tồn để giải quyết theo quy định. Tuy nhiên, việc xử lý hàng tồn đọng theo Thông tư 203 sẽ thuận lợi hơn, bởi vì, sau khi thực hiện đăng thông tin hàng tồn đọng trên phương tiện thông tin đại chúng, đối với hàng hóa dễ hư hỏng, hàng đông lạnh, hóa chất nguy hiểm, độc hại, hàng hóa có hạn sử dụng dưới 60 ngày, thời hạn để chủ hàng đến nhận hàng là 15 ngày, còn đối với các loại hàng hóa khác thời gian nhận hàng là 60 ngày. Sau thời gian trên, cơ quan Hải quan sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tịch thu, bán đấu giá hoặc tiêu hủy theo quy định.

Theo Đào Lê
Báo Hải quan

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm