Ngành công nghiệp massage tỷ đô của Thái Lan điêu đứng vì Covid-19
(Dân trí) - Chi phí tăng vọt, thiếu du khách nước ngoài trong khi khách hàng địa phương cắt giảm chi tiêu đã khiến cho massage - ngành công nghiệp hái ra tiền của Thái Lan - điêu đứng.
Bước vào một tiệm massage ở Bangkok, Thái Lan, khách hàng vẫn sẽ được chào đón bằng kiểu chào chắp tay quen thuộc từ các nhân viên. Tuy nhiên, trải nghiệm thư giãn này trở nên kém hấp dẫn hơn khi trong phòng tràn ngập mùi găng tay cao su và thuốc khử trùng.
Dịch vụ truyền thống của Thái Lan buộc phải thay đổi sau mùa dịch Covid-19. Mọi người hạn chế tiếp xúc với nhau, khách hàng và nhân viên đều phải đeo khẩu trang hoặc tấm chắn bảo hộ.
“Đại dịch Covid-19 thực sự rất khác so với tất cả cuộc khủng hoảng chúng ta từng chứng kiến", ông Wiboon Utsahajit, Chủ tịch Siam Wellness Group, công ty sở hữu khoảng 70 tiệm massage và spa trên khắp Thái Lan chia sẻ.
“Chúng tôi buộc phải thay đổi cách vận hành. Tất cả các phòng đều phải lắp đặt các thiết bị khử trùng bằng tia cực tím, bổ sung dụng cụ y tế và vệ sinh. Chi phí lắp đặt đắt đỏ, vậy mà lượng khách vẫn cứ giảm đi trông thấy”, ông Wiboon than thở.
Ngành công nghiệp tỷ đô
Theo báo cáo của Viện Sức khỏe Toàn cầu, ngành công nghiệp du lịch chăm sóc sức khỏe Thái Lan đạt doanh thu khoảng 12 tỷ USD trong năm 2017, nhiều hơn Indonesia và Malaysia cộng lại. Khoảng 530.000 người lao động Thái làm việc trong lĩnh vực này, tương đương 1,4% lực lượng lao động của đất nước và chiếm 2,6% GDP hàng năm.
Massage, spa trị liệu và các liệu pháp y tế là những dịch vụ không thể thiếu trong ngành du lịch chăm sóc sức khỏe ở Thái Lan. Chỉ riêng 2.800 spa sang trọng tại Thái Lan đã chiếm đến 1,3 tỷ USD. Theo Bộ Y tế công Thái Lan, có khoảng 10.000 tiệm massage trên khắp cả nước.
“Massage là dịch vụ cần nhiều lao động. Các kỹ năng dành cho nhân viên massage cũng khó áp dụng cho công việc khác”, chuyên gia Somprawin Manprasert tại Bank of Ayudhya bình luận. “Cạnh tranh hiện tại khá cao vì có rất nhiều tiệm massage trên khắp cả nước. Vì vậy không ít tiệm gặp khó để duy trì”, chuyên gia này nói thêm.
Chính phủ Thái Lan đã đẩy mạnh ngành công nghiệp này trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990. Nước này mở rộng đào tạo nghề để dạy kỹ năng cho những người thất nghiệp, bất kể trình độ học vấn. Tiệm đầu tiên của Siam Wellness ra đời từ cú hích này vào năm 1998.
10 năm sau, ngành công nghiệp này tiếp tục nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc Đại suy thoái. Thái Lan đẩy mạnh các chiến dịch nhằm thúc đẩy dịch vụ spa, du lịch chăm sóc sức khỏe trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu quốc gia.
Nhờ sự thúc đẩy đó, Siam Wellness trở thành công ty niêm yết với doanh thu 44 triệu USD hồi năm ngoái. Trong đó, khách hàng Trung Quốc chiếm khoảng 55% lượng khách hàng. Ông Wiboon cho biết đang lên kế hoạch mở thêm cửa hàng ở Trung Quốc vì khách du lịch đến Thái Lan giảm.
Nhân viên, khách hàng đều “bỏ đi”
Hơn 140.000 nhân viên massage đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, theo dữ liệu của chính phủ Thái Lan. Họ đều là những lao động phi chính thức. Con số này không tính đến các nhân viên nước ngoài và nhân viên làm công ăn lương tại spa trong khách sạn và khu nghỉ dưỡng.
Vào tháng trước, các cửa hàng massage ở Thái Lan được phép mở cửa trở lại, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định về vệ sinh và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nhiều khách hàng địa phương vẫn cảnh giác, trong khi Thái Lan chỉ mới mở cửa biên giới từ ngày 1/7.
“Hầu hết nhân viên massage của chúng tôi về quê sau khi tiệm bị yêu cầu đóng cửa. Giờ đây, tất cả nhân viên được chào đón trở lại nhưng khách hàng ít đi. Nhiều người quyết định ở lại quê làm việc hoặc tìm việc khác”, Natthawipa Sangkakit, quản lý Phikul Massage and Spa, cho biết.
Hương Vũ
Theo Bloomberg