1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngành chuyển phát nhanh chủ động đổi mới để "vượt bão"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử cùng với sự xuất hiện của Covid-19 buộc các doanh nghiệp chuyển phát phải tìm cách sáng tạo, đổi mới để thích nghi và giữ chân khách hàng.

Trong số phát sóng thứ 2 của chuỗi tọa đàm trực tuyến Chỉ Dẫn Đỏ do Báo Dân trí và thương hiệu giao hàng chuyển phát nhanh J&T Express tổ chức với chủ đề: "Sáng tạo trong chuyển phát và lợi ích cho khách hàng", các chuyên gia đã cùng bàn luận về những đổi mới đáng chú ý trong ngành chuyển phát nhanh 2 năm gần đây.

Ngành chuyển phát nhanh chủ động đổi mới để vượt bão - 1

Xu hướng mới nổi trên thị trường thương mại điện tử

Theo báo cáo thường niên "SYNC Southeast Asia" (SYNC Đông Nam Á) do Facebook và Công ty Tư vấn Bain & Company (Mỹ) công bố năm 2021, Đông Nam Á dẫn đầu về chuyển đổi kỹ thuật số ở châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam là một trong những quốc gia có sự thể hiện xuất sắc nhất. 

Cứ 10 người tiêu dùng Việt Nam thì 7 người tiếp cận kỹ thuật số và có 53 triệu người tiêu dùng số vào cuối năm 2021. Trong đó, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được kỳ vọng là thị trường có tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021. 

Không chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp bán lẻ (B2C - business to consumer), ngày càng nhiều đơn vị bán buôn (B2B - business to business) cũng tìm cách bán hàng online bao gồm cả dịch vụ, chứ không chỉ là những sản phẩm vật lý. Cùng với sự bùng nổ về quy mô vốn và số người dùng, ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng giám đốc AccessTrade cho rằng, có 3 xu hướng đang nổi lên trên thị trường TMĐT tại Việt Nam.

Thứ nhất là xu hướng thương mại xã hội (social commerce) - hình thức cho phép ai cũng có thể thành người bán hàng, kể cả người mua. Thông qua các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube… mọi người có thể dễ dàng giới thiệu, mua bán, giao dịch… Theo ông Hưng, điều này phản ánh TMĐT không còn là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn, mà là của toàn xã hội.

Ngành chuyển phát nhanh chủ động đổi mới để vượt bão - 2
Ông Đỗ Hữu Hưng chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Hải Long).

Thứ hai là xu hướng chuyển dịch về vai trò của các sàn TMĐT. Trước đây, các doanh nghiệp lớn muốn bán hàng online đều mở một website, sau đó là xây dựng app; việc bán trên sàn chỉ là một kênh hỗ trợ. Nhưng sau đó, họ nhận ra rằng những shop trên các sàn TMĐT có lượng người dùng rất đông, dịch vụ tốt và sự tin cậy cao. Gần đây, họ có sự chuyển dịch, xem các shop trên Lazada, Shoppee, Tiki… là kênh bán hàng chính, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và sử dụng luôn dịch vụ logistics của các sàn. Các sàn TMĐT từ vai trò của một kênh đẩy đã trở thành trung tâm trong chiến lược bán hàng của doanh nghiệp.

Thứ ba là xu hướng ứng dụng các giải pháp công nghệ vào TMĐT. Lúc trước, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào thủ công nhưng bây giờ các công nghệ như chat box, AI, CRM thanh toán… đã phổ biến.

"3 xu hướng này thúc đẩy thị trường phát triển rất mạnh mẽ. Rất nhiều ngành hàng, từ bỉm sữa đến nông sản… đều đưa lên online. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam đã qua giai đoạn khởi đầu của TMĐT và bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành", ông Hưng đánh giá.

Đổi mới hoặc là… chết

Sự phát triển của TMĐT và dịch Covid-19 bùng phát, theo ông Hưng, đã tạo ra hiệu ứng kép buộc các doanh nghiệp phải thay đổi hoặc là… chết, vì không bán được hàng. Sự đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là rất sáng tạo và đáng ghi nhận.

"Doanh nghiệp Việt Nam nhanh nhẹn và khả năng thích nghi tốt. Rõ ràng, doanh nghiệp nào thích nghi nhanh thì mới có thể sống sót và phát triển tốt. Còn doanh nghiệp nào chậm chân thì phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và có thể biến mất trên thị trường", vị chuyên gia về TMĐT nhấn mạnh.

Đơn cử như trong ngành chuyển phát, ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam cho biết, bất cứ người làm kinh doanh nào cũng muốn tìm cách tiết giảm tối đa chi phí từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công, chi phí giao nhận… Bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp chuyển phát là làm sao tiết giảm tối đa chi phí cho họ nhưng lại nâng tầm trải nghiệm cho người mua, để không chỉ giữ chân khách hàng cũ mà còn lôi kéo khách hàng mới.

Nếu đơn vị chuyển phát làm tốt, đôi khi, họ sẽ chi phối ngược lại người bán. Khi khách hàng đã quen sử dụng dịch vụ chuyển phát của một đơn vị nào đó rồi, họ chỉ mua sản phẩm nếu người bán sử dụng dịch vụ của đơn vị đó. Điều này khiến người bán cũng phải thay đổi dịch vụ chuyển phát, để đáp ứng nhu cầu của người mua.

Ngành chuyển phát nhanh chủ động đổi mới để vượt bão - 3
Từ phải qua: Ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam, đại diện Báo Dân trí, ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng giám đốc AccessTrade và ông Trần Quang Khôi - Quản lý Ngành hàng TikTok Việt Nam (Ảnh: Hải Long).

"Khách hàng ngày nay rất thông minh. Họ đã sử dụng quá nhiều dịch vụ từ nhiều đơn vị chuyển phát, nhiều khuyến mãi, nhiều hình thức marketing chiêu trò… Cái cuối cùng để giữ lại khách hàng chính là trải nghiệm của họ. Có thể dịch vụ đó có chi phí cao hơn nhưng đem lại cho họ sự an tâm. Tôi nghĩ việc đó sẽ phần nào giải quyết vấn đề lòng trung thành của khách hàng", ông Bình chia sẻ.

Còn khi Covid-19 xuất hiện, riêng việc làm thế nào để duy trì hoạt động cũng đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn của các doanh nghiệp chuyển phát. Ông Bình nhớ lại, khi đại dịch bùng phát tại Việt Nam lần đầu, một số địa phương bắt đầu phong tỏa gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Không riêng J&T Express, tất cả các ngành hàng đều đặt câu hỏi làm sao đem nguồn hàng mình đang có đến với bên cần thiết.

Trong bối cảnh mọi người đều hoang mang vì dịch bệnh lạ, đội ngũ nghiên cứu và phát triển của J&T Express phải ngồi lại để suy nghĩ cách làm sao vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam, khi liên tục có những tuyến đường mới bị phong tỏa.

"Chúng tôi không ngại học ngày học đêm để thiết lập nên những lộ trình mới, né những khu vực phong tỏa, để làm sao lương thực ở phía Bắc đem xuống phía Nam và ngược lại. Chúng tôi cũng xác định nhân sự của mình có thể bị ảnh hưởng do dịch nên phải tính toán phân bổ nhân sự thế nào để duy trì hoạt động và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho họ", ông Bình kể lại.

Chính trong những ngày khó khăn ấy, J&T Express đã có những cách làm rất sáng tạo để duy trì hoạt động và gia tăng rõ rệt về vị thế trong mắt người tiêu dùng. Doanh nghiệp phát động chiến dịch "Bưu kiện không tiếp xúc", hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc giữa shipper và khách hàng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Mỗi kiện hàng đều được khử khuẩn hàng ngay tại trung tâm trung chuyển, điểm giao nhận… Đội ngũ shipper, thủ kho… đều được đo thân nhiệt mỗi ngày 2 lần. Đơn vị còn có thẻ "Bưu kiện an tâm", trên đó thể hiện nhiệt độ cơ thể của shipper khi giao nhận hàng…

Đến khi Covid-19 hoành hành lần thứ 4, J&T Express lại tạo ra một chiến dịch mới. Mỗi shipper đã tiêm vaccine Covid-19 sẽ được gắn một huy hiệu trên ngực áo, phần nào giúp người mua và người nhận an tâm hơn khi giao nhận hàng. Sáng tạo này góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng khách đặt hàng nhưng xin hoàn trả vì lo sợ lây bệnh.

"Chúng tôi đã có khoảng thời gian bắt buộc phải trưởng thành, phải đi cùng xu hướng. Chúng tôi đã góp phần mang lại những tiện ích tốt nhất có thể cho khách hàng trong thời gian đó. Nếu có một vấn đề tương tự Covid-19 xảy đến trong tương lai, chúng tôi nghĩ là mình có thể cải thiện tốt hơn nữa. Vì ai cũng muốn góp phần mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng, cũng như làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Điều đó sẽ thúc đẩy tất cả các ngành cùng phát triển, không riêng chuyển phát nhanh", ông Bình bày tỏ.

Ghi nhận nỗ lực này, ông Trần Quang Khôi - Quản lý Ngành hàng TikTok Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp ngành chuyển phát nhanh đã có những bước tiến rất dài trong 2 năm qua, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của lĩnh vực TMĐT, nhất là trong bối cảnh "ai ở đâu, ở yên đấy". Sau tất cả những đổi mới này, người tiêu dùng cuối cùng chính là người được hưởng lợi nhất.

"Người tiêu dùng cuối cùng là người hưởng lợi. Hưởng lợi những điểm gì? Đó là mức chi phí giao nhận khá là cạnh tranh, nhận hàng nhanh… Người tiêu dùng hài lòng thì người bán hàng cũng vui mừng, các sàn cũng sẽ tăng doanh số", ông Khôi nói.

Ngành chuyển phát nhanh chủ động đổi mới để vượt bão - 4
Ông Trần Quang Khôi - Quản lý Ngành hàng TikTok Việt Nam (Ảnh: Hải Long).

Nhượng quyền bưu cục - Mô hình kinh doanh mới nhiều tiềm năng

Cũng tại số phát sóng thứ 2 của chuỗi tọa đàm Chỉ Dẫn Đỏ, các chuyên gia đã cùng chia sẻ về tiềm năng của mô hình kinh doanh khá mới - nhượng quyền bưu cục. Đây là mô hình đã phổ biến trên thế giới nhưng lại khá mới ở Việt Nam.

Nhượng quyền bưu cục là hình thức mua nhượng quyền kinh doanh dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng hóa xuất hiện tại Việt Nam lần đầu tiên năm 2018. Mô hình này đã được J&T Express triển khai ở các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam vào năm 2020. Nhưng do Covid-19, nên đến quý III/2021, chương trình mới được thí điểm ở một vài tỉnh thành như Nha Trang, Nghệ An, Bắc Ninh, Hải Phòng… và bước đầu nhận được những tín hiệu tích cực.

Qua Covid-19, nhiều người lao động tại các tỉnh thành quyết định không về lại thành phố lớn. Họ cảm thấy nếu dịch bùng lần nữa thì gánh nặng quá lớn cho xã hội và gia đình. Thay vào đó, họ mong muốn được phát triển ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mô hình nhượng quyền của J&T Express mở rộng khắp 63 tỉnh thành là hình thức startup tiềm năng được nhiều người lựa chọn.

"Với những người có sẵn mặt tiền, các điều kiện cần thiết cũng như có nhu cầu tham gia mô hình nhượng quyền bưu cục, chúng tôi sẵn sàng đến tận nơi để set up và hỗ trợ mọi thứ. Các anh chị không có các điều kiện trên nhưng mong muốn tham gia, chúng tôi cũng có nhiều cách để họ có thể làm quen với mô hình này, như mở điểm thu gom sử dụng nền tảng của J&T Express. Chúng tôi sẽ hướng dẫn cho họ hiểu nhượng quyền bưu cục thì cần chuẩn bị những điều kiện gì. Do đã quá quen với khu vực nơi đó, khi mở một bưu cục, họ sẽ có lượng hàng dồi dào để kiếm thêm thu nhập thụ động về sau", ông Bình chia sẻ.

Ngành chuyển phát nhanh chủ động đổi mới để vượt bão - 5
Ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam (Ảnh: Hải Long).

Đánh giá về nhượng quyền bưu cục, ông Đỗ Hữu Hưng cho biết, đây là một trong những hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ. Một doanh nghiệp truyền thống, dù có nguồn lực lớn đến đâu thì trong quá trình phát triển cũng đến lúc bị giới hạn về nguồn vốn, nhân lực, chưa nói đến các rủi ro khác. Kinh tế chia sẻ nghĩa là cho các đơn vị khác tham gia cùng mình trên nền tảng, để chia sẻ tài nguyên, rủi ro cũng như giúp dịch vụ đó đến với nhiều đối tượng hơn.

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp được đánh giá là kỳ lân (unicons) hiện nay đều theo mô hình kinh tế chia sẻ. Ví dụ như AirBnB không sở hữu bất kỳ khách sạn nào nhưng có hệ thống gần 10 triệu phòng, nhiều hơn bất kỳ chuỗi khách sạn nào trên thế giới, ông Hưng dự báo.

Chuỗi tọa đàm Chỉ Dẫn Đỏ là chương trình do thương hiệu J&T Express - Giao hàng chuyển phát nhanh phối hợp cùng Báo Dân trí thực hiện. Với 4 kỳ phát sóng liên tục, chương trình sẽ mang đến cái nhìn cặn kẽ và chính xác về những thay đổi, cải tiến của ngành kinh doanh trực tuyến và chuyển phát nhanh. Từ đó, mang xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm