Ngàn tỷ biến mất, nhà đại gia nhìn nhau tháo chạy
Người nhà của hàng loạt đại gia dồn dập bán tháo cổ phiếu thời gian gần đây khi mà thị trường cổ phiếu biến động mạnh, cổ phiếu lao dốc không phanh. Cú bán tháo kịp thời đã đem về cho họ những khoản lời rất lớn.
Ồ ạt bán tháo
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), bà Nguyễn Thị Thu Tâm và Nguyễn Thị Thu Thảo, em gái ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã đăng ký bán ra lượng lớn cổ phiếu MWG để phục vụ mục đích tài chính cá nhân.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Thảo đã đăng ký bán ra 30.000 cổ phiếu MWG trong tổng số 167.176 cổ phiếu nắm giữ (0,052%). Dự kiến giao dịch sẽ được thực hiện từ ngày 28/5 đến 24/6 thông qua thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Mục đích là để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, em gái ông Tài, đăng ký bán ra 60.000 cổ phiếu MWG trong tổng số 120.864 đơn vị nắm giữ (0,019%).
Hai em gái ông Tái bán cổ phiếu MWG trong bối cảnh cổ phiếu của hãng bán lẻ điện thoại di động (và gần đây đẩy mạnh sang mảng điện máy và tạp hóa) đang hồi phục nhẹ sau khi tụt giảm mạnh từ mức 135.000 đồng/cp xuống dưới ngưỡng 100.000 đồng/cp trong thời gian ngắn.
Với lần đăng ký bán ra này, nếu thành công, hai cô em gái ông Nguyễn Đức Tài sẽ thu về tổng cộng hơn 10 tỷ đồng.
Gần đây, cổ phiếu Thế Giới Di Động chịu áp lực bán rất mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm chung và nội tại doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Đức Tài gặp nhiều trục trặc, trong đó có những khó khăn từ mảng bán lẻ tạp hóa (với chuỗi Bách Hóa Xanh), một mảng kinh doanh được coi là chủ lực của tập đoàn này trong tương lai.
Thế Giới Di Động cũng gặp khá nhiều khó khăn với mảng điện máy, kể cả sau khi đã thâu tóm được đối thủ miền Bắc Trần Anh.
Ông Nguyễn Đức Tài gần đây thừa nhận đã vội vàng trong việc đưa Bách Hóa Xanh vào các khu dân cư khiến chuỗi này chịu lỗ trước thuế khoảng 60 tỷ đồng. MWG đã phải đóng cửa 3 cửa hàng, ngưng kế hoạch triển khai 7 cửa hàng và giảm chiến lược mở rộng từ 1.000 cửa hàng xuống chỉ còn 500 cửa hàng.
Trong tuần qua, giới đầu tư cũng chứng kiến một cú tháo chạy từ người nhà Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ . Vợ Chủ tịch Lê Phước Vũ đã bán xong 19 triệu cp HSG bất chấp cổ phiếu này rớt giá chưa từng có trong vòng khoảng 4 tháng qua, từ mức 28.000 đồng/cp xuống dưới ngưỡng 12.000 đồng/cp.
Công ty TNHH một thành viên Tâm Thiện Tâm của vợ ông Lê Phước Vũ đã bán thỏa thuận 19,2 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen vào hôm 23/5, với tổng trị giá sang tay hơn 230 tỷ đồng (giá 12.000 đồng/cp), tương ứng chuyển giao 5,49% vốn điều lệ.
Công ty Tâm Thiện Tâm là công ty do bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen làm Chủ tịch. Bà Hoàng Thị Hương Xuân cũng là em gái ông Hoàng Đức Huy, Phó TGĐ Tập đoàn Hoa Sen.
Trăm tỷ tiêu việc cá nhân
Trước đó, hồi giữa quý 1, ông Trần Kinh Doanh, thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động, cũng bán bớt cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động, thu về gần 70 tỷ đồng. Sau giao dịch ông Trần Kinh Doanh còn sở hữu 2 triệu cổ phiếu MWG.
Bên cạnh đó, ông Trần Huy Đông, anh trai ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng BKS cũng đăng ký bán bớt 10.000 cổ phiếu. Về phía các cổ đông nước ngoài, sau Mekong Enterprise đến lượt CDH Electric đã thoái hết vốn tại MWG trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua.
Trước đó, bà Trần Uyển Nhàn - Thành viên HĐQT, vợ ông chủ Thép Nam Kim (NKG) đã bán hết gần 12 triệu cổ phiếu NKG (tương ứng 9,1% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết) thu về khoảng 480 tỷ đồng để giải quyết việc cá nhân.
Ông Vũ và người nhà bán nhiều cổ phiếu HSG.
Bà Trần Uyên Nhàn là vợ ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Thép Nam Kim. Hiện cá nhân ông Quang đang sở hữu hơn 13,44 triệu cổ phiếu NKG tương ứng 10,34% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.
Cuối 2017, cổ đông lớn CTCP Tàu cao tốc Superdong (SKG) liên tiếp thoái vốn cổ phần bất chấp cổ phiếu bốc hơi 40% trong thời kỳ TTCK đang sôi động. Ông Puan Kwong Siing - TGĐ đã bán 600.000 cổ phiếu SKG sau khi đã bán 1 triệu cổ phiếu SKG trước đó khoảng 1 tháng.
Hàng loạt cổ đông lớn hoặc người nhà các ông chủ lớn của doanh nghiệp bán cổ phiếu ra trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm xuống liên tục và còn tiếp tục giảm mạnh trước đó. Những cú bán tháo đã đem về cho họ những khoản lời rất lớn.
Cổ đông lớn Superdong liên tiếp bán cổ phiếu trong bối cảnh doanh nghiệp này dính lùm xùm liên quan đến việc hàng loạt cổ đông nội bộ công ty này tranh thủ bán cổ phiếu trước khi có thông tin về việc bị truy thu thuế hàng chục tỷ đồng. Chỉ khoảng 2 tháng sau đó, cổ phiếu SKG tụt giảm từ mức 35.000 đồng/cp xuống còn 24.000 đồng/cp.
Quyết định bán ra của vợ ông Thép Nam Kim (NKG) Trần Uyển Nhàn có lẽ cũng rất hợp lý. Mức giá khi bà Nhàn bán khoảng 40.000 đồng/cp, nhưng hiện tại cổ phiếu này đã bốc hơi thêm khoảng 50%, xuống còn 20.000 đồng/cp.
Ông Lê Phước Vũ trước đó cũng đã có một cú bán cổ phiếu HSG ở mức đỉnh (tháng 6-7/2017) thu về hàng trăm tỷ. Giai đoạn từ 1/6 đến 7/6/2017, ông Vũ đã hoàn tất bán ra hơn 9,58 triệu cổ phiếu HSG đăng ký trước đó. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân trên dưới 32.000 đồng/cổ phiếu, thu về khoảng 300 tỷ đồng. Cho tới thời điểm hiện tại, cổ phiếu HSG có giá chỉ còn chưa tới 12.000 đồng/cp.
Các DN ngành thép gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là triển vọng trong tương lai. Những quyết định áp thuế liên tục của Mỹ khiến các NĐT lo ngại về các cổ phiếu này. Hôm 23/5, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định áp mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên tới hàng trăm phần trăm đối với các sản phẩm thép của Việt Nam, sau khi vừa áp thuế nhập khẩu 25% đối với sản phẩm thép từ gần như tất cả các nước.
Thép Việt Nam vào Mỹ phải chịu thuế kép, cao hơn nhiều so với thép của các nước khác và là hậu quả của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo M. Hà
VietnamNet