1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân sách không đủ, phải vay để trả nợ

(Dân trí) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc bố trí trong cân đối NSNN không đủ để trả nợ đến hạn, nên dẫn tới phải vay để trả các khoản nợ đến hạn, từ mức 72.000 tỷ đồng năm 2014 lên con số dự kiến 125.000 tỷ đồng năm 2015.

Nợ công đang tăng mạnh

Sáng nay (11/11), ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, hiện có một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị báo cáo rõ về tình trạng nợ công và đảo nợ tăng lên hàng năm, đề nghị tăng cường hơn nữa kỷ cương đầu tư, kỷ luật tài chính, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển

UBTVQH đánh giá, trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế và đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, giáo dục, y tế... phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư từ NSNN. Trong khi đó, đầu tư phát triển chủ yếu được sử dụng từ nguồn đi vay.

UBTVQH ghi nhận, mặc dù vẫn còn tình trạng sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, song vốn vay đã bổ sung nguồn lực đáng kể cho đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc tăng chi đầu tư từ NSNN để thúc đẩy kinh tế vượt qua khó khăn, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đã dẫn tới mức dư nợ công có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2011 mức dư nợ công là 50%GDP, dự kiến cuối năm 2015 ở mức 61,3%GDP.

Nguyên nhân chủ yếu được cho biết do bội chi NSNN và phát hành trái phiếu Chính phủ ở mức cao. Việc bố trí trong cân đối NSNN không đủ để trả nợ đến hạn, nên dẫn tới phải vay để trả các khoản nợ đến hạn: năm 2013 là 40.000 tỷ đồng; năm 2014 là 72.000 tỷ đồng; dự kiến năm 2015 là 125.000 tỷ đồng.

UBTVQH cho biết, mặc dù số vay đảo nợ không làm tăng thêm mức dư nợ công và dư nợ Chính phủ, nhưng việc phải vay đảo nợ nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động thực tế và làm tăng chi phí do phải thanh toán lãi vay tính trên số vay đảo nợ.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần xác định lộ trình và kiên trì giảm bội chi NSNN hàng năm, ưu tiên đảm bảo thanh toán đầy đủ các khoản nợ (cả gốc và lãi) đến hạn của NSNN, giảm mức vay đảo nợ.

Rủi ro về tỷ giá khi phát hành trái phiếu quốc tế

Ông Hiển cũng cho biết, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn để phát triển đất nước và tăng ngoại tệ quốc gia. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng, vì làm tăng nợ nước ngoài của quốc gia và có thể gặp rủi ro về tỷ giá.

Theo đánh giá của UBTVQH, hiện tại, việc huy động các nguồn lực trong nước gặp nhiều khó khăn do thị trường phát hành trái phiếu trong nước chưa phát triển, trong khi áp lực vay để bù đắp bội chi và vay đảo nợ do bố trí cân đối ngân sách không đủ trả nợ đến hạn ngày càng gia tăng trong ngắn hạn từ nay đến năm 2018.

Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về chủ trương phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế trong năm 2015 và năm 2016 để vay vốn nước ngoài (không quá 3 tỷ USD) nhằm cơ cấu lại nợ Chính phủ trong nước, giãn thời gian trả nợ, giảm đỉnh nợ.

Điều này tuy có thể làm tăng nợ nước ngoài của Chính phủ hoặc phát sinh rủi ro về biến động tỷ giá, lãi suất, ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu trong nước, nhưng xét về yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay là cần thiết, nếu huy động được vốn dài hạn hơn, chi phí vay vốn bằng hoặc rẻ hơn, đồng thời sẽ góp phần tăng cung ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ khi nền kinh tế đang có xu hướng nhập siêu, giảm áp lực đối với tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô.

UBTVQH cho rằng, việc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước với mức lãi suất hợp lý và thời hạn dài hơn sẽ giảm bớt áp lực trả nợ trong ngắn hạn.

Bích Diệp

Ngân sách không đủ, phải vay để trả nợ - 2