Ngân hàng Việt giữa "tâm dịch" TPHCM: Có khoảng 10.000 tài khoản mới/ngày

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Trong một ngày ngân hàng MB có 1,1 triệu giao dịch, giao dịch trên kênh số chiếm 92-93%; ACB tại "tâm dịch" TPHCM cho biết những ngày này đã có khoảng 10.000 tài khoản mới/ngày... do chuyển đổi số.

Hơn 94% các ngân hàng chuyển đổi số

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, cuộc đua ngân hàng số đã và đang diễn ra sôi nổi tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh phải thay đổi thói quen từ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, thanh toán, dịch vụ… nhằm thích nghi với chống dịch Covid-19. Nhờ số hóa, các dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện.

Theo thống kê hiện có hơn 94% các ngân hàng thương mại đã tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi số. Theo ông Hùng, chính sự khôn ngoan và tầm nhìn xa này, các ngân hàng đã thu hút được một lượng khách hàng rất lớn cũng như lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn. Đây cũng chính là lý do các ngân hàng không đặt vấn đề thu phí khách hàng.

Ngân hàng Việt giữa tâm dịch TPHCM: Có khoảng 10.000 tài khoản mới/ngày - 1

Các ngân hàng đang chạy đua về ngân hàng số (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, xét một cách khách quan và trực diện, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam còn chưa có tính tổng thể. Việc đầu tư hạ tầng theo phương thức triển khai phần mềm với các chương trình máy tính được cài đặt trên cơ sở hạ tầng tại chỗ của khách hàng thay vì một máy chủ bất kỳ qua internet như máy chủ đám mây (on-premies) vẫn là chính nên năng lực về hạ tầng công nghệ hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ ứng dụng công nghệ số.

Một số ngân hàng đã tiếp cận dịch vụ điện toán đám mây, song vẫn còn những tranh luận liên quan đến việc sử dụng công nghệ mới này; chuyển đổi số mới tập trung chủ yếu ở số hóa kênh phân phối, các sản phẩm truyền thống của ngân hàng như lending, deposit vẫn còn phải thực hiện theo quy trình bán tự động.

Ngân hàng Việt kiến tạo hệ sinh thái ngân hàng số thế nào?

Trao đổi tại tọa đàm "Xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số: Xu hướng và sáng kiến chiến lược" do Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tập đoàn IEC và Công ty Backbase tổ chức vào hôm nay (8/9), bà Trần Diễm Chi, đại diện Backbase tại Việt Nam cho biết, các ngân hàng đã chủ động hơn với nhu cầu của khách hàng. Các ngân hàng đang hướng đến cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm, đó là lý do cho sự gia tăng quan hệ đối tác trong hệ sinh thái ngân hàng hiện nay.

Chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số tại BIDV, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Bán lẻ và Trung tâm Ngân hàng số của BIDV, chia sẻ là một ngân hàng lớn nên việc chuyển đổi số tại BIDV tạo ra nhiều áp lực. Do vậy chuyển đổi số tại BIDV cũng tạo ra sự khác biệt.

Trong quá trình chuyển đổi số, BIDV đã lựa chọn tham gia vào hệ sinh thái của các đối tác và cộng hưởng với đối tác để tạo giá trị tốt nhất cho hai bên và đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao cũng cho biết, kiến trúc hệ sinh thái số của BIDV được chia làm 3 lớp. Lớp thứ nhất là dịch vụ ngân hàng cơ bản (BIDV sở hữu và quản trị). Lớp thứ hai là dịch vụ ngân hàng bổ sung thêm (dịch vụ quản lý chi tiêu, quản lý thuế... Với các dịch vụ này, BIDV vẫn quản lý và sở hữu công nghệ lõi). Lớp thứ ba là các dịch vụ đời sống cho khách hàng (sức khỏe, nhà hàng, nghỉ dưỡng.... khi ngân hàng lựa chọn tham gia vào hệ sinh thái của các đối tác).

Từ thực tế tại TPBank và quan sát các ngân hàng khác, ông Đinh Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng cá nhân TPBank, cho biết, hệ sinh thái ngân hàng số tại Việt Nam đang tập trung tại 3 hoạt động chính. Thứ nhất, các ngân hàng đang xây dựng cho mình năng lực (năng lực công nghệ) để phát triển hệ sinh thái; thứ hai, hợp tác với các công ty công nghệ, nhằm cải thiện quá trình giao dịch và cung cấp dịch vụ ngân hàng; thứ ba, các ngân hàng tích cực kết nối với các công ty fintech để cung cấp các sản phẩm để gia tăng giá trị cho khách hàng.

Còn theo ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), chuyển đổi số và tạo lập hệ sinh thái ngân hàng số có quá nhiều ưu thế cho các ngân hàng, qua đó sẽ giúp ngân hàng giải được bài toán trải nghiệm và tiếp cận với số lượng khách hàng nhanh mà không cần phải mở rộng đầu tư chi nhánh và phòng giao dịch.

Năm 2016, MB xác định đầu tư nền tảng cho cá nhân (AppMB) và cho doanh nghiệp (BizMB). Gần đây, MB có nghiên cứu và triển khai mô hình smartbank nhằm chuyển đổi từ online sang offline, gộp khoảng 30 loại dịch vụ được thực thi tại smartbank. MB đã triển khai mô hình mới này tại 30 điểm trọng điểm, qua đó giúp giải quyết cơ bản vấn đề chuyển từ online sang offline.

Năm 2018, MB lập khối Ngân hàng số, với mục tiêu đạt 8 triệu giao dịch/năm trên kênh số. Nhưng đến năm nay, trong một ngày ngân hàng đã có 1,1 triệu giao dịch và giao dịch trên kênh số chiếm 92-93%.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách kinh doanh Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cho biết là ngân hàng có trụ sở chính tại TPHCM nên ACB cảm nhận rất sâu sắc về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới kinh tế và xã hội. Khi TPHCM yêu cầu giãn cách, ACB đã đóng cửa hơn 100 điểm giao dịch nhưng tất cả các yêu cầu của khách hàng vẫn được đáp ứng đầy đủ.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số trong những năm qua (ví dụ như cho ra mắt mở tài khoản trực tuyến bằng eKYC) đã đem lại hiệu quả rất lớn. Ban đầu khi đưa ra dịch vụ này, ngân hàng kỳ vọng sẽ mở được 3.000 tài khoản mới/khách hàng mới trong một ngày nhưng đến những ngày gần đây đã có khoảng 10.000 tài khoản mới/ngày...

Để đẩy nhanh tiến trình số hóa ngân hàng và xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số, đại diện các ngân hàng đề nghị các chính sách ban hành cần tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho hệ sinh thái số ngân hàng, nếu không giải quyết căn bản, quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra rất chậm. Bên cạnh đó cũng cần hướng đến không gian dịch vụ ngân hàng tới đâu, vì chúng ta đang hướng đến tài chính toàn diện nên việc kết nối rộng rãi hay cho phép phát triển ngân hàng đại lý càng mở rộng càng tốt.

"Đã là hệ sinh thái, càng kết nối được rộng thì càng tốt", ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết tất cả ý kiến góp ý tại buổi tọa đàm sẽ được tiếp thu, tổng hợp để báo cáo. Ngoài ra, cũng theo ông Hiển thời gian sắp tới Ban cũng sẽ tổ chức nhiều buổi trao đổi, tham vấn về chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng.