Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Làm ngân hàng số thực chất là ...đổi nghề"
(Dân trí) - Sáng nay (26/9), trong buổi làm việc với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ rất thú vị về mô hình ngân hàng số (NHS).
Làm ngân hàng số là ...đổi nghề!
Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc sáng nay, đại tá Lưu Trung Thái cho biết, trong 3 năm 2017-2020, MB đã có những bước phát triển nhanh: Doanh thu tăng gấp 3 lần, từ 12.000 tỷ đồng năm 2016 lên tới 32.000 tỷ đồng (trung bình răng 28%/năm). Lợi nhuận tăng 2,8 lần, đạt 10.036 tỷ đồng nhưng MB luôn duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.
Thượng tướng Lê Hữu Đức- Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho biết ngân hàng này đang chiến lược trọng tâm là xây dựng ngân hàng số (NHS), để đạt 10 triệu khách hàng mới vào năm 2021.
"Hiện MB đã và đang hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ thế giới . Tối ưu hóa các giải pháp trong chiến lược chuyển đối số và đã có một số thành công. Năm 2019 đã có 4 triệu khách hàng mới và năm nay dù tình hình khó khăn cũng phải đạt 2,5 triệu", ông Đức nói.
Theo đại tá Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB, mấy năm qua, nhiều ngân hàng cũng có kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng NHS. MB cũng đã chính thức có quyết định xây dựng NHS từ năm 2017 và là ngân hàng đầu tiên lập được NHS theo một mô hình độc lập. Ngân hàng này cũng tiến hành một loạt giải pháp kỹ thuật công nghệ để triển khai mô hình này để hết năm 2020 đã tăng được tỷ lệ giao dịch qua kênh số từ 20% lên 85%.
Hiện khối ngân hàng cũng chỉ có 2-3 ngân hàng có NHS nhưng có ngân hàng lại để mô hình này trong khối khách hàng cá nhân, phục vụ kinh doanh bán lẻ. Có ngân hàng xây dựng NHS xong nhưng lại đóng lại.
Ông Thái cũng trình bày một số mục tiêu phát triển NHS của MB trong đó nêu doanh thu kênh số của MB sẽ đạt 4% trong doanh thu toàn tập đoàn.
Nghe đến đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lắc đầu: "Như báo cáo của anh Thái thì tôi vẫn thấy đó là tư duy cơ cấu. Không nên có tư duy cơ cấu trong chuyển đổi số"
"Không nên gắn việc chuyển đổi khách hàng cũ sang khách hàng mới, không gắn doanh thu của NHS trong doanh thu là 5 hay 10% trong tổng doanh thu của cả tập đoàn nữa. Bởi NHS giống như một đứa con, nó phải có cuộc đời riêng. Ngân hàng truyền thống và ngân hàng số như 2 đứa con, nên tách ra. Chứ nếu để gộp chung vẫn là kiểu 'nửa chừng xuân', tiến thoái lưỡng nan", Bộ trưởng Hùng nói.
Nói thêm về mô hình NHS, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Chuyển đổi số là thay đổi toàn bộ cơ cấu với ngân hàng, là đổi nghề, đổi nghề làm ngân hàng sang làm công nghệ, cần có tư duy khác. Như hãng Alibaba lớn hơn ngân hàng truyền thống 4 lần nhưng họ không có cửa hàng giao dịch nào cả. Những người làm NHS tốt nhất lại là không có nghề ngân hàng".
Vẫn phải dựa trên cốt lõi
Theo đại diện MB, mặc dù vậy, phát triển NHS vẫn đối diện với hàng loạt vướng mắc như sẽ phải có những sản phẩm không liên quan đến ngân hàng như bán phần mềm quản lý giáo dục, y tế, bán hàng ...và về mặt kế toán, ghi nhận doanh thu kiểu gì để cơ quan quản lý không "thổi còi": Tại sao ông làm chuyện đó và rất nhiều chính sách ràng buộc.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng, nếu làm kinh tế chung, cả bán rau, bán gà...thì quá rộng nên ngân hàng vẫn phải làm những lĩnh vực liên quan đến cái "lõi" của mình. "Vẫn phải xoay quanh lõi và tăng cường mở rộng hợp tác. Tôi 'nở" ra dựa trên giá trị tôi có. Tôi nhập một công ty vào mà sở hữu của tôi vẫn dưới 50% thì không sao cả", ông góp ý.
Còn về ý kiến làm sao để NHS thoát được ràng buộc của các quy định pháp lý, theo Bộ trưởng Hùng, ý kiến đó chưa đúng, vấn đề là cần đưa ra phương pháp đạt kết quả tốt hơn để thuyết phục nhà quản lý chứ không phải trốn tránh quy định.
"Không có mục tiêu hoang tưởng, không có chuyển đổi số"
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, để phát triển vượt bậc, Ngân hàng Quân đội cần đặt ra những mục tiêu..."hoang tưởng" hơn. Ông nói: "Không có mục tiêu hoang tưởng, không có chuyển đổi số".
Cụ thể hơn về điều này, khi Tổng giám đốc MB, ông Lưu Trung Thái đặt câu hỏi: "Thưa Bộ trưởng, nếu coi NHS độc lập thì liệu đặt mục tiêu 10 triệu khách hàng mới với MB có quá cao?", Bộ trưởng Hùng nói: "Có một ngân hàng đã 124 năm ở Kenya, trong 2 năm vừa rồi họ chuyển đổi số mà đã có thêm 6 triệu khách hàng mới. Kenya họ có 45 triệu dân mà nước mình có dân số hơn gấp đôi, MB có tuổi đời 16 năm, trẻ hơn 6 lần ngân hàng kia. Thì mình hoàn toàn có thể gấp ...6, hay ít nhất cũng phải đạt số khách hàng mới gấp đôi. Ít nhất MB cũng có vài cơ sở, vấn đề là lãnh đạo phải nắm được thông tin để tự tin vào con số đó".
Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, Bộ TT&TT cùng với tập đoàn Viettel vẫn đang xúc tiến đẩy mạnh đề án Mobile Money (thanh toán, chuyển tiền qua tài khoản viễn thông) có thể mở rộng tới 100 ngàn điểm giao dịch đến các vùng sâu, vùng xa, nếu các ngân hàng như ngân hàng MB có thể phối hợp với các DN viễn thông thì có thể mở rộng dịch vụ ngân hàng.
"Mobile money giúp người dân quen dần, tiếp cận dịch vụ ngân hàng qua nhà mạng. Ban đầu chỉ thanh toán mấy trăm ngàn ...nhưng khi nhu cầu đến hàng triệu đồng thì họ phải qua ngân hàng. Vậy thì ngân hàng phải hợp tác để đón vì các nhà mạng chỉ làm được một số cái đơn giản. Làm được cái này sẽ tự nhiên giải được con số mục tiêu có thể đặt ra là 24 triệu khách hàng mới cho MB. Cho nên, nên tư duy đối thủ ít đi, tư duy đối tác, hợp tác nhiều hơn. Đây hoàn toàn là do góc nhìn", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các cục, vụ chức năng của Bộ TT&TT cũng đóng góp nhiều ý kiến cho Ngân hàng TMCP Quân đội. Theo ông Nguyễn Huy Dũng- Cục trưởng Cục Tin học hóa, MB là một trong những đơn vị thực hiện chuyển đổi số nhanh nhất trong các đơn vị mà Bộ TT&TT đã làm việc. Ông Dũng cho rằng, MB lên tăng cường, mở rộng hợp tác với các đối tác, DN công nghệ, nhất là các nhà mạng, tuyển dụng, hợp tác với các chuyên gia về dữ liệu, trí tuệ nhân tạo... để xây dựng nền tảng công nghệ kết nối với 44.000 cơ sở giáo dục, 14.000 cơ sở y tế, hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác.
Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, MB cần chuyển dịch từ nền tảng cũ sang nền tảng mới, thu thập nhiều dữ liệu khác nhau- những dữ liệu công khai, cá nhân hóa cho từng người dùng. "Nếu chỉ sử dụng dữ liệu hồ sơ, tổ chức, khách hàng vốn có thì không thể nào tận dụng, cạnh tranh được với các hãng lớn", ông Cường nói.