Ngân hàng vẫn lãi "khủng"

(Dân trí) - Trong gần 10 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh cả năm, chỉ BIDV và Agribank ghi nhận lợi nhuận sụt giảm nhẹ, số còn lại vẫn duy trì mức tăng trưởng dương.

Theo đó, Vietcombank đạt 23.068 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương năm ngoái và vẫn là quán quân của ngành; VietinBank với tổng lợi nhuận riêng lẻ trước thuế đạt 16.450 tỷ đồng; Agribank đạt gần 13.000 tỷ đồng lợi nhuận; lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 9.017 tỷ đồng...

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, MSB là ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận tới 94% so với năm 2019, ước đạt 2.500 tỷ đồng, hoàn thành 174% kế hoạch đặt ra.

MB có lợi nhuận tăng nhẹ 6,5% đạt gần 10.700 tỷ đồng; TPBank tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch.

Báo cáo thống kê về tình hình kinh doanh quý 3/2020 và 3 quý năm 2020 của 21 ngân hàng niêm yết do Công ty FiinGroup thực hiện cho thấy, khối ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng rất tốt trong quý 3/2020 với tổng thu nhập hoạt động tăng 10,8% và lợi nhuận sau thuế tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 9,4%, hoạt động dịch vụ tăng 31,4% và các hoạt động còn lại bao gồm: mua bán ngoại tệ, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, góp vốn/mua cổ phần... tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi ròng (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý 2/2020 lên 0,89%.

Ngân hàng vẫn lãi khủng - 1

Tổng hợp báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, dù mặt bằng lãi suất sụt giảm liên tục nhưng nhiều ngân hàng trong năm 2020 vẫn đạt lợi nhuận khá cao.

Một số ngân hàng chạy đua để lên sàn, chuyển sàn có lợi nhuận 11 tháng đã vượt kế hoạch năm 2020. Trong đó, ACB vượt kế hoạch năm 14% trong vòng 11; MSB vượt kế hoạch năm 60%...

Báo cáo tài chính cũng cho thấy, thu nhập từ các mảng hoạt động phi tín dụng là động lực tăng trưởng chính của nhiều ngân hàng trong năm nay, đặc biệt ở hoạt động đầu tư chứng khoán, hoạt động dịch vụ.

Chỉ ra những nguyên nhân giúp lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại duy trì ở mức cao, Công ty Chứng khoán SSI cho thấy là do thu nhập ngoài lãi tăng mạnh, nhất là thu nhập từ phí và hoa hồng. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng và kiều hối cũng đều phục hồi.

Nhiều ngân hàng thương mại Nhà nước ghi nhận mức lãi ngoại hối lớn do nguồn ngoại tệ dồi dào và tỉ suất lợi nhuận lớn vì giá chào mua cao hơn của Ngân hàng Nhà nước cũng giúp các ngân hàng thương mại gặt hái lợi nhuận.

Như tại VietinBank, lợi nhuận ngân hàng tăng trong năm 2020 chủ yếu nhờ tiết giảm chi phí hoạt động và tăng thu hoạt động ngoài lãi. Cụ thể, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng này tăng tới 35,2% so với năm 2019 giúp tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 16,5% lên gần 20,1%. Trong đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vốn tăng đột biến 70%, thu thuần dịch vụ tăng gần 12%, thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ tăng 24%.

Tương tự tại Vietcombank, thu nhập từ phi tín dụng của ngân hàng này chiếm tỷ trọng 49,8% trong tổng doanh thu năm 2020, tăng 10,7% so với năm 2019. Trong đó, thu thuần từ hoạt động kinh doanh vốn và đầu tư chiếm 21,1%...

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay không giảm tương xứng là một trong những lý do giúp ngân hàng vẫn báo lãi khả quan trong năm 2020. Biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng thậm chí còn được cải thiện từ nửa cuối năm 2020. Thu nhập lãi thuần của nhiều ngân hàng vẫn có tăng trưởng dương so với năm 2019.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho hay, ngành ngân hàng phân hóa mạnh trong thời kỳ dịch bệnh tác động mạnh lên nền kinh tế, qua đó ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng và chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hỗ trợ nền kinh tế bằng các biện pháp như hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả, miễn, giảm lãi suất và duy trì nhóm nợ. Những hành động kịp thời này ngay từ đầu năm - khi đại dịch vừa bùng phát - đã giúp duy trì đà tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế.

"Điều này hứa hẹn sự phục hồi tăng trưởng tín dụng vào năm 2021, kéo theo đó là thu nhập hoạt động của các ngân hàng. Sự tăng trưởng này được kỳ vọng sẽ còn được hỗ trợ bởi một số ngân hàng cải thiện bộ đệm vốn và thanh khoản hệ thống dồi dào", Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng mong muốn, trong bối cảnh còn khó khăn này, ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất. Câu hỏi mà Thủ tướng đặt ra với các lãnh đạo ngân hàng rằng là "năm nay, ông chia sẻ với người dân thế nào, ông giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu".