1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Thực hư việc ngân hàng lãi lớn, vượt kế hoạch

An Hạ

(Dân trí) - Nhiều ngân hàng báo lãi, thậm chí vượt kế hoạch đề ra ban đầu do kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận gia tăng từ kinh doanh ngoại hối, chứng khoán và một phần kế hoạch được đặt ra thận trọng.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 20 ngân hàng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng vừa qua. Trong đó có không ít ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra và có 3 ngân hàng báo lãi vượt kế hoạch, gồm: Saigonbank, MSB và LienVietPostBank.

Báo cáo tài chính từ các ngân hàng công bố cho thấy, nhiều ngân hàng công bố báo lãi, thậm chí vượt kế hoạch đề ra ban đầu do kết quả kinh doanh tích cực, nhưng cũng có ngân hàng do kế hoạch đặt ra thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Điển hình như Saigonbank có lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 200 tỷ đồng, nhưng do "cẩn thận" nên đặt mục tiêu năm 2020 chỉ ở mức 130 tỷ đồng. Bởi vậy, dù trên thực tế lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng âm khi so với cùng kỳ, nhưng cũng đã vượt kế hoạch.

Báo cáo tài chính hiện cũng cho thấy có đến 14 tổ chức báo lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng trưởng thậm chí tính bằng lần.

Thực hư việc ngân hàng lãi lớn, vượt kế hoạch - 1

Nhiều ngân hàng bội thu do kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng qua (ảnh minh họa)

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 15.965 tỷ đồng và là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về con số lợi nhuận. Đây cũng là ngân hàng mạnh trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối khi ghi nhận 2.963 tỷ đồng lãi thuần trong 9 tháng qua và riêng trong quý 3 đóng góp 1.034 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16,9% và 14% so với cùng kỳ năm trước.

Sacombank và MBB đạt lợi nhuận trước thuế 9 tháng tương ứng 2.325 tỷ đồng và 8.134 tỷ đồng. Trong quý 3/2020 ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm nhẹ, nhưng tính chung 9 tháng Sacombank và MB ghi nhận mức tăng trưởng lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối lần lượt 32% và 9,8%, tương ứng với giá trị 558 tỷ đồng và 518 tỷ đồng.

9 tháng qua, tổng thu nhập hoạt động của ABBANK đạt 2.578 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lãi từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng tăng 24,7% đạt 139 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 147% đạt 342 tỷ đồng.

ACB có lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 6.400 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng thu nhập chính trong 9 tháng của ngân hàng này vẫn chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần, tăng 15,8% so với cùng kỳ và đạt 10.166 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn ghi nhận lãi đột biến từ mua bán chứng khoán đầu tư, đạt 700 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lãi vỏn vẹn 3,6 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng cao, có lãi 488 tỷ đồng, tăng 67,7% so với cùng kỳ.

Xét về tăng trưởng, 5 ngân hàng có tăng trưởng lãi thuần kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng qua gồm: TPBank (+4,7 lần), Saigonbank (+2,75 lần), Seabank (+2,27 lần), ABBANK (+1,47 lần), MSB (+1,33 lần).

Chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ trong 9 tháng gồm VPBank (-220 tỷ đồng), VIB (-6,8 tỷ đồng) và BacA Bank (-6,2 tỷ đồng).

Giới phân tích cho rằng, chênh lệch giá mua bán USD trong 9 tháng qua rộng hơn cùng kỳ năm trước đã giúp các ngân hàng đạt được biên lợi nhuận cao hơn trong mỗi giao dịch. Ngoài ra, giá vàng liên tục có nhiều đợt biến động và tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019 đã mang đến cơ hội vàng gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Theo điều tra, 50% tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ ”tăng”, con số này thấp hơn so với mức 59,2% tại quý trước. Nhu cầu vay vốn của khách hàng vẫn được đánh giá ”tăng” nhiều hơn nhu cầu dịch vụ thanh toán và nhu cầu gửi tiền (với 45,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm