Ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất đang làm ăn ra sao?
(Dân trí) - Dù hoạt động kinh doanh cốt lõi không thuận lợi, SCB vẫn có lãi hơn 100 tỷ đồng trong quý II nhờ khoản hoàn nhập dự phòng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với kết quả kinh doanh kém thuận lợi. SCB là nhà băng có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong nhóm các ngân hàng tư nhân sau khi được hợp nhất vào năm 2011 từ 3 ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) đều có trụ sở tại TPHCM.
Trong quý II, thu nhập lãi thuần của SCB chỉ đạt gần 200 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng thấp hơn nhiều so với huy động tiền gửi khiến thu nhập lãi thuần của SCB chỉ đạt con số khiêm tốn trong quý vừa qua.
Nếu chỉ tính riêng trong 3 tháng qua, dư nợ cho vay của ngân hàng này còn giảm gần 6.000 tỷ đồng so với thời điểm kết thúc quý I. Ở chiều ngược lại, huy động tiền gửi khách hàng của nhà băng này vẫn tăng trưởng tốt 6%.
Hoạt động lõi là tín dụng chỉ đem về thu nhập khiêm tốn, nguồn thu từ các mảng khác như hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán (trái phiếu Chính phủ) của SCB cũng đều sụt giảm so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động vẫn tương đương cùng kỳ khiến SCB lỗ thuần gần 350 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong quý vừa qua, ngân hàng này không trích lập dự phòng mà còn hoàn nhập gần 450 tỷ đồng. Nhờ đó, SCB vẫn có lãi trước thuế 101 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của nhà băng này giảm 40%.
Nhờ kết quả kinh doanh tốt của quý trước, lợi nhuận sau 6 tháng của SCB vẫn tăng trưởng gần 50%, đạt 718 tỷ đồng.
Đến hết tháng 6, tổng tài sản của SCB đạt hơn 739.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với hồi đầu năm. Tín dụng của SCB tăng trưởng 8% sau 6 tháng đầu năm trong khi huy động tiền gửi tăng đến 16% trong bối cảnh ngân hàng này luôn là một trong những cái tên đưa ra mức lãi suất gửi tiền cao nhất trên thị trường.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của SCB hiện tại còn gần 1%, giảm nhẹ sau 6 tháng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng dù giảm sau khi hoàn nhập dự phòng trong quý II nhưng vẫn ở mức cao, đạt 145%.