Ngân hàng Trung ương châu Âu lần đầu áp dụng lãi suất tiền gửi âm

(Dân trí) - Để đẩy lùi nguy cơ giảm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 5/6 đã công bố một loạt biện pháp kích thích, trong đó có việc buộc các ngân hàng thương mại phải nộp phí để gửi tiền, thay vì trả lãi như trước đây.

Chủ tịch ECB Mario Draghi đã công bố nhiều biện pháp mạnh
Chủ tịch ECB Mario Draghi đã công bố nhiều biện pháp mạnh

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


* Trung Quốc âm mưu triển khai tàu hộ vệ tới Hoàng Sa

* Samsung đầu tư trên 1 tỷ USD xây dựng nhà máy ở TP.HCM

*SHB và VietinBank cùng muốn mua lại Công ty tài chính Vinaconex - Viettel?

* Ngân sách là tiền của dân, dân có quyền giám sát

Trong thông báo được ECB đưa ra, cơ quan này đã quyết định hạ tất cả các lãi suất chủ chốt, vốn đã luôn ở mức thấp kỷ lục từ đầu năm tới nay.

Quyết định được hội đồng thống đốc của ECB biểu quyết thông qua, theo đó lãi suất tái cấp vốn sẽ được hạ từ 0,25% xuống 0,15%/năm. Lãi suất đối với các khoản vay qua đêm từ ngân hàng trung ương các nước thành viên Eurozone, dựa trên hạn mức bảo lãnh của ECB theo một lãi suất định trước cũng được giảm từ 0,75% xuống 0,4%.

Trong khi đó lãi suất tiền gửi khi các ngân hàng thương mại gửi tiền vào ngân hàng trung ương thậm chí đã bị giảm từ mức 0% xuống -0,1%. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng sẽ phải trả tiền cho ECB để được gửi tiền vào đây.

Quyết định mạnh tay trên là không quá bất ngờ bởi các thị trường tài chính đã dự báo trước về quyết sách này, sau khi nhiều lãnh đạo ECB, bao gồm cả chủ tịch Mario Draghi không ngừng hé lộ về những bước đi như vậy những tuần gần đây.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau đó, ông Draghi đã công bố thêm nhiều biện pháp kích thích kinh tế khác.

“Hôm nay, chúng tôi đã quyết định kết hợp một số biện pháp để đem đến thêm một chính sách tiền tệ có tính hỗ trợ, giúp cho hoạt động cho vay vào nền kinh tế thực sự”, vị chủ tịch ECB tuyên bố. “Các biện pháp sẽ giúp tỉ lệ lạm phát tăng lên gần mức 2%”.

Các biện pháp này bao gồm các hoạt động tái cấp vốn kỳ hạn dài hơn, trong đó ECB sẽ cho các ngân hàng vay ở lãi suất thấp, để khuyến khích họ cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp phi tài chính vay vốn.

Bên cạnh đó, ECB đã thực hiện “công tác chuẩn bị” để thực hiện một chương trình mua lại tài sản giống như Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed đã triển khai. Chưa dừng lại ở đây, ông Draghi cho biết ECB sẽ ngừng việc trung hòa lượng thanh khoản được đưa ra theo chương trình Các thị trường chứng khoán, vốn được triển khai để mua lại trái phiếu của các nước thành viên Eurozone gặp khủng hoảng.

Tỉ lệ lạm phát của khu vực Eurozone trong tháng trước đã bất ngờ tụt xuống chỉ còn 0,5%, thấp xa mục tiêu gần 2% mà ECB đặt ra, và cũng là yếu nhất kể từ mùa Thu 2009.

Nếu Eurozone rơi vào giảm phát, người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn bởi họ kỳ vọng giá sẽ còn giảm trong những tháng tới. Và cũng vì lí do này, các nhà đầu tư sẽ ngừng đầu tư. Do vậy tăng trưởng sẽ bị đình trệ còn lực cầu của thị trường bị giảm mạnh. Hệ quả là các khoản nợ lớn mà các quốc gia Eurozone, các doanh nghiệp và ngân hàng đang đối đầu sẽ khó hoàn trả hơn.

Thanh Tùng
Tổng hợp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước