Cơn sốt của con không nóng bằng cơn mê pickleball của chồng tôi
(Dân trí) - Tôi bế con đi khám trong đêm, không đủ tiền mua thuốc. Về tới nhà, chồng hí hửng khoe cây vợt pickleball mới mua với giá 5 triệu đồng...
Tôi vốn không có ác cảm gì với bộ môn pickleball. Ngược lại, tôi thấy nó giúp người ta vận động, giao lưu, xả áp lực sau giờ làm việc. Lẽ ra, điều này là tốt nhưng vì lý do riêng, tôi vẫn khó mà yêu thích pickleball.
Bởi môn thể thao này đã “nuốt chửng” chồng tôi một cách lặng lẽ, kéo anh ra khỏi tổ ấm mà chúng tôi đã dày công xây dựng.
Chồng tôi là người hiền lành, chăm chỉ, làm kỹ sư phần mềm, từng là mẫu đàn ông của gia đình. Những năm đầu chung sống, anh luôn về nhà đúng giờ, không rượu chè, không tụ tập. Tôi từng nghĩ mình may mắn vì có được một người chồng biết nghĩ cho vợ con.
Một ngày, anh về nhà với đôi mắt sáng rỡ, tay cầm chiếc vợt pickleball mới mua. Anh kể say sưa về một bộ môn thú vị và “rất dễ chơi, em thử đi”.

Chồng tôi mải mê chơi pickleball quên cả gia đình (Ảnh minh họa: Canvas).
Ban đầu, tôi ủng hộ. Cuộc sống vốn áp lực, chồng có niềm vui thì tốt nhưng tôi không ngờ, niềm vui ấy lại biến thành cơn nghiện.
Chỉ sau vài tháng, lịch sinh hoạt của anh đảo lộn hoàn toàn. Sáng anh đi làm, chiều ghé sân, tối trò chuyện trong nhóm tìm sân chơi, “săn” các giải đấu giao lưu. Tôi nhỏ nhẹ góp ý, anh cười xòa: “Chơi một tí thôi mà, em khó tính quá”.
Nhưng cái “một tí” đó kéo dài từ chiều đến tối mịt. Con tôi mới 3 tuổi, sức đề kháng kém nên hay ốm vặt. Mấy lần con sốt, tôi gọi điện, anh không nghe máy. Đến khi anh về, tôi vừa dỗ con, vừa cằn nhằn thì anh khó chịu: “Em ở nhà có mỗi việc trông con. Anh đi chơi thể thao xíu cũng bị nói hoài”.
Tôi không phản đối chồng có đam mê riêng. Nhưng từ khi nào đam mê lại được đặt cao hơn cả trách nhiệm làm cha, làm chồng? Những bữa cơm nguội ngắt vì anh về trễ. Những cuối tuần tôi một mình dắt con đi siêu thị, đi tiêm phòng, đi chơi. Anh lúc nào cũng bận, bận chơi.
Tôi cũng từng thử chơi cùng anh để "cứu vãn" một chút gì đó gọi là kết nối. Nhưng khi ra sân, anh chỉ chăm chăm ghép đôi đánh cùng bạn bè, còn tôi lóng ngóng bên ngoài như người dưng. Chơi xong, anh cười nói với bạn bè, còn tôi lẳng lặng dắt con về.
Tệ hơn cả là lần tôi vô tình thấy trong nhóm trò chuyện pickleball, một người bạn cùng đội của anh đăng ảnh mấy cô gái mặc đồ thể thao gợi cảm và nói: “Lựa mẫu mới cho sân mình nha anh em”.
Và phản hồi lại tin nhắn đó, chính chồng tôi cũng "thả haha". Tôi không buộc tội anh có mối quan hệ bên ngoài qua chuyện nhỏ này nhưng tôi cảm thấy khó chịu. Đó là cách anh thể hiện sự tôn trọng với phụ nữ sao?
Tôi đem chuyện ra nói, anh gắt lên: “Trời, chỉ là nói chơi thôi, em nhạy cảm quá”. Tôi cười cay đắng. Phải, phụ nữ “nhạy cảm” mới là tội đồ. Phụ nữ “không biết giữ chồng” mới là người sai.
Tôi nhớ có tâm sự với người bạn chung nhóm thì nhận được lời nhận xét: “Giữ không được chồng thì đừng đổ lỗi cho một môn thể thao”. Tôi cứng họng.
Phải rồi, xã hội này lắm khi vẫn mặc định: Phụ nữ là người có trách nhiệm giữ lửa, giữ hôn nhân, giữ cả lòng chung thủy của người đàn ông. Còn đàn ông thì vô tư đắm mình trong cuộc chơi.
Nhưng tôi hỏi thật, có chồng nào cần giữ mà còn muốn ở lại? Một người đàn ông bản lĩnh, tử tế, dù xung quanh có bao nhiêu "trái cấm", anh ta vẫn biết đường về nhà. Giống như chồng của chị bạn tôi, cũng mê pickleball nhưng cứ đúng giờ cơm là về, cuối tuần là đưa vợ con đi chơi, sân chơi chỉ là phụ.
Còn chồng tôi, từ đam mê đã thành vô tâm, từ vô tâm thành lạc lối. Anh quên mất có một người phụ nữ đang mòn mỏi phía sau cánh cửa, cố gắng vun vén từng bữa cơm, từng cái áo, cái quần cho con.
Tôi không cấm anh chơi pickleball. Nhưng tôi cần anh hiểu rằng, gia đình không thể là lựa chọn thứ yếu sau các cuộc giao lưu thể thao, các nhóm trò chuyện ồn ào. Một tổ ấm chỉ thực sự là “nhà” khi cả hai người cùng muốn bước về.
Tối qua, con gái tôi lại sốt cao hơn 39 độ, nằm bẹp không ăn uống được gì. Tôi nhắn cho chồng: “Con sốt cao quá, về chở con đi khám với em nhé”.
Tin nhắn chỉ hiện “đã nhận”. Anh không trả lời. Gọi điện, anh cũng không bắt máy. Sốt ruột không thể đợi nổi, tôi mới lết xe máy chở con ra phòng khám gần nhà.
Đưa con khám xong, bác sĩ bảo con có dấu hiệu hen nhẹ, cần theo dõi sát, cho đơn thuốc hơn 3 triệu đồng. Tôi mở ví, còn đúng 800.000 đồng, tiền lương thì chưa tới kỳ. Tôi gọi lại cho anh, lần này anh bắt máy. Tôi bảo: “Con cần mua thuốc, anh chuyển cho em 3 triệu đồng để em lo liệu nhé?”.
Anh bảo: “Anh đang bận đánh nốt trận này, để tí nữa về đưa”.
Tôi ngỡ ngàng, đưa con về nhà, tạm mua thuốc hạ sốt cầm chừng. Vừa đến cửa, con nôn oẹ vì sốt cao. Tôi dỗ con, lau người, bế con nằm xuống rồi chạy xuống bếp nấu cháo. Đúng lúc đó, chồng tôi về.
Tôi chưa kịp nói gì thì thấy anh hí hửng khoe chiếc vợt mới mua: “Em coi nè, anh đặt chiếc vợt này 5 triệu đồng. Đánh nhẹ tay lắm, thắng như chẻ tre luôn".
Tôi đứng sững, tay vẫn cầm cái thìa nấu cháo. Cả người tôi như rơi vào khoảng trống vô hình.
Tôi bảo: “5 triệu đồng? Con đang sốt, không có tiền mua thuốc, còn anh thì đi mua vợt chơi bóng?”. Anh gãi đầu: “Anh có biết con bệnh tới mức đó đâu…”.
Tôi không nói nữa vì biết có nói cũng vô ích. Đây không phải lần đầu nhưng là lần tôi thấy mình kiệt sức. Sự vô tâm của anh không còn dừng ở chuyện “chưa kịp quan tâm”, mà là thờ ơ đến mức không nhận ra người thân cần mình.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.