Ngân hàng Nhà nước: Tín dụng có khả năng đạt 10%
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng cả năm 2020 có khả năng đạt 8%-10%, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông tin về những số liệu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế. Sau quý 1 tăng chậm (tháng 1 tăng 0,01%; tháng 2 tăng 0,2%; tháng 3 tăng 1,3%); sang quý 2 tín dụng có dấu hiệu tăng dần (tháng 4: 1,42%; tháng 5:1,96%; tháng 6: 3,63%); đến quý 3 tín dụng đã khởi sắc: tháng 7 tăng 4,03%, tháng 8 tăng 4,75% và đến 30/9 tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%).
Về tăng trưởng tín dụng theo ngành kinh tế: Dư nợ ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn 63%, có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 6,32%; dư nợ ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 5,89%, chiếm tỷ trọng 28,75%; tín dụng đối với ngành nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 8,66%, ước tăng 5,09%.
Trong đó, tín dụng đã hỗ trợ cho một số ngành là động lực cho tăng trưởng kinh tế cụ thể: tín dụng ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 13,31%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,36%; ngành xây dựng tăng 9,01%, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 8,08%.
Về tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên: Tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là một số lĩnh vực hiện đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 7%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 5%, tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng khoảng 5,5%.
"Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kết quả tín dụng 9 tháng đầu năm 2020 đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của cả nước đạt 2,12%, cũng như các ngành là động lực cho tăng trưởng như ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,7%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, ngành xây dựng tăng 5,02%, bán buôn và bán lẻ tăng 4,98%. Kết quả này cho thấy, điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã đi đúng hướng, các giải pháp đưa ra là kịp thời, phù hợp với thực tiễn và đang từng bước phát huy hiệu quả", thông tin cho biết.
Với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hồi phục kinh tế của Chính phủ, cùng các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của ngành ngân hàng, tín dụng những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục có mức tăng khá, dự kiến cả năm 2020 có khả năng đạt 8%-10%, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cam kết thực hiện đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế, sẽ tạo thanh khoản thuận lợi nhất để các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; tiếp tục xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Ngành ngân hàng cũng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách tín dụng, đặc biệt là Thông tư 01 tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, tập trung vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư các dự án hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm mạnh một loạt lãi suất điều hành. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là động thái tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng đây không phải yếu tố quan trọng nhất. Bởi lãi suất không phải là rào cản của tăng trưởng tín dụng mà là do sức cầu tín dụng yếu của nền kinh tế. Do vậy thời gian tới, việc hấp thụ vốn được hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như quá trình phục hồi kinh tế thế giới.