Ngân hàng Nhà nước nói gì khi giá vàng xô đổ kỷ lục mọi thời đại?
(Dân trí) - Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TPHCM lý giải nguyên do giá vàng tăng cao kỷ lục trong vòng 9 năm qua.
Trong những ngày gần đây, giá vàng thế giới biến động tăng mạnh, kéo giá vàng trong nước tăng theo và hiện giao dịch ở mức 54,8 triệu đồng mỗi lượng. Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TPHCM:
Trong những ngày gần đây, giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, từ mức 1.807 USD/ounce vào ngày 20/7 lên mức cao nhất 1.888 USD/ounce trong phiên giao dịch chiều ngày 23/7, mức cao kỷ lục trong vòng 9 năm qua.
Chỉ riêng trong ngày 23/7, giá vàng quốc tế đã tăng 39 USD/ounce, tương đương mức tăng 2,1% trong ngày.
"Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng cao là do số ca nhiễm Covid-19 không ngừng gia tăng ở nhiều nước, giới đầu tư kỳ vọng các nước đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể áp dụng thêm các gói kích thích kinh tế, đặc biệt sau khi EU thông qua gói cứu trợ “lịch sử” trị giá 750 tỷ Euro. Đồng đô la Mỹ đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua", ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết
Ngoài ra, theo ông Minh, trong ngày 23/7, những diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến giá vàng tiếp tục đà tăng mạnh.
Theo quan sát của ông Nguyễn Hoàng Minh, trên thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC tăng theo giá vàng quốc tế, có thời điểm mức giá bán vàng miếng SJC trong nước tăng lên mức 54,9 triệu đồng/lượng trong chiều ngày 23/7.
"Tuy nhiên, giá vàng trong nước diễn biến tăng phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế, giao dịch mua, bán trên thị trường ở mức bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mà còn có hiện tượng một số người dân có xu hướng bán vàng ra khi giá vàng cao", ông Minh nói.
Đánh giá về xu hướng của giá vàng thế giới trong thời gian tới, ông Minh dẫn lời các chuyên gia cho hay: Trong thời gian tới giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Do vậy, giá vàng trong nước có thể biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng giá vàng trong thời gian này còn nhiều yếu tố rủi ro.
Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mức 53,15 triệu đồng/lượng - 54,35 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại TPHCM ở mức 53,5 triệu đồng/lượng - 54,8 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng SJC đã tăng hơn 5 triệu đồng mỗi lượng. Sáng 1/7, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 49,15 triệu đồng/lượng (mua vào) - 49,62 triệu đồng/lượng (bán ra).
Còn so với đầu năm 2020, giá vàng SJC đã tăng tới 12 triệu đồng mỗi lượng. Sáng 3/1, giá vàng SJC niêm yết giao dịch ở mức 42,53 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,9 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng tăng sốc khiến giao dịch trên thị trường sôi động hẳn lên, số lượng người đến các cửa hàng vàng tăng đáng kể do, nhưng không quá đột biến.