Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về đợt giảm lãi suất diện rộng

(Dân trí) - Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới.

Kể từ hôm nay 13/5, Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt lãi suất trên diện rộng. Trong đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39 giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

Đây là lần giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 liên tiếp trong vòng chưa đầy 2 tháng. Trước đó, ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm mạnh các mức lãi suất, tối đa lên đến 1%/năm.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về đợt giảm lãi suất diện rộng - 1
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước.

 Trao đổi về lý do Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết:

Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Tiếp theo đợt điều chỉnh lãi suất tháng 3/2020, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí vay vốn, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Theo ông Hà, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều ngân hàng trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái. Còn trong nước, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

"Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế", ông Hà nhấn mạnh.

Đề cập tới định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà cho hay: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, kết quả triển khai các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất. Trên cơ sở đó, chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cũng trong sáng nay, khi các quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh lãi suất huy động VND.

Mặc dù trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm xuống 4,25%/năm, nhưng trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại còn điều chỉnh sâu hơn, có nơi xuống dưới 4%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng có thay đổi tại một số ngân hàng.

An Hạ