1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng mua khoảng 30 tấn vàng "đấu thầu" để trả nợ dân

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước cho biết, kể từ khi tổ chức đấu thầu đến nay, các tổ chức tín dụng đã mua gần 60 tấn vàng, trong đó, khoảng 30 tấn vàng để tất toán số dư huy động vàng, còn lại là để đáp ứng nhu cầu mua vàng trên thị trường.

Hơn nửa số vàng đấu thầu để tất toán cho việc huy động vàng.
Một nửa số vàng "đấu thầu" để tất toán cho việc huy động vàng.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay: Tính đến thời điểm hiện nay, tất cả 18 tổ chức tín dụng (TCTD) đã hoàn thành việc tất toán số dư huy động vốn bằng vàng đến hạn phải chi trả theo quy định.

Theo đó, tổng dư nợ bằng vàng của toàn hệ thống đã giảm gần 70% và chiếm tỷ lệ không đáng kể so với tổng dư nợ cho vay của hệ thống đối với nền kinh tế. Toàn bộ số dư giữ hộ vàng đã được hạch toán ngoại bảng, các TCTD không được sử dụng vàng giữ hộ dưới mọi hình thức.

Cũng tính từ ngày 28/3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 59 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng lượng vàng miếng SJC bán ra thị trường gần 60 tấn vàng. Trong đó có khoảng 30 tấn vàng đã được các TCTD sử dụng để tất toán số dư huy động vàng; số còn lại được các TCTD, doanh nghiệp trúng thầu bán ra để đáp ứng nhu cầu mua vàng trên thị trường.

Nói về việc đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã triển khai can thiệp ổn định thị trường vàng phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường thông qua hình thức đấu thầu bán vàng miếng nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia, không bao cấp, không bù lỗ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích của Nhà nước.

“Giá trúng thầu được xác định trên cơ sở cạnh tranh, luôn bám sát giá thị trường và định hướng thị trường nên đã ngăn ngừa một cách hiệu quả hiện tượng đầu cơ, làm giá và khẳng định vai trò điều tiết của Nhà nước”, thông tin nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định đã chú trọng giám sát chặt chẽ tình hình các TCTD sử dụng vàng miếng mua từ các phiên đấu thầu, đảm bảo TCTD sử dụng vàng miếng đúng mục đích và tất toán số dư huy động vốn bằng vàng theo quy định; theo dõi chặt chẽ việc TCTD tuân thủ quy định không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng.

Cơ quan này cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng báo cáo các giao dịch với khách hàng có giá trị lớn trên 300 triệu đồng theo Quyết định số 20 của Thủ tướng về quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24 của Chính phủ.

Đến nay, một mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng mới có quản lý của Nhà nước đã được thiết lập nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân với 38 TCTD, doanh nghiệp được cấp phép và gần 2.500 địa điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng được cấp phép thực hiện đúng quy định về niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng; chấp hành các quy định về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ và thường xuyên được thanh tra, kiểm tra.

 

Sáng nay 17/9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đầu thầu bán vàng miếng lần thứ 59 với tổng khối lượng trúng thầu đạt 19.900 lượng trên tổng số 20.000 lượng chào thầu. 

Trong phiên đấu thầu này, đã có 16 thành viên trúng thầu là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Giá trúng thầu cao nhất là 37,39 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 37,33 triệu đồng/lượng.

 

Như vậy, tính từ ngày 28/3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 59 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.557.000 lượng (gần 60 tấn vàng) trên tổng số 1.662.000 lượng chào thầu.

 

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm