Ngân hàng “khéo lách” quy định giữ hộ vàng

Khi không được phép huy động vàng, các tổ chức tín dụng chỉ còn được phép cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng, nhưng nhiều ngân hàng công khai việc giữ hộ vàng có lợi tức hoặc mức phí rất tượng trưng.

Mỗi nơi một cách

Dạo một vòng các ngân hàng, khách hàng có thể thoải mái khảo sát dịch vụ giữ hộ vàng. Techcombank giữ hộ vàng theo thời gian khách hàng yêu cầu và quy định của Techcombank từng thời kỳ. Khách hàng có thể rút một phần hoặc toàn bộ số vàng đã gửi, sau khi thông báo cho Techcombank thời điểm rút 2 ngày. Khách hàng không được hưởng lãi trong thời gian giữ hộ. Phí dịch vụ được áp dụng theo quy định của ngân hàng trong từng thời kỳ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại DongAbank, số lượng vàng mà ngân hàng này nhận giữ hộ tối thiểu 1 chỉ vàng, gồm cả vàng miếng Phượng Hoàng PNJ – DongA Bank và vàng SJC Rồng Vàng 99,99. Phí giữ hộ chỉ chiếm 0,005%/trị giá vàng gửi giữ hộ (tối thiểu 2.000 đồng, tối đa 100.000 đồng) và được tính theo giá bán vàng SJC vào thời điểm gửi vàng. Khách hàng sử dụng dịch vụ giữ hộ vàng được rút một phần hoặc toàn bộ số vàng đã gửi ngân hàng giữ hộ nhưng phải báo trước cho ngân hàng 24 giờ làm việc. Khách hàng quyết định thời gian giữ hộ, DongA Bank không giới hạn thời gian giữ hộ vàng.

DaiAbank cũng không giới hạn thời gian giữ hộ vàng. Khách hàng có thể rút bớt một phần số vàng đã gửi, số lần rút không hạn chế trong suốt thời gian gửi. Số vàng giữ hộ được cầm cố, bảo lãnh vay vốn tại DaiAbank và tổ chức tín dụng khác (nếu tổ chức tín dụng đó chấp nhận). Số vàng giữ hộ được chuyển quyền sở hữu và thừa kế theo quy định của pháp luật. Ngân hàng này nhận giữ hộ tối thiểu từ 01 lượng trở lên và phải là bội số của 01 chỉ. Khách hàng không phải trả phí giữ hộ vàng.

Trong khi đó, VPbank lại thông báo, khách hàng dịch vụ giữ hộ vàng được nhận lợi tức theo mức do VPbank quy định từng thời kỳ với mức lợi tức hấp dẫn, cạnh tranh, kỳ hạn giữ hộ đa dạng, số lượng vàng nhận giữ hộ linh hoạt.

Sacombank cũng có quy định tương tự khi nêu rõ “dịch vụ giữ hộ vàng giúp khách hàng cất giữ vàng tại Sacombank một cách an toàn, tiện lợi, bảo mật và được hưởng lợi tức cao  trên số vàng giữ hộ”.

Vẫn "lách" khéo

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 25/11 vừa qua, các ngân hàng thương mại phải chấm dứt phát hành chứng chỉ huy động vàng. Thay cho dịch vụ này, nhiều nhà băng bắt đầu tung ra sản phẩm giữ hộ vàng với mức phí phổ biến là 0,05% hoặc tối thiểu là 20.000 đồng, thậm chí mức phí chỉ mang tính tượng trưng, khoảng 0,005% trị giá vàng gửi giữ hộ.

Như trường hợp tại ngân hàng Đông Á, với mức phí này, khách hàng chỉ mất khoảng 2.300 đồng khi gửi một lượng vàng SJC có trị giá khoảng 47 triệu đồng.

Thực tế, ngay từ đầu tháng 5/2012, NHNN có Chỉ thị số 05/CT-NHNN gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu chấn chỉnh việc thực hiện quy định về huy động, giữ hộ vàng và sử dụng vàng, khẳng định việc một số ngân hàng đã trả lợi tức cho khách hàng khi thực hiện giữ hộ vàng là không phù hợp với quy định tại Luật các TCTD 2010 và Thông tư số 11.

NHNN yêu cầu các nhà băng cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng phải thực hiện đúng nguyên tắc về hoạt động quản lý, bảo quản, giữ hộ tài sản. Cụ thể khách hàng nhờ giữ vàng phải trả phí theo bảng phí dịch vụ trông giữ mà ngân hàng niêm yết và các ngân hàng không được trả lãi, lợi tức và các hình thức khác cho khách hàng.

Cách đây vài ngày, NHNN lại một lần nữa ra văn bản yêu cầu các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện đúng các quy định của Luật các TCTD, Chỉ thị số 05 ngày 27/4/2012 của NHNN khi thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản (bao gồm cả dịch vụ giữ hộ vàng).

Thế nhưng, theo nhận định của một chuyên gia: “Chỉ với vài kỹ thuật của một chương trình khuyến mãi, quy định phí sẽ trở thành điều không mấy bận tâm đối với khách hàng”, và, “điều này thực tế vẫn đang tồn tại, khi người gửi tiết kiệm được nhận quà khuyến mại ngay khi gửi, với giá trị tương đương 2 – 3% lãi suất gửi tiền”.

Theo Nguyễn Thành
Pháp luật Việt Nam