1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng đua nhau thay tổng giám đốc

(Dân trí) - Tuần này, thị trường đón nhận thông tin 3 ngân hàng có tổng giám đốc (CEO) mới. Việc bổ nhiệm này gắn với những thay đổi quan trọng của ngân hàng và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai gần.

Ghế mới, gương mặt cũ

Ngày 3/7, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chính thức bổ nhiệm ông Phan Huy Khang làm Tổng giám đốc. Trước đó, ông Khang từng là Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Và trong ngày hôm qua 4/7, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) chính thức công bố ông Nguyễn Đức Vinh và ông Nguyễn Hưng làm tổng giám đốc của hai ngân hàng này.

Tân Tổng giám đốc VPBank là ông Nguyễn Đức Vinh, người vừa từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), trước đó là vị trí Tổng giám đốc Techcombank. Ông Vinh từng là Phó Tổng Giám đốc của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Còn ông Nguyễn Hưng có gần 20 năm làm lãnh đạo cấp cao trong các ngân hàng thương mại. Trước khi về TienPhong Bank, ông Hưng giữ cương vị Tổng Giám đốc VPBank từ năm 2009.


Tân tổng giám đốc với những gương mặt cũ.
Tân tổng giám đốc với những gương mặt cũ.

Trong ba trường hợp trên, việc bổ nhiệm tổng giám đốc mới tại Sacombank và TienPhong Bank gắn với những thay đổi quan trọng của ngân hàng.

Tại Sacombank, việc bổ nhiệm tổng giám đốc diễn ra ngay sau khi cơ cấu cổ đông lớn và HĐQT đã có nhiều thay đổi. Còn tại TienPhong Bank, tổng giám đốc mới gắn với thời điểm quan trọng của quá trình tái cơ cấu tự thân, và phương án này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Hiện tại, cổ đông TienPhong Bank đã sẵn sàng tăng vốn điều lệ thêm 1.500 tỷ đồng và cuối năm 2012 vốn điều lệ của TienPhong Bank dự kiến đạt 4.500 tỷ đồng.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, trong gần 40 ngân hàng thương mại có đến một nửa thay các thành viên chủ chốt trong HĐQT, tổng giám đốc và hầu hết có thay đổi trong thành viên ban điều hành. Sau Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Đình Tùng (Phó tổng giám đốc Maritime Bank) trở thành quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Còn tại Maritime Bank, từ 24/5, tổng giám đốc người Ấn Độ Atul Malik đã trở thành tổng giám đốc người nước ngoài đầu tiên của ngân hàng (trước đó Techcombank và Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông - MDB - cũng có lãnh đạo chủ chốt là người nước ngoài). Vào cuối tháng 4, cổ đông lớn nhất của Southern Bank, ông Trầm Bê, đã chính thức từ nhiệm chức Phó chủ tịch HĐQT để sang HĐQT của Sacombank.

Một nhiệm kỳ của tổng giám đốc thông thường 4 - 5 năm, nhưng điểm lại 5 năm qua, hơn một nửa các ngân hàng cứ 1 - 2 năm lại thay tổng giám đốc một lần. TienPhong Bank trong vòng hai năm có ba tổng giám đốc, LienvietPostBank thay ba tổng giám đốc trong vòng bốn năm...

Xu hướng trong tương lai

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Điều hành, Công ty Tuyển dụng Nhân sự cấp cao Navigos Search, thay đổi lãnh đạo cấp cao tại các công ty cũng là việc bình thường. Ở các công ty đa quốc gia, một nhiệm kỳ của tổng giám đốc thường từ 3 đến 5 năm.

Tuy nhiên, tại Việt Nam trong thời gian qua lại xảy ra dồn dập việc các ngân hàng thay ghế lãnh đạo cấp cao. Các nguyên nhân của việc thay đổi này có thể bao gồm thay đổi chủ sở hữu, cơ cấu lại tổ chức để tăng cường sức cạnh tranh, hợp nhất các ngân hàng hoặc đơn giản các nhân sự cấp cao này cần một môi trường mới để làm nghề.

“Việc thay đổi nhân sự để phù hợp với chiến lược kinh doanh cũng là rất bình thường. Theo cá nhân tôi đánh giá, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai gần”, bà Vân Anh nói.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, việc thay đổi CEO của một số ngân hàng trong thời gian qua có liên quan đến vấn đề tái cơ cấu của ngân hàng cho phù hợp với xu hướng, định hướng phát triển của HĐQT. Ngoài ra, cũng không ít ngân hàng có nhu cầu thay đổi lãnh đạo do nhu cầu nội bộ, có nghĩa, thay CEO không liên quan đến vấn đề tái cơ cầu, M&A mà vì kỷ luật nội bộ, năng lực…

Có thể nói, “việc thay đổi CEO thường là xu hướng tích cực, bởi trong chiến lược phát triển của ngân hàng bao giờ cũng có vấn đề tái cơ cấu vốn và tăng vốn. Nhu cầu này thường xuất phát từ HĐQT của mỗi ngân hàng. Đằng sau sự thay đổi này là sự thay đổi về quyền lực, có nghĩa là có sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông”, ông Hiếu cho hay.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc một số CEO chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác hoặc việc một số ngân hàng tuyển CEO “ngoại” đã cho thấy rằng thị trường không có nhiều sự lựa chọn. Bởi theo bà Vân Anh, tuyển dụng những vị trí cấp C (CEO, CFO, COO, CIO - Giám đốc công nghệ) là khó nhất. Những vị trí này đòi hỏi rất nhiều thứ: nền tảng đào tạo, kinh nghiệm làm việc, khả năng lãnh đạo, khả năng tư duy, tầm nhìn rộng ...

“Các ông chủ ngân hàng sẽ đòi hỏi người lãnh đạo này như một thuyền trưởng, có thể chèo lái con thuyền ngân hàng đến đích và đến đích sớm hơn những con thuyền khác mà môi trường thì ngày một cạnh tranh hơn. Họ phải làm việc được với HĐQT, đồng thời họ phải có khả năng làm việc và xoay sở trong môi trường kinh doanh của Việt Nam khi mọi chính sách còn đang trong quá trình hoàn thiện. So với trước đây, nhân sự cao cấp người Việt có sự cải thiện cả về chất và lượng nhưng vẫn chưa đủ. Tuy cải thiện, nhưng nếu so với chuẩn nước ngoài thì chất lượng nhân sự người Việt vẫn tiếp tục cần phải cải thiện”, bà Vân Anh cho hay.

Nói thêm về việc ngân hàng thay CEO, ông Hiếu cho rằng, xu hướng này cũng nhận được sự khuyến khích của Ngân hàng Nhà nước bởi ngành ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu và mục tiêu của cơ quan này nhằm giản lược số lượng các ngân hàng theo xu hướng mua bán sáp nhập.

Một vấn đề nữa cũng tương đối quan trọng, đó là đằng sau sự thay đổi CEO này là sự bất ổn về số lượng và chất lượng nhân sự cấp cao của ngành ngân hàng. Từ trước tới nay, nhân sự ngành ngân hàng luôn thiếu kể cả cấp cao, bậc trung và cấp dưới. Sự phát triển quá nóng của ngành ngân hàng đã kéo theo nhu cầu nhân sự lớn. Để đáp ứng sự phát triển của mình, các ngân hàng thường tuyển sinh viên mới ra trường và cho tham gia khóa đào tạo ngắn để làm nhân sự cấp dưới. Cùng với đó là sự phát triển của cán bộ bậc trung. Sự phát triển này đã dẫn đến hệ lụy khi những hiện tượng tiêu cực, rủi ro đạo đức xảy ra từ đây.

Cán bộ cao cấp cũng không tránh khỏi xu hướng này, dẫn đến thiếu xót trong điều hành, quản lý, đạo đức. “Có thể nói, bản thân CEO không thể tạo nên sự thành công cho ngân hàng, nhưng là yếu tố quyết định. Việc tăng vốn, tái cơ cấu vốn có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và khả năng điều hành của mỗi CEO”, TS.Hiếu nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm